Kinh tế

Tài liệu Bồi dưỡng kiểm toán môi trường: Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, Chiến lược bảo vệ môi trường

PHƯƠNG ANH 19/05/2024 21:04

Xác định kiểm toán môi trường là một lĩnh vực mới và khó, Kiểm toán nhà nước (KTNN) đã ban hành Tài liệu bồi dưỡng kiểm toán môi trường (KTMT) để làm cẩm nang cho kiểm toán viên tham khảo, vận dụng vào trong hoạt động kiểm toán lĩnh vực môi trường hiện nay.

445-202405211728371.jpg
Kiểm toán viên tham gia KTMT cần được tập huấn thường xuyên và bám sát tài liệu hướng dẫn, bồi dưỡng KTMT. Ảnh TL

Tài liệu dành cho đối tượng là công chức, viên chức được phân công KTMT và các đối tượng khác có nhu cầu bồi dưỡng kiến thức, kinh nghiệm và kỹ năng nghiệp vụ KTMT. Người học sẽ được trang bị kiến thức cơ bản về công tác quản lý và bảo vệ môi trường (BVMT); các bước tiến hành một cuộc KTMT và các kinh nghiệm, kỹ năng thực hiện KTMT đối với một số chủ đề kiểm toán cụ thể.

Kiểm toán môi trường góp phần bảo vệ môi trường

Tài liệu nêu rõ: Tại Điều 43 Hiến pháp năm 2013 quy định "Mọi người có quyền được sống trong môi trường trong lành và có nghĩa vụ BVMT". Nghị quyết Đại hội đại biểu toàn quốc lần thứ XIII của Đảng quán triệt tầm nhìn và định hướng phát triển giai đoạn 2021-2030: “Chủ động thích ứng có hiệu quả với biến đổi khí hậu, phòng, chống và giảm nhẹ thiên tai, dịch bệnh; quản lý, khai thác, sử dụng hợp lý, tiết kiệm, hiệu quả và bền vững tài nguyên; lấy BVMT sống và sức khỏe nhân dân làm mục tiêu hàng đầu”.

Nhằm cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, Chiến lược BVMT đến năm 2030 đặt mục tiêu: "Ngăn chặn xu hướng gia tăng ô nhiễm, suy thoái môi trường; giải quyết các vấn đề môi trường cấp bách; từng bước cải thiện, phục hồi chất lượng môi trường; bảo đảm an ninh môi trường, xây dựng và phát triển các mô hình kinh tế tuần hoàn, kinh tế xanh, các-bon thấp, phấn đấu đạt được các mục tiêu phát triển bền vững 2030 của đất nước…"

Cùng với sự vào cuộc của các cơ quan, Kiểm toán nhà nước (KTNN) với chức năng là cơ quan kiểm tra tài chính công, tài sản công đã, đang góp phần đắc lực vào quá trình bảo vệ môi trường thông qua hoạt động kiểm toán.

Tài liệu cũng đề cập đến khái niệm và sự cần thiết về kiểm toán môi trường; Vai trò, ý nghĩa và trách nhiệm của KTNN trong KTMT; phân biệt KTMT do cơ quan nhà nước có chức năng về môi trường thực hiện và KTMT do cơ quan KTNN thực hiện…

“Cho đến nay, ngoài KTNN, chưa có cơ quan nhà nước nào được Luật định việc thực hiện chức năng kiểm toán việc quản lý, sử dụng tài chính công, tài sản công. Điều này cho thấy, chức năng KTMT phải do cơ quan kiểm toán độc lập và có vị thế như KTNN thực hiện để đảm bảo tính khách quan, minh bạch và trách nhiệm giải trình” - Tài liệu nêu rõ.

Tài liệu bồi dưỡng “Kiểm toán môi trường” thuộc Hệ thống Chương trình bồi dưỡng kiểm toán viên của KTNN. Tài liệu có tổng thời lượng 40 tiết, chia thành 3 chuyên đề. Chuyên đề 1 đề cập tổng quan về môi trường và KTMT; chuyên đề 2 là tổ chức thực hiện KTMT; chuyên đề 3 là tổ chức thực hiện KTMT đối với một số chủ đề cụ thể. Tài liệu bồi dưỡng cũng đưa ra lưu ý cụ thể đối với các bước trong công tác kiểm toán để kiểm toán viên tham khảo, áp dụng trong hoạt động kiểm toán.

Thực tiễn cũng cho thấy, thông qua hoạt động KTMT, KTNN đã thực hiện vai trò đánh giá, giám sát, kịp thời phát hiện ra những bất cập, hạn chế và đưa ra kiến nghị, biện pháp khắc phục nhằm chấn chỉnh, đảm bảo kỷ luật, kỷ cương, minh bạch hóa, nâng cao tính kinh tế, hiệu lực và hiệu quả trong công tác quản lý sử dụng tài nguyên môi trường, BVMT, đảm bảo phát triển bền vững.

Tài liệu cũng nên rõ một số lĩnh vực môi trường cụ thể cần tập trung kiểm toán, như: Kiểm toán việc quản lý chất thải; Kiểm toán ô nhiễm không khí; Kiểm toán về biến đổi khí hậu.

Cần có chiến lược, kế hoạch kiểm toán môi trường

Môi trường là vấn đề phức tạp, liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều quốc gia nên việc tổ chức KTMT thường được thực hiện tại nhiều cơ quan, đơn vị và đầu mối được kiểm toán trải dài trong cả nước, từ Trung ương tới địa phương, thậm chí liên quan đến nhiều quốc gia trong khu vực và thế giới như các vấn đề về ô nhiễm môi trường, ô nhiễm nguồn nước, biến đổi khí hậu...

KTMT thường liên quan đến các lĩnh vực chuyên môn sâu và rộng (ô nhiễm môi trường biển, rác thải đô thị…), đòi hỏi kiểm toán viên phải có các kiến thức, kỹ năng chuyên sâu hoặc thuê các chuyên gia trong lĩnh vực được lựa chọn kiểm toán để đảm bảo chất lượng và hiệu quả trong tổ chức kiểm toán.

Hơn nữa, các tác động của môi trường thường có xung đột về lợi ích giữa các đối tượng khác nhau nên khó có sự thống nhất cao về quan điểm xử lý. Vì vậy, các giải pháp giải quyết vấn đề môi trường phải kết hợp hài hòa giữa quy định với thực tiễn nhằm đảm bảo tính khả thi trong các kết luận kiểm toán.

445-202405211728372.jpg
Kiểm toán viên tham gia KTMT. Ảnh: baokiemtoan.vn

KTMT thường kết hợp của cả ba loại hình kiểm toán, trong đó, kiểm toán hoạt động giữ vai trò chủ đạo. Vì vậy, đòi hỏi kiểm toán viên thực hiện KTMT phải có kiến thức và kỹ năng kiểm toán tương đối toàn diện, đặc biệt là các kỹ năng trong kiểm toán hoạt động như: xây dựng tiêu chí kiểm toán, đánh giá trọng yếu, rủi ro kiểm toán…

Mặt khác, mặc dù nhận thức của xã hội về công tác BVMT đã được nâng lên trong những năm gần đây, tuy nhiên ý thức về BVMT và sự nhận thức, hiểu biết về vai trò của KTNN trong KTMT của các tổ chức, doanh nghiệp hoạt động sản xuất kinh doanh còn hạn chế. Do đó, gặp rất nhiều khó khăn trong việc tiếp cận, triển khai và thực hiện các cuộc kiểm toán.

Tài liệu lưu ý, để thực hiện KTMT đạt hiệu quả cao, cần có kế hoạch chiến lược KTMT. Trong đó, việc lập kế hoạch chiến lược của KTMT được thực hiện theo hướng dẫn tại Đoạn 23 Chuẩn mực kiểm toán nhà nước 300 - Các nguyên tắc cơ bản của kiểm toán hoạt động và Đoạn 05 - Đoạn 16 Chuẩn mực kiểm toán nhà nước 3000 - Hướng dẫn kiểm toán hoạt động.

Theo đó, kế hoạch chiến lược KTMT được lập cho một giai đoạn 3-5 năm, nhằm thiết lập các mục đích và mục tiêu dự kiến đạt được thông qua việc thực hiện các chủ đề KTMT. Kế hoạch chiến lược KTMT do Tổng Kiểm toán nhà nước phê duyệt và được rà soát, xem xét lại hàng năm nhằm đảm bảo tính phù hợp của kế hoạch với các điều kiện đã thay đổi trong giai đoạn đó.

Kế hoạch chiến lược KTMT thường bao gồm các nội dung cơ bản sau: Mục đích và mục tiêu dự kiến; Danh mục các chủ đề kiểm toán tiềm năng; Thuyết minh về cơ sở lựa chọn và thứ tự ưu tiên các chủ đề kiểm toán; Kế hoạch dự kiến về thời gian và nguồn lực kiểm toán. Căn cứ vào các chủ đề kiểm toán tiềm năng được lựa chọn, KTNN xây dựng kế hoạch KTMT hàng năm cho phù hợp với thông tin thực tế về chủ đề kiểm toán và nguồn lực hiện có của KTNN.

Cách thức tiến hành KTMT có thể bao gồm tất cả các loại hình kiểm toán. Tùy theo từng chủ đề và loại hình, tính chất của cuộc kiểm toán mà cuộc KTMT có thể tiếp cận theo hệ thống, theo vấn đề hay theo kết quả.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài liệu Bồi dưỡng kiểm toán môi trường: Cụ thể hóa tinh thần của Nghị quyết, Chiến lược bảo vệ môi trường