Việc thị trường chứng khoán (TTCK) điều chỉnh mạnh trong năm 2022 không chỉ khiến tài khoản của nhà đầu tư (NĐT) nhỏ lẻ bị tổn thất, mà tài sản các đại gia trên TTCK cũng “bốc hơi” hơn 11 tỷ USD do giá cổ phiếu (CP) lao dốc.
Theo thống kê, VN Index đã giảm gần 33% trong năm 2022, từ mốc 1.498 điểm xuống còn 1.007 điểm khi kết thúc năm. Tuy nhiên, tài sản của top 10 người giàu nhất trên TTCK năm 2022 bị “bào mòn” hơn 48%.
Cụ thể, tổng tài sản của 10 người này giảm 271.000 tỷ đồng (tương đương 11,5 tỷ USD), từ 561.000 tỷ đồng xuống còn 290.000 tỷ đồng. Nếu năm 2021, tất cả đều có tài sản đạt trên 1 tỷ USD, năm 2022 chỉ có 6 người là tỷ phú USD.
Người có tài sản bị “hao hụt” nhiều nhất trên TTCK là tỷ phú Phạm Nhật Vượng, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Vingroup (VIC), với hàng loạt thương hiệu khủng như Vinhomes, Vinfast. Trong năm 2022, tài sản của ông Vượng bị giảm 90.000 tỷ đồng (tương đương 3,8 tỷ USD).
Dù vậy, với tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 114.678 tỷ đồng (tương đương 4,8 USD), ông Vượng vẫn tiếp tục đứng đầu danh sách 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam trong năm 2022. Với tổng tài sản hiện tại, ông Vượng hiện là tỷ phú đầu tiên và duy nhất của Việt Nam nằm trong nhóm 500 người giàu nhất hành tinh.
Đại gia có tài khoản bị “bốc hơi” nhiều thứ 2 trên TTCK là ông Bùi Thành Nhơn, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Đầu tư địa ốc Nova (NVL). Tại thời điểm cuối năm 2021, tài sản của ông Nhơn đạt 72.400 tỷ đồng, nhưng kết thúc năm 2022 chỉ còn 9.376 tỷ đồng.
Dù nằm trong danh sách những đại gia bị mất hàng tỷ USD do tác động tiêu cực từ thị trường trái phiếu doanh nghiệp, nhưng thứ hạng của ông Nhơn không thay đổi so với năm 2021 là vị trí thứ 7.
Xếp ở vị trí tiếp theo là ông Hồ Hùng Anh, Chủ tịch HĐQT Ngân hàng TMCP Kỹ thương Việt Nam (TCB) và ông Nguyễn Đăng Quang, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Masan (MSN). Theo thống kê, tổng tài sản của ông Anh 28.922 tỷ đồng, còn tài sản của ông Quang 28.700 tỷ đồng.
Bà Nguyễn Thị Phương Thảo, Phó Chủ tịch HĐQT kiêm Tổng Giám đốc CTCP Hàng không Vietjet (VJC), là đại gia bị mất tiền ít nhất trong năm 2022. Nguyên nhân do thị trường hàng không phục hồi mạnh sau đại dịch Covid-19, giúp giá CP VJC không bị giảm mạnh như mức giảm chung của thị trường. Với tổng tài sản đạt 27.871 tỷ đồng (tương đương 1,1 tỷ USD), bà Thảo hiện đứng ở vị trí thứ 5 trong top 10 người giàu nhất trên TTCK.
Trong khi đó, “Vua thép” Trần Đình Long, Chủ tịch HĐQT Tập đoàn Hòa Phát (HPG) là đại gia gây chú ý nhất trong năm 2022, với phát ngôn doanh nghiệp thép trong nước đang đối mặt khó khăn chưa từng thấy. Tại thời điểm đầu năm, ông Long vẫn xếp ở vị trí thứ 2 với tổng tài sản đạt hơn 54.000 tỷ đồng.
Tuy nhiên, việc giá thép bất ngờ “bổ nhào” trong quý II khiến hoạt động sản xuất kinh doanh của HPG bị tác động nặng nề, đặc biệt là quý III (lỗ hơn 1.800 tỷ đồng), từ đó kéo theo giá CP HPG lao dốc theo. Với tổng tài sản hiện tại 27.294 tỷ đồng, ông Long đứng ở vị trí thứ 6 trong top 10 người giàu nhất TTCK Việt Nam.
Xếp ở vị trí thứ 8 là bà Phạm Thị Thu Hương, phu nhân ông Phạm Nhật Vượng, với tổng tài sản tại thời điểm cuối năm 2022 đạt 9.143 tỷ đồng.
Phu nhân của đại gia khác là bà Vũ Thị Hiền, vợ ông Trần Đình Long, đứng ở vị trí thứ 9 với tài sản đạt 7.678 tỷ đồng. Ở vị trí cuối cùng trong top 10 người giàu nhất trên TTCK Việt Nam là ông Hồ Xuân Năng, Chủ tịch CTCP Vicostone (VCS) với tổng tài sản đạt 7.147 tỷ đồng.
Theo thống kê của Forbes thời điểm tháng 11/2022, Việt Nam có 7 tỷ phú USD. Danh sách đó bao gồm ông Phạm Nhật Vượng (6,2 tỷ USD, hạng 411 thế giới), ông Trần Đình Long (3,2 tỷ USD, hạng 951), bà Nguyễn Thị Phương Thảo (3,1 tỷ USD, hạng 984), ông Bùi Thành Nhơn (2,9 tỷ USD, hạng 1.053), ông Hồ Hùng Anh (2,3 tỷ USD, hạng 1.341), ông Nguyễn Đăng Quang (1,9 tỷ USD, hạng 1.579) và ông Trần Bá Dương (1,6 tỷ USD, hạng 1.818). Tại thời điểm công bố, tổng tài sản của 7 tỷ phú này đạt 21,2 tỷ USD.