Góp ý về việc quy hoạch mạng lưới các cơ sở giáo dục đại học (GDĐH) Việt Nam mà Bộ GDĐT đang xây dựng đề án, TS Lê Viết Khuyến - nguyên Phó Vụ trưởng Vụ GDĐH (Bộ GDĐT) cho biết, về lâu dài, Bộ không thể bao quát một hệ thống gồm quá nhiều trường ĐH,CĐ như hiện nay. Nhưng nếu Bộ muốn quy hoạch, sáp nhập, hợp nhất, giải thể trường ĐH công lập hiện nay thì cần phải có lộ trình và bước đi cụ thể vì trước đây đã có nhiều dự án quy hoạch trình Chính phủ về vấn đề này nhưng chưa thực hiện được.
Tái cấu trúc hệ thống giáo dục đại học cần sớm có lộ trình và chính sách cụ thể.
Sáp nhập hay giải thể cũng cần có lộ trình
TS Lê Viết Khuyến phân tích, khi thực hiện quy hoạch các trường ĐH công lập thì phải có đủ chủng loại ĐH để đáp ứng về nhu cầu nhân lực đa dạng, ở các cấp độ khác nhau từ tầm quốc tế, tầm quốc gia, tầm vùng và tầm địa phương. Còn như vừa qua, diễn ra tình trạng ghép một số trường ĐH, sẽ không ăn nhập gì cả. TS Khuyến cho rằng, khi sắp xếp các trường thì phải dựa vào điều kiện cụ thể, chứ tự dưng nói xếp trường yếu vào trường mạnh là không ổn. Bộ phải giải thích thế nào nếu gọi trường ĐH này là yếu kém; thế nào là trường mạnh. Đơn cử, những trường địa phương sáp nhập vào trường ĐH quốc gia do yếu kém nhưng mỗi trường có một sứ mệnh khác nhau; trường địa phương đào tạo nhân lực cho địa phương còn ĐH quốc gia đào tạo vươn tầm quốc tế. Đội ngũ giảng viên của 2 trường khác nhau, tiêu chuẩn khác nhau, không thể ngồi chung với nhau được.
Do đó, sắp xếp trường ĐH phải có nguyên tắc cụ thể, không thể nói giải thể một trường ĐH yếu kém ngay được. Căn cứ nào để bảo trường đó yếu kém? Vì thế tất cả phải qua kiểm định. Bởi hiện nay, khi kiểm định 1 trường ĐH nếu trường đó yếu thì người ta sẽ không giải thể ngay mà sẽ yêu cầu dừng các chương trình đào tạo kém lại để củng cố và cho thời gian dự phòng, khắc phục, nếu không khắc phục được mới tính đến giải thể.
Theo quan điểm chung của nhiều chuyên gia, quy hoạch lại mạng lưới các trường ĐH, CĐ là cần thiết, hiện ngân sách nhà nước đang quá tải nếu tiếp tục bao cấp cho hệ thống sự nghiệp, trong đó có giáo dục. Trong khi đó, nền GDĐH Việt Nam có quá nhiều bất cập từ hệ thống đến các cơ sở đào tạo; có một số trường thực sự yếu kém về năng lực và chất lượng đào tạo. Tuy nhiên, việc sắp xếp các trường ĐH, CĐ rất cần thận trọng và có lộ trình bài bản.
Phân tích kỹ hơn, GS.TS Hoàng Minh Sơn - Hiệu trưởng Trường ĐH Bách khoa Hà Nội cho rằng, việc sáp nhập, hợp nhất, liên minh, liên kết các trường ĐH thành các ĐH quy mô lớn, đa lĩnh vực đang là xu hướng của nhiều nước trên thế giới, đặc biệt trong thời đại cạnh tranh toàn cầu rất khốc liệt như hiện nay. Khi đó, các ĐH lớn sẽ có khả năng tập trung thu hút được nguồn lực đầu tư từ Nhà nước và doanh nghiệp vào nghiên cứu và đào tạo sau ĐH… nâng cao năng lực cạnh tranh trong khu vực và quốc tế.
Còn GS.TSKH Lâm Quang Thiệp - Trường ĐH Thăng Long chia sẻ, việc kiểm định chất lượng là công cụ quan trọng.Với những trường ĐH đào tạo chất lượng thấp, không tuyển sinh được, kiểm định nhiều năm không đạt thì nên giải thể. Ông Thiệp cũng đồng tình rằng một trong những công cụ quan trọng để đánh giá là hệ thống kiểm định chất lượng gồm 2 loại: Kiểm định nhà trường và kiểm định chương trình. Nếu thực hiện cơ chế kiểm định nghiêm túc thì sẽ phát hiện ngay được trường nào, ngành nào không đạt.
Cần chính sách cụ thể và ưu tiên trọng điểm
Trước đó, trong tháng 8/2019, Bộ GDĐT đã đề nghị Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam góp ý cho Dự thảo Đề án sáp nhập, hợp nhất hoặc giải thể các cơ sở giáo dục ĐH công lập (phiên bản 27/8/2019).
Theo GS.VS Phạm Minh Hạc- nguyên Bộ trưởng Bộ GDĐT, trong vòng 10-15 năm trở lại đây chúng ta phát triển ĐH quá nhanh, không phù hợp với yêu cầu về nguồn nhân lực của đất nước. Cụ thể, gần đây có những trường ĐH công lập của một số tỉnh sáp nhật vào một trường khác như ĐH An Giang trở thành thành viên của ĐHQG TPHCM, hoặc một số trường dân lập không phát triển được đã bán từ người này sang người khác. Vì vậy, đã đến lúc và đã hơi chậm, chúng ta phải giải thể và phải sắp xếp lại hệ thống giáo dục, trong đó kiên quyết giải thể những trường ĐH không đáp ứng được điều kiện đào tạo. Đối với những trường có thể tiến hành sáp nhập được để tạo hiệu quả tốt hơn thì nên sáp nhập, không được chần chừ và cũng không thể chần chừ được nữa. Yêu cầu này đã quá chín muồi rồi, là mong đợi của nhân dân lâu rồi. Tiếp đó là phải có những trường trọng điểm, rồi những trường sư phạm trọng điểm.
GS.VS Phạm Minh Hạc cho rằng, thời gian đã gấp lắm rồi nên phải có lộ trình thực hiện rất cụ thể. Thời gian, kinh phí đầu tư cho các trường ĐH phải xác định rõ và thích đáng, kịp thời. Chúng ta một mặt phát triển tràn lan như trên đã nói mà không tập trung vào các trường trọng điểm thì làm sao nâng cao được chất lượng đội ngũ giáo viên được?
GS Trần Hồng Quân - Chủ tịch Hiệp hội Các trường ĐH, CĐ Việt Nam nhấn mạnh: Việc sắp xếp, điều chỉnh nên được chuẩn bị thật kỹ về quan điểm, tư duy, đặc biệt là các chính sách cụ thể. Bộ GDĐT phải thiết kế một hành lang pháp lý đủ rộng mà đủ chặt, xây dựng một kế hoạch toàn diện từ lộ trình đến sự giám sát. Trong bối cảnh đó, việc sắp xếp mạng lưới các trường nên theo nguyên tắc sàng lọc điều chỉnh của thị trường có sự định hướng và điều tiết của Nhà nước. Quan trọng hơn cả là nên bao quát toàn diện và tổng thể về phương hướng đổi mới cả hệ thống giáo dục ĐH, từ đó mới tính được việc sắp xếp mạng lưới trường ra sao.