Quá trình tái cấu trúc hệ thống ngân hàng được đánh giá sẽ diễn ra mạnh mẽ hơn và thuận lợi hơn nhờ những cải thiện mới từ quy định pháp lý cũng như các hỗ trợ từ phía Ngân hàng Nhà nước (NHNN).
Ngành ngân hàng đã và đang trải qua giai đoạn tái cơ cấu vừa xử lý những vấn đề cũ trong quá khứ như về nợ xấu, sở hữu chéo, đảm bảo cho sự ổn định hoạt động của ngân hàng…,song cũng đang hướng đến bài toán hội nhập, đáp ứng đủ các tiêu chí về vốn, hệ số an toàn. Và sau gần 1 năm thực hiện Đề án Tái cơ cấu và xử lý nợ xấu giai đoạn II, ông Phạm Huyền Anh- phó chánh Thanh tra, Cơ quan Thanh tra giám sát ngân hàng (thuộc NHNN) cho biết đến nay, hầu hết các ngân hàng đã được NHNN phê duyệt phương án tái cơ cấu.
Cụ thể NHNN đã thẩm định, phê duyệt phương án cơ cấu lại gắn với xử lý nợ xấu giai đoạn 2017 - 2020 của 3 ngân hàng (Agribank, VCB và BIDV).
Thực tế cho thấy vẫn còn nhiều khó khăn đeo đuổi hệ thống ngân hàng trong tiến trình tái cơ cấu tổ chức tín dụng. Nhưng với những quy định pháp lý mới được ban hành cùng những hỗ trợ từ phía NHNN sẽ là nền tảng tốt. Chẳng hạn như với việc với việc ban hành Nghị quyết số 42/2017/QH14 để xử lý nợ xấu. Điều này đã tạo động lực quan trọng cho Công ty Quản lý tàisản các tổ chức tín dụng VAMC và các tổ chức tín dụng chủ động xử lý nợ xấu, khẳng định được quyền của chủ nợ trong giao dịch dân sự. Từ đây cũng có nghĩa là, quá trình xử lý nợ xấu sẽ có thêm nhiều công cụ cũng như giải pháp mới.
Báo cáo mới nhất cũng cho biết, tỷ lệ nợ xấu nội bảng toàn hệ thống các tổ chức tín dụng cuối tháng 3/2018 là 2,18%, giảm so với mức 2,46% vào cuối năm 2016.
Nhiều dẫn chứng cũng chỉ ra đến nay, sức khỏe của hệ thống ngân hàng đã cải thiện rõ rệt. Nhiều ngân hàng chủ động tăng vốn, áp dụng chuẩn basel để tăng sức đề kháng cho chính ngân hàng.
TS Cấn Văn Lực cho rằng, nếu như năm 2017- thời điểm mới bắt đầu thực hiện tái cơ cấu, hệ số lợi nhuận ròng trên vốn chủ sở hữu (ROE) của hệ thống chỉ đạt 6% thì hiện nay đã tăng gần gấp đôi (11%). Đặc biệt,tình trạng cổ đông thâu tóm, sở hữu chéo đã giảm mạnh.
Theo định hướng của NHNN, trong năm 2018, NHNN sẽ tiếp tục hoàn thiện, trình cấp có thẩm quyền xem xét, phê duyệt và triển khai thực hiện phương án xử lý tổ chức tín dụng yếu kém, đặc biệt là 3 ngân hàng thương mại mua lại và các quỹ tín dụng nhân dân yếu kém. Đồng thời, khẩn trương tăng vốn cho các ngân hàng thương mại quốc doanh sau khi được Thủ tướng phê duyệt, đẩy mạnh xử lý sở hữu chéo...
Trong chỉ đạo mới đây nhất để đạt mục tiêu lạm phát dưới 4%, Thủ tướng Chính phủ yêu cầu phối hợp chặt chẽ giữa chính sách tài khóa với chính sách tiền tệ, hướng mạnh tới mục tiêu ổn định kinh tế vĩ mô; phải quyết liệt hơn nữa trong cơ cấu lại các tổ chức tín dụng gắn với xử lý nợ xấu và các tổ chức tín dụng yếu kém; phát triển thanh toán không dùng tiền mặt; tăng cường việc ứng dụng các phương tiện thanh toán mới, hiện đại trên nền tảng công nghệ tiên tiến; bảo đảm an ninh, an toàn trong hoạt động thanh toán điện tử, thanh toán thẻ; Tập trung triển khai các giải pháp nhằm ổn định mặt bằng lãi suất, phấn đấu giảm lãi suất cho vay; triển khai tích cực, có hiệu quả các chương trình tín dụng theo hướng mở rộng quy mô tín dụng đi đôi với nâng cao chất lượng tín dụng, bảo đảm cung ứng vốn cho nền kinh tế, tạo điều kiện thuận lợi trong tiếp cận vốn ngân hàng. Đẩy mạnh giải ngân vốn đối với các chương trình tín dụng, các lĩnh vực sản xuất, kinh doanh, lĩnh vực ưu tiên, đồng thời kiểm soát chặt chẽ tín dụng đối với các lĩnh vực tiềm ẩn rủi ro…