Mặc dù chính quyền các cấp tại địa phương, nhà trường cảnh báo nhưng cứ đến mùa hè lại liên tiếp xảy ra các vụ trẻ em đuối nước thương tâm. Vụ tai nạn nào cũng được xem là đáng báo động, tuy nhiên nhiều gia đình vẫn thờ ơ, xem nhẹ việc bảo vệ con trẻ, khiến những nỗi đau này chưa bao giờ có hồi kết.
Đã 3 ngày sau vụ đuối nước thương tâm xảy ra tại bãi biển Hải An giáp gianh với phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) khiến 2 em học sinh là P. S. N. (sinh năm 2007) và N. T. M. (sinh năm 2009) trú tại khu phố Hồng Kỳ (phường Hải Ninh) tử vong, gia đình các em và cả những người dân nơi đây vẫn chưa vơi nỗi đau và cả sự bàng hoàng. Cả hai em đều là những học sinh chăm ngoan, có học lực khá và trên tất thảy, các em đều là niềm hi vọng của 2 gia đình vốn có hoàn cảnh cự kỳ khó khăn này.
Ngồi thẫn thờ bên ban thờ lập tạm có bức di ảnh của con trai, chị Tô Thị Nhân - mẹ của em M. mếu máo thốt lên những lời khẩn cầu trong vô vọng: “Về với mẹ đi con, đến giờ cơm rồi...”. Người thân của chị Nhân cho biết: Vào khoảng 14h ngày 24/6, M. cùng 2 nam sinh khác cùng trú tại khu phố Hồng Kỳ, xã Hải Ninh rủ nhau ra bãi biển giáp ranh giữa phường Hải An và Hải Ninh để tắm. Trong lúc tắm, hai em M. và N. bị sóng biển cuốn trôi. Lúc này, các em còn lại liền hô hoán mọi người đến cứu, nhưng chỉ đưa được em M. lên bờ trong tình trạng đã tử vong.
Ngay sau khi nhận được tin báo, chính quyền địa phương và các lực lượng chức năng đã nhanh chóng có mặt tại hiện trường để tiếp tục tìm kiếm em P. S. N. Đến 8h sáng ngày 25/6 thi thể em N. được tìm thấy cách đó không xa…
Trước đó, vào khoảng 17h30 ngày 4/4, 5 nữ học sinh lớp 6, Trường THCS Thiệu Duy, xã Thiệu Duy (huyện Thiệu Hóa, tỉnh Thanh Hóa) sau khi tan học đã rủ nhau đến đập tràn sông Mậu Khê, xã Thiệu Hợp chụp ảnh. Đến 19h30 gia đình không thấy về đã tổ chức tìm kiếm và phát hiện quần áo của các nạn nhân trên bờ đập. Ngay sau khi nhận được thông tin, lực lượng chức năng đã nhanh chóng đến hiện trường, phối hợp với chính quyền địa phương và gia đình tìm kiếm các nạn nhân mất tích. Đến 11h ngày 5/4, lực lượng tìm kiếm đã tìm thấy cả 5 thi thể nạn nhân…
Theo số liệu của Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa, từ đầu năm 2022 đến cuối tháng 6, trên địa bàn tỉnh đã xảy ra 25 vụ tai nạn đuối nước, làm tử vong đối với 35 trẻ em. Ông Lê Đình Phương - Chủ tịch UBND phường Hải Ninh, thị xã Nghi Sơn (tỉnh Thanh Hóa) cho rằng, nguyên nhân chủ yếu do nhận thức của một bộ phận người dân về phòng, chống đuối nước trẻ em còn hạn chế, một số gia đình chưa thực hiện đầy đủ trách nhiệm quản lý, nhất là ở khu vực nông thôn, đời sống kinh tế còn nhiều khó khăn, bố mẹ đang phải lo mưu sinh, không có thời gian quan tâm, giám sát con cái một cách chặt chẽ. Trong khi điều kiện tự nhiên, môi trường sinh sống còn tiềm ẩn nhiều nguy cơ gây đuối nước. Trẻ em lại chưa được trang bị đầy đủ kiến thức, kỹ năng để tự bảo vệ bản thân, phòng tránh tai nạn đuối nước. Chính quyền một số địa phương chưa thực sự quan tâm lãnh đạo, chỉ đạo thực hiện đầy đủ các biện pháp phòng, chống đuối nước trẻ em.
Để hạn chế tai nạn thương tích, đuối nước với trẻ em, ngày 15/4, UBND tỉnh Thanh Hóa đã ban hành Công điện số 03 về tăng cường thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, đặc biệt là phòng, chống đuối nước trẻ em trên địa bàn. Bên cạnh đó, để bảo vệ an toàn cho trẻ em, giảm thiểu tối đa tình trạng trẻ em tử vong do tai nạn đuối nước, nhất là trong dịp hè, Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh đã tham mưu cho UBND tỉnh ban hành nhiều văn bản chỉ đạo, hướng dẫn các sở, ban, ngành, địa phương triển khai thực hiện công tác phòng, chống tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước cho trẻ em.
Ông Lê Minh Hành - Phó Giám đốc Sở Lao động, Thương binh và Xã hội tỉnh Thanh Hóa cho biết, để giảm thiểu tình trạng các vụ đuối nước đang có dấu hiệu gia tăng, trước mắt Sở đã tổ chức các đợt cao điểm tuyên truyền, mở các lớp tập huấn, bồi dưỡng nâng cao năng lực cho đội ngũ cán bộ, cộng tác viên làm công tác trẻ em nhằm tăng cường kiến thức, kỹ năng thực hiện nhiệm vụ chuyên môn liên quan tới công tác phòng, chống tai nạn, thương tích trẻ em; trang bị kiến thức, kỹ năng cho trẻ em để bảo vệ mình trước các nguy cơ bị tai nạn, thương tích, tai nạn đuối nước...
“Bên cạnh việc tăng cường tuyên truyền cho các phụ huynh nâng cao ý thức phòng tránh tai nạn đuối nước, rèn kỹ năng bơi cho trẻ, chúng tôi tiếp tục thực hiện Dự án hỗ trợ triển khai các can thiệp hiệu quả và bền vững để phòng, chống đuối nước trẻ em (do Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội phối hợp với Quỹ Từ thiện Bloomberg Hoa Kỳ tài trợ thông qua Tổ chức vận động chính sách y tế toàn cầu (GIAI) hỗ trợ) tại 5 huyện: Triệu Sơn, Nông Cống, Nga Sơn, Hà Trung và Như Thanh. Hỗ trợ 5 huyện (Quảng Xương, Thiệu Hóa, Hoằng Hóa, Thị xã Nghi Sơn, Thọ Xuân) tổ chức 5 lớp dạy bơi an toàn cho 100 trẻ em” - ông Hành cho biết thêm.