Sau một thời gian chịu ảnh hưởng của dịch Covid-19, mới đây hàng loạt các cuộc thi tài năng sân khấu đã được tổ chức. Tuy nhiên, đằng sau mỗi cuộc thi vẫn còn đó những băn khoăn về lực lượng và chất lượng nghệ sĩ trẻ theo nghề.
Mở hàng cho các cuộc thi sân khấu thời kỳ hậu Covid-19 là Liên hoan sân khấu toàn quốc về hình tượng người chiến sĩ công an nhân dân. Tiếp đó là Liên hoan sân khấu Thủ đô lần thứ 4; cuộc thi độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc toàn quốc; cuộc thi Tài năng diễn viên sân khấu cải lương Trần Hữu Trang; cuộc thi Tài năng biểu diễn múa; cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc; và mới đây nhất là cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc.
Cuộc thi Tài năng trẻ diễn viên chèo toàn quốc vừa bế mạc tại Hà Nam với 57 trích đoạn của 64 diễn viên trẻ thuộc 11 đơn vị nghệ thuật truyền thống chèo trên cả nước đã để lại nhiều ấn tượng đối với những người làm nghề cũng như công chúng khán giả yêu nghệ thuật chèo.
Theo NSND Trịnh Thúy Mùi- Chủ tịch Hội đồng giám khảo, Chủ tịch Hội Nghệ Sĩ Sân khấu Việt Nam đánh giá: Thông qua các tiết mục biểu diễn đã thấy được sự nghiêm túc chỉn chu và ý thức gìn giữ những giá trị tinh hoa, giữ gìn những nguyên tắc thích hợp của sân khấu truyền thống của nhiều đơn vị, thể hiện rất rõ ở sự quan tâm, chăm lo cho thế hệ diễn viên trẻ. Lần đầu tiên một đơn vị nghệ thuật địa phương như Nhà hát Chèo Ninh Bình có tới 18 diễn viên trẻ tham gia cuộc thi.
Đằng sau những tiết mục hay và sự thành công của tài năng trẻ chính là công lao rèn luyện nghề, dày công chuẩn bị cho tiết mục của các lớp nghệ sĩ, đàn anh, đàn chị của từng nhà hát. Đã là cuộc thi tài năng trẻ thì phải có tài năng thật sự, lần này không hiếm diễn viên trẻ tài năng đã thể hiện thành công, nhuần nhuyễn các làn điệu bài bản, kể cả một số làn điệu chèo khó hát nhất. Sự chuẩn mực, tròn vành rõ chữ, đúng điệu, đúng làn, không chênh, không phô… đã được nhiều nghệ sĩ trẻ đạt tới.
Không chỉ sân khấu chèo, với cuộc thi Tài năng diễn viên tuồng và dân ca kịch toàn quốc vốn kén từ khán giả đến diễn viên cũng đã đạt được một số thành công nhất định cho thấy sự nỗ lực của từng đơn vị nghệ thuật biểu diễn. Hay cuộc thi Tài năng biểu diễn múa, độc tấu và hòa tấu nhạc cụ dân tộc cùng một phần tạm yên tâm cho nỗi lo về lực lượng kế cận.
Tuy nhiên, bên cạnh việc tạo các sân chơi và tôn vinh các tài năng sân khấu, nhìn chung các liên hoan, cuộc thi vẫn là “cuộc chơi” của các đơn vị nhà hát có truyền thống và đơn vị chủ nhà. Mặc dù, những sân chơi này vẫn có sự tham gia của các diễn viên, nhà hát đến từ các địa phương nhưng nhìn chung về chất lượng chưa theo kịp đơn vị truyền thống. Đơn cử như lĩnh vực nghệ thuật tuồng vẫn là sự vượt trội của Nhà hát Tuồng Việt Nam. Nhưng khi nhìn vào thực tế nhiều năm qua với sự đầu tư, liên kết mạnh mẽ, việc thắng thế của Nhà hát là điều dễ hiểu. Trong khi với nhiều đơn vị tuồng khác để duy trì hoạt động đã vô cùng khó khăn. Hay như lĩnh vực chèo có sự chênh lệch khá lớn giữa số lượng thí sinh mà các đơn vị đăng ký tham dự. Một số đơn vị nhiều kỳ không cử được thí sinh trẻ tham dự cuộc thi, một số đơn vị chỉ cử được 1, 2 thí sinh tham dự.
Từ câu câu chuyện này cho thấy không chỉ các đơn vị sân khấu thiếu các tài năng mà những diễn viên trẻ này sống được với nghề mới là vấn đề. Có một thực trạng đáng buồn hiện nay là ở hầu hết nhà hát địa phương nhiều diễn viên trẻ không được ký biên chế, hợp động, thậm chí là không có lương. Chỉ khi nào nhà hát diễn hoặc dựng vở thì được mời tham gia và sẽ được hưởng các khoản bồi dưỡng luyện tập và biểu diễn. Thậm chí nhiều diễn viên trẻ dù giành giải thưởng cao tại các liên hoan, cuộc thi khi trở về cũng chẳng biết được tương lai sẽ ra sao, dẫn đến việc mất niềm tin với nghề.
Bên cạnh đó, các giải thưởng tại mỗi kỳ liên hoan, cuộc thi cũng luôn là đề tài nóng. Do sự chênh lệch về trình độ nên việc phân bố giải thưởng vẫn luôn là điều các giám khảo “đau đầu”. Bởi nếu trao hết các giải cho các đơn vị mạnh, thì các đơn vị còn lại sẽ kém vui. Nhưng ngược lại sẽ gây ra vô số những tranh cãi, thậm chí là kiện tụng. Nguyên nhân là các giải thưởng này còn liên quan đến việc làm hồ sơ xét tặng danh hiệu NSND, NSƯT.
Ông Lê Minh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục NTBD cho rằng, đã đến lúc chúng ta phải thay đổi cách thức tổ chức các liên hoan nghệ thuật theo kiểu đến hẹn lại lên với cách thức tổ chức quá cũ kỹ, lạc hậu không còn phù hợp với đời sống hiện tại. Vừa qua, để chuẩn bị cho kế hoạch công tác năm 2021, Cục NTBD đã chủ động báo cáo, đề xuất một số nhiệm vụ trọng tâm, trong đó đặt mục tiêu hoàn thành việc lập hồ sơ đề nghị xây dựng Luật Nghệ thuật biểu diễn. Đây sẽ là một văn bản quan trọng, đánh dấu lần đầu tiên sau nhiều chục năm quản lý bằng quy chế, Thông tư rồi Nghị định, lĩnh vực nghệ thuật biểu diễn sẽ tiến tới xây dựng một văn bản Luật mà ở đó sẽ có những quy phạm tạo cơ sở pháp lý cho hoạt động nghệ thuật biểu diễn phát triển. Tiếp theo là xây dựng một Đề án phát triển tài năng và bảo tồn, phát triển các loại hình nghệ thuật truyền thống giai đoạn 2021-2030...
“Chúng tôi sẽ tiếp tục nghiên cứu để tham mưu với lãnh đạo Bộ những nội dung, biện pháp trong định hướng phát triển sự nghiệp để tiếp tục thực hiện Nghị quyết của Đảng và Nhà nước về văn học nghệ thuật trong thời gian tới”- ông Tuấn nói.
Theo ông Lê Minh Tuấn- Phó Cục trưởng Cục NTBD: Để thu hút được tài năng cho sân khấu truyền thống, chúng ta phải thực hiện đồng bộ nhiều giải pháp. Một trong những giải pháp căn cơ đó là các nhà quản lý phải hoạch định được những chính sách mà ở đó các thí sinh khi tìm hiểu để đến, dành tình yêu, tâm huyết với nghệ thuật truyền thống. Làm sao để họ có thể nhìn thấy được tương lai của họ ở trong đó…