Tài năng âm nhạc đi về đâu?

Minh Quân 07/12/2016 08:35

Sau 6 ngày trình diễn sôi động, cuộc thi Tài năng trẻ Âm nhạc toàn quốc 2016 đã chính thức khép lại với những giải thưởng dành cho những “hạt giống” tinh anh. Tuy được truyền thông “đánh bóng” nhưng dường như những cuộc thi âm nhạc quy mô toàn quốc đã không còn hấp dẫn như trước.

Thí sinh đạt giải trong cuộc thi.

“Cuộc thi Tài năng trẻ Âm nhạc toàn quốc 2016” do Cục Nghệ thuật biểu diễn phối hợp với Hội Nhạc sĩ Việt Nam, Học viện Âm nhạc Quốc gia tổ chức đã thu hút 56 thí sinh đến từ khắp mọi miền đất nước. Cuộc thi được chia thành 3 phong cách âm nhạc: nhạc nhẹ, nhạc dân gian và thính phòng; trong đó dòng thính phòng có 20 thí sinh, dòng dân gian có 20 thí sinh và dòng nhạc nhẹ có 16 thí sinh. NSND Nguyễn Quang Vinh, thành viên Hội đồng Giám khảo đánh giá: Nhiều thí sinh đã khéo léo lựa chọn từ tác phẩm đến trang phục và lối trình diễn phù hợp với phong cách của mình, đã đạt hiệu quả cao như “Thạch Bi Sơn” của Nguyễn Linh Trúc Lai, hay “Chào sông Mã anh hùng” của Nguyễn Tiến Hưng và “Đêm” của Nguyễn Thị Liên, hoặc “Vẽ” của Nguyễn Tiến Dũng…

Ngược lại, cũng có những thí sinh có thể do chưa được đầu tư, hoặc còn chưa có kinh nghiệm đã lựa chọn tác phẩm không đúng với phong cách mà mình đã đăng kí hoặc lựa chọn tác phẩm đơn giản mà trong đó không có cơ hội để bộc lộ những mặt mạnh của mình nên hiệu quả không cao. Một số thí sinh nhận diện về phong cách không rõ ràng dẫn tới việc đăng ký một phong cách nhưng thể hiện lại ở một phong cách khác”.

Nhưng sau cuộc thi, các tài năng âm nhạc sẽ đi đâu về đâu, đang là một câu hỏi được nhiều người đặt ra. Về điều này, NSND Đặng Thái Sơn cũng thừa nhận: Để giải quyết được mọi chuyện rất khó, phải làm một cuộc cách mạng về giảng dạy, đôi khi là thay đổi thói quen và tập quán của mình nữa. Theo ông Sơn thì chúng ta đang tập đàn khi không gian dư thừa tạp âm, trong khi cái phông của âm nhạc chính lại là im lặng. Mặt khác, hiện nay các trại hè âm nhạc được tổ chức rất phong phú ở nước ngoài, trong khi ở Việt Nam chưa hề có.

“Tôi nghĩ trại hè có khi còn quan trọng hơn cả các cuộc thi bởi đó là lúc các em được “nạp điện”, được nâng cao tay nghề. Tổ chức một trại hè âm nhạc là điều tôi đã mong muốn từ rất lâu rồi, tuy đã bàn bạc nhiều nhưng vẫn còn nhiều khó khăn quá. Tôi muốn nói đến giáo trình giảng dạy, cách dạy của mình ảnh hưởng rất nhiều của trường phái Nga. Ngay như thế hệ của tôi cũng sang Nga học. Nhưng bất kỳ trường phái nào cũng có điểm mạnh điểm yếu của nó, cho nên với trường phái Nga khi dựng những chương trình thuộc dòng lãng mạn rất hợp, nhưng với dòng cổ điển, hiện đại thì tôi nghĩ phải có bổ sung”- NSND Đặng Thái Sơn bày tỏ.

Kết thúc 6 ngày diễn ra cuộc thi, BTC đã trao 5 Huy chương Vàng, 8 Huy chương Bạc và 2 giải “Giọng ca nhiều triển vọng”. BTC cũng tặng giấy khen cho ban nhạc Trường ĐH Văn hóa Nghệ thuật Quân đội đã có thành tích xuất sắc trong việc biểu diễn phục vụ cuộc thi.

PGS.TS Ngô Phương Đông cũng thừa nhận rằng hiện nay sinh viên được đào tạo âm nhạc chuyên nghiệp khi ra trường không biết đi đâu về đâu. Trong khi, cơ cấu biên chế các dàn nhạc giao hưởng đã đủ, điều này dẫn đến việc các sinh viên Học viện Âm nhạc Quốc gia không được mời cộng tác. Chưa kể, các hoạt động như luyện tập, biểu diễn của Dàn nhạc Giao hưởng không được tổ chức thường xuyên và kế hoạch trước đã làm ảnh hưởng đến chất lượng biểu diễn.

Còn PGS.TS Nguyễn Phúc Linh - nguyên Phó Giám đốc Học Viện Âm nhạc Quốc gia chia sẻ: Trong khi các nước đang đầu tư khá nhiều, sâu, thậm chí thuê những chuyên gia nước ngoài đến giảng dạy thì việc dạy và học âm nhạc của chúng ta đang bị tụt hậu. Vì thế trước mắt cần lắm những người thầy tận tụy với trò, trò thực sự yêu nghề.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài năng âm nhạc đi về đâu?