Số liệu từ Cục Kiểm soát ô nhiễm môi trường (Bộ Tài nguyên và Môi trường) chỉ ra, ở Việt Nam trung bình mỗi năm thải ra khoảng 1,8 triệu tấn rác thải nhựa, trong đó khoảng 0,28 - 0,73 triệu tấn bị thải ra biển.
Chung sống với rác nhựa
Tuy nhiên, chỉ 27% lượng rác này được tái chế, tận dụng bởi các cơ sở và doanh nghiệp. Trong số 1,8 triệu tấn rác thải nhựa thải ra môi trường mỗi năm, phần lớn trong số đó là có túi nilon. Tính trung bình mỗi hộ gia đình Việt Nam sử dụng khoảng 1kg túi nilon/tháng; hơn 80% trong số đó đều bị thải bỏ sau khi dùng một lần...
Hiện nay việc phân loại, thu hồi, tái chế và xử lý rác thải nhựa còn hạn chế. Theo tính toán, lượng chất thải nhựa và túi nilon ở Việt Nam chiếm khoảng 8 - 12% chất thải rắn sinh hoạt; nhưng chỉ có khoảng 11 - 12% số lượng chất thải nhựa, túi nilon được xử lý, tái chế, số còn lại chủ yếu là chôn lấp, đốt hay thải ra ngoài môi trường. Điều này dẫn đến thảm họa môi trường, ô nhiễm đại dương...
Nhận định của nhiều chuyên gia môi trường, đây đã và đang là một thực trạng nhức nhối, bài toán nan giải cho các nhà quản trị vĩ mô, các cơ quan quản lý, cộng đồng doanh nghiệp và trên hết là người dân. Do tính chất khó phân hủy nên ngay cả khi được thu gom đưa đi chôn lấp, chúng vẫn tồn tại hàng trăm năm, gây ô nhiễm môi trường đất. Đặc biệt, xử lý rác thải nhựa không đúng cách như đốt nhựa không đúng quy chuẩn còn là nguy cơ gây ô nhiễm môi trường không khí, tạo hiệu ứng nhà kính và ảnh hưởng tiêu cực đến hệ sinh thái. Chưa hết, trong rác thải nhựa có nhiều túi nilon, có thể lẫn lưu huỳnh, dầu hỏa nguyên chất... khi đốt cháy gặp hơi nước sẽ tạo thành các loại axit sunfuric gây ra mưa axit vô cùng nguy hiểm đối với sức khỏe con người.
Đứng trước cơ hội lớn
Theo ông Phan Tuấn Hùng - Vụ trưởng Vụ Pháp chế (Bộ Tài nguyên và Môi trường), Việt Nam gần đây nổi lên như một trung tâm sản xuất nhựa trong khu vực, ngành công nghiệp nhựa trong nước sẽ hưởng lợi đáng kể từ xu hướng toàn cầu và trở thành một nhân tố quan trọng trong nỗ lực cung cấp các giải pháp mới cho ngành sản xuất nhựa thân thiện với môi trường.
Ông Hùng cho biết thêm, ngành tái chế nhựa của Việt Nam đang đứng trước cơ hội lớn để phát triển khi quy định EPR (Extended Producer Responsibility - Trách nhiệm mở rộng của nhà sản xuất) trong tuân thủ quy định tái chế sản phẩm, bao bì có hiệu lực thi hành bởi doanh nghiệp, sẽ tiếp nhận được nguồn tài chính hỗ trợ cho hoạt động tái chế. Những tiến bộ trong công nghệ tái chế nhựa và nhựa sinh học khẳng định cam kết trong việc giải quyết các vấn đề về môi trường, cùng với nhu cầu ngày càng tăng về sản phẩm làm từ nhựa và tài nguyên từ chất thải nhựa.
Như vậy, phát triển mô hình kinh tế tuần hoàn rác thải nhựa được xác định là phương cách hữu hiệu giúp quản lý chuỗi/quy trình sản xuất, lưu thông/phân phối, sử dụng, tái chế, tiêu hủy theo chu trình khép kín; kết hợp áp dụng quy định EPR đối với doanh nghiệp được xem là “chìa khóa” giải quyết bài toán về tái chế nhựa, cao su và các sản phẩm từ nhựa, giúp kinh tế tuần hoàn chuyển động hiệu quả.
Ở một hướng thông tin khác, theo công bố từ Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam (PRO Việt Nam), hiện tổ chức đã xây dựng được các mô hình thu gom và tái chế vận hành hiệu quả với nhiều loại nhựa thải, bao bì khác nhau. Trong 2 năm thử nghiệm (2022 - 2023) trước khi quy định về EPR chính thức có hiệu lực, PRO Việt Nam đã thu gom và tái chế thành công hơn 17.000 tấn bao bì các loại, góp phần giảm thiểu gánh nặng rác thải nhựa lên môi trường.
Trong năm 2024, khi quy định EPR có hiệu lực, PRO Việt Nam cam kết thu gom và tái chế khoảng 64.000 tấn bao bì các loại để thực thi nghĩa vụ EPR theo ủy quyền của các công ty thành viên. Mục tiêu 5 năm tiếp theo, PRO Việt Nam sẽ đẩy mạnh thực thi EPR và hoàn chỉnh mô hình kinh tế tuần hoàn; đồng thời, xây dựng mô hình thu gom và tái chế hiệu quả, tham gia tuyên truyền và giáo dục bảo vệ môi trường cho cộng đồng.
PRO Việt Nam đặt mục tiêu đến năm 2030, tất cả bao bì do các thành viên trong Liên minh Tái chế bao bì Việt Nam đưa ra tiêu thụ trên thị trường đều được thu gom và tái chế. Để hiện thực hóa khát vọng, PRO Việt Nam hướng đến chiến lược ưu tiên: Nâng cao nhận thức và thay đổi hành vi người tiêu dùng về sử dụng sản phẩm với bao bì cần phân loại, thu gom và tái chế…; Làm vững mạnh hệ sinh thái thu gom bao bì sẵn có.
PRO Việt Nam được thành lập năm 2019, nhằm thúc đẩy nền kinh tế tuần hoàn tại Việt Nam, giúp việc tái chế bao bì trở nên dễ tiếp cận và bền vững hơn. Đến nay, PRO Việt Nam đã có 30 doanh nghiệp thành viên, đều là các công ty có quy mô lớn trong lĩnh vực hàng tiêu dùng, sản xuất bao bì, bán lẻ, nhập khẩu, thu gom và tái chế.