Thời gian gần đây nhiều dự án hạ tầng quan trọng phía Nam đã được tái khởi động mang tới những tín hiệu tích cực. Đặc biệt, một số dự án đã khởi công gần chục năm nhưng chưa hoàn thành đang có cơ hội lớn để về đích.
Gần 4 năm qua, dọc chiều dài 58km của dự án xây dựng đường cao tốc Bến Lức - Long Thành gần như vắng bóng công nhân, nhiều loại máy móc, vật tư, thiết bị công trình bỏ ngoài mưa nắng, hư hỏng và xuống cấp. Được khởi công năm 2014 với dự kiến hoàn thành năm 2019 nhưng tới nay, dự án quan trọng đi qua 3 địa bàn (TPHCM, Long An và Đồng Nai) này mới hoàn thành khoảng 81% khối lượng công việc. Đặc biệt là 2 gói thầu quan trọng nhất là xây cầu Phước Khánh và Bình Khánh (huyện Cần Giờ) do nhà thầu nước ngoài thi công đã bị tạm ngưng vì thiếu vốn. Thậm chí nhà thầu xây dựng cầu thi công cầu Phước Khánh đã kiện chủ đầu tư (Tổng công ty đường cao tốc Việt Nam - VEC) ra Trung tâm trọng tài quốc tế.
Tuy nhiên, những khúc mắc trên của dự án sẽ sớm được tháo gỡ. Khi thị sát công trường thi công của dự án này, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cho biết, các bộ ngành cùng Thủ tướng Chính phủ đã điều chỉnh cơ chế đặc thù, cho phép chủ đầu tư (VEC) sử dụng nguồn tiền nhàn rỗi (khoảng 5.100 tỉ đồng) từ việc thu phí các tuyến đường cao tốc hiện hữu để làm nguồn vốn tái khởi động lại dự án này. Trước đó, nhiều lần chủ đầu tư, người dân, báo chí cũng phản ánh về sự bất cập của dự án này, đặc biệt là thiếu nguồn vốn.
Ngoài ra, Phó Thủ tướng Trần Hồng Hà cũng yêu cầu chủ đầu tư phải hoàn thành dự án vào mốc thời gian tháng 9/2025 sau khi các thủ tục hành chính, nguồn vốn được giải quyết. Có thể nói, với nguồn vốn 31.300 tỉ đồng, tuyến cao tốc Bến Lức-Long Thành sẽ là đường Vành đai 3 TPHCM khi hoàn thành, kết nối nhiều tỉnh, thành khu vực phía Nam, tạo mạng lưới cao tốc hoàn chỉnh trong khu vực.
Cũng có vai trò to lớn trong hạ tầng khu vực TPHCM là dự án ngăn triều chống ngập 10.000 tỉ đồng cho Tập đoàn Trung Nam thực hiện. Dự án có quy mô 6 cống ngăn triều và gần 8km đường đê bao với nhiệm vụ ngăn toàn bộ triều cường từ phía biển tràn vào nhiều quận, huyện của TPHCM để chống ngập. Do quy mô và ý nghĩa rất quan trọng, dự án nhận được nhiều kỳ vọng và đồng thuận của cộng đồng. Khởi công năm 2016 và dự kiến hoàn thành sau 2 năm. Tuy nhiên, khi dự án đã hoàn thành khoảng 85% khối lượng công việc đã buộc phải ngưng thi công nhiều lần vì thủ tục, nguồn vốn. Dù hầu hết các hạng mục quan trọng nhất (gồm trụ pin, tấm van và âu thuyền) ở các cống ngăn triều đã cơ bản hoàn thành nhưng dự án vẫn không thể tiếp tục thi công.
Tuy nhiên, theo ông Bùi Xuân Cường - Phó Chủ tịch UBND TPHCM, dự án quan trọng này cũng đã tái thi công trở lại và đặc biệt, các thủ tục cấp vốn của ngân hàng cũng sẽ được các sở ngành ở TPHCM phối hợp giải quyết theo hình thức đặc thù nhằm tháo gỡ khó khăn, đưa dự án sớm hoàn thành trong thời gian tới. Nhiều người dân ở TPHCM cho biết, nếu dự án ngăn triều chống ngập được hoàn thành, nỗi lo ngập nước vì triều cường và mưa lớn ở thành phố sẽ cơ bản được giải quyết. Đây là một trong những nỗi lo lớn nhất về môi trường đô thị, ảnh hưởng tới cuộc sống giao thông đi lại của hàng triệu người. Theo kế hoạch, dự án ngăn triều chống ngập sẽ hoàn thành vào tháng 4/2024 tới.
Cũng khởi động lại sau một thời gian “trùm mền” vì các nguyên nhân khác nhau là dự án hầm chui Nguyễn Văn Linh (quận 7) và dự án sửa chữa nâng cấp đường Đồng Văn Cống (TP Thủ Đức). Được biết, đây là 2 dự án hạ tầng quan trọng ở TPHCM với mục tiêu giảm ùn tắc, kẹt xe trong khu vực. Trong đó, dự án hầm chui ở giao lộ Nguyễn Văn Linh - Nguyễn Hữu Thọ nằm ở cửa ngõ phía Nam thành phố, có mật độ phương tiện lớn và quá tải nhiều năm qua. Dự án có nguồn vốn khoảng 800 tỉ đồng, khởi công năm 2020 và dự kiến hoàn thành giai đoạn 1 năm 2022, giai đoạn 2 năm 2023 nhưng hiện nay đã chậm tiến độ, mới chỉ hoàn thành khoảng 35% khối lượng công việc. Dù không chính thức tạm dừng nhưng việc thi công ở dự án là không đáng kể và TPHCM đang thúc tiến độ, yêu cầu đơn vị thi công sớm hoàn thành theo kế hoạch.
Trong khi đó, dự án sửa chữa nâng cấp đường Đồng Văn Cống có vai trò khá quan trọng, là trục đường độc đạo dẫn vào cảng Cát Lái với mật độ phương tiện rất lớn. Khởi công năm 2020, dự án đã chậm tiến độ hơn 2 năm và hiện nay, TPHCM đang tìm cách thay nhà thầu thi công dự án này để sớm hoàn thành theo kế hoạch.
Nhiều người dân ở TPHCM cho biết, nếu dự án ngăn triều chống ngập được hoàn thành, nỗi lo ngập nước vì triều cường và mưa lớn ở thành phố sẽ cơ bản được giải quyết. Đây là một trong những nỗi lo lớn nhất về môi trường đô thị, ảnh hưởng tới cuộc sống giao thông đi lại của hàng triệu người.