Tài khoản định danh điện tử: Thuận tiện, nhiều người sẽ sử dụng

LÊ PHONG 23/10/2022 07:00

Theo Nghị định 59/2022/NĐ-CP, có hiệu lực từ ngày 20/10, tài khoản định danh điện tử mức độ 2 của công dân có giá trị tương đương như việc sử dụng thẻ căn cước công dân trong thực hiện các giao dịch có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước.

Cảnh sát thu nhận thông tin để phục vụ việc cấp tài khoản định danh điện tử.

Từ 14 tuổi được cấp tài khoản định danh

Theo nghị định, danh tính điện tử là thông tin của một cá nhân hoặc một tổ chức trong hệ thống định danh và xác thực điện tử cho phép xác định duy nhất cá nhân hoặc tổ chức đó trên môi trường điện tử. Mỗi cá nhân hay tổ chức đều có danh tính điện tử. Danh tính điện tử công dân Việt Nam gồm: Thông tin cá nhân là số định danh; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính và thông tin sinh trắc học (ảnh chân dung, vân tay).

Danh tính điện tử người nước ngoài gồm: Số định danh của người nước ngoài; họ và tên; ngày, tháng, năm sinh; giới tính; quốc tịch; số, ký hiệu, ngày, tháng, năm, loại giấy tờ và nơi cấp hộ chiếu hoặc giấy tờ có giá trị đi lại quốc tế, thông tin sinh trắc học.

Còn đối với tổ chức, danh tính điện tử gồm: Mã định danh điện tử của tổ chức; tên tổ chức gồm viết tắt và tên tiếng nước ngoài; ngày, tháng, năm thành lập; địa chỉ trụ sở chính; họ và tên người đại diện theo pháp luật hoặc người đứng đầu tổ chức.

Mỗi danh tính điện tử được đăng ký một tài khoản định danh điện tử. Tài khoản này là tập hợp tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác được tạo lập bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử (Cục Cảnh sát quản lý hành chính về trật tự xã hội - C06 thuộc Bộ Công an).

Công dân từ 14 tuổi được cấp tài khoản định danh

Tài khoản định danh điện tử có hai mức độ. Mức độ 1 bao gồm các thông tin về số định danh cá nhân, họ tên, ngày tháng năm sinh, giới tính và ảnh chân dung. Mức độ 2 bao gồm các thông tin như mức độ 1 và vân tay.

Theo Điều 3 Nghị định 59/2022/NĐ-CP, tài khoản định danh điện tử là tập hợp gồm tên đăng nhập, mật khẩu hoặc hình thức xác thực khác tạo bởi cơ quan quản lý định danh và xác thực điện tử.

Trong đó, thông tin được đồng bộ vào tài khoản định danh điện tử sẽ bao gồm các thông tin về thẻ bảo hiểm y tế, chứng nhận đăng ký phương tiện giao thông, giấy phép lái xe, mã số thuế hoặc giấy tờ khác thuộc lĩnh vực quản lý của các Bộ, cơ quan ngang Bộ sau khi thống nhất với Bộ Công an.

Theo lãnh đạo C06 (Bộ Công an), công dân khi sử dụng tài khoản định danh điện tử để thực hiện các dịch vụ công sẽ giảm thủ tục xác minh thông tin, có thể chia sẻ thông tin của mình để tạo tài khoản ngân hàng, tài chính, viễn thông... Thông tin tự điền vào các biểu mẫu (form) đăng ký mà không cần phải khai báo, điền nhiều lần như trước đây.

Khi đăng ký tài khoản ở mức độ 2, thông tin trên thẻ căn cước công dân gắn chip sẽ được tích hợp cùng với những giấy tờ khác, tạo thành một thẻ căn cước công dân điện tử.

Cải tiến để thuận tiện hơn

Theo quy định tại khoản 8, Điều 13 Nghị định này, “Khi chủ thể danh tính điện tử sử dụng tài khoản định danh điện tử mức độ 2 trong các hoạt động, giao dịch điện tử thì có giá trị tương đương với việc xuất trình giấy tờ, tài liệu để chứng minh thông tin đã được tích hợp vào tài khoản định danh điện tử”. Điều này có nghĩa, người dân có thể sử dụng tài khoản định danh điện tử thay căn cước công dân khi làm thủ tục hành chính có yêu cầu xuất trình thẻ căn cước công dân.

Nghị định cũng quy định về việc, Bộ Công an có trách nhiệm kết nối, tích hợp hệ thống định danh và xác thực điện tử với nền tảng trao đổi định danh điện tử của Cổng dịch vụ công quốc gia phục vụ giải quyết thủ tục hành chính, cung cấp dịch vụ công trực tuyến theo quy định.

C06 khuyến cáo, chủ tài khoản định danh điện tử khi sử dụng phải bảo mật, không cung cấp mật khẩu cho người khác. Nếu mất kiểm soát tài khoản định danh của mình hoặc phát hiện bị sử dụng trái phép danh tính điện tử cần báo ngay cho công an theo số 1900.0368 để được hỗ trợ.

Đa số người dân đều ủng hộ chủ trương sử dụng tài khoản định danh điện tử, với sự tích hợp tiện ích, giúp họ không cần lúc nào cũng phải mang theo nhiều loại giấy tờ trong người như trước đây. Mặc dù đã khá thông thạo trong việc sử dụng các dịch vụ qua mang, cài đặt ứng dụng, song nhiều người vẫn gặp khó khăn khi cài đặt sử dụng ứng dụng này. Cụ thể, việc khai báo, đăng ký tài khoản theo hướng dẫn của cơ quan chức năng tương đối phức tạp và rối, dẫn đến nhiều người dân, nhất là những người trung niên, cao tuổi cảm thấy khó khăn. Anh Hà Hải (Tây Hồ, Hà Nội) cho biết, ban đầu rất hào hứng với đăng ký mở tài khoản định danh điện tử, như sau đó khi tiến hành làm thì rất mất thời gian mà không được, bị lỗi... Bước nào xong chốt bước đó, nếu sai, chưa xong thì khai tiếp thôi. “Cần cải tiến, nâng cấp VNEID để mọi người dân dễ thực hiện”, anh Hải nêu thực tế.

Tương tự, nhiều ý kiến trên các diễn đàn cũng bày tỏ, cơ quan chức năng cần có cải tiến, làm sao cho thật sự thuận tiện. Tài khoản “Bùi kiệm ct” cho biết: “Tôi đã ra Công an quận đăng ký định danh điện tử mức 2, khoảng hơn 1 tuần được nhắn tin mật khẩu để đăng nhập, đăng nhập ok và được báo đã đăng ký thành công mức 1. Hơn nữa, khi làm căn cước công dân đã lăn tay, chụp ảnh lưu vào cơ sở dữ liệu, không hiểu sao khi đăng ký mức 2 lại phải tiếp tục lăn tay, chụp ảnh nên rất mất thời gian”…

Rõ ràng, sử dụng tài khoản định danh điện tử là một bước rất văn minh ở thời 4.0, không chỉ giúp người dân đỡ phải mang các loại giấy tờ cá nhân mà còn giúp các cơ quan khi cần kiểm tra, xác minh, đối chiếu. Thế nhưng, cần cải tiến các bước làm sao để ai cũng có thể thực hiện một cách dễ dàng. Có như vậy, quá trình thực hiện mới thuận tiện, đi vào đời sống nhanh hơn, để sớm đưa Việt Nam trở thành một trong những nước có định danh điện tử quốc gia.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài khoản định danh điện tử: Thuận tiện, nhiều người sẽ sử dụng

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO