Hiện, có rất nhiều chủ hộ kinh doanh không muốn chuyển thành doanh nghiệp, vì cho rằng khi “lớn” thành doanh nghiệp sẽ gặp những rào cản thuế cũng như phát sinh nhiều chi phí.
Theo số liệu của Tổng cục Thống kê (Bộ Kế hoạch và Đầu tư), hiện cả nước có khoảng hơn 5,5 triệu hộ kinh doanh và đây là khu vực kinh tế quan trọng, đóng góp khoảng 30% trong cơ cấu tổng sản phẩm quốc nội (GDP) hàng năm. Đây cũng là khu vực tạo ra công ăn việc làm lớn cho xã hội.
Có thể thấy, mục tiêu tăng số lượng doanh nghiệp (DN) lên con số 1 triệu vào năm 2020 đã không thành hiện thực, và cho đến thời điểm này, tổng số DN trên cả nước cũng mới chỉ đạt hơn 900 nghìn DN.
Để đạt được mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025, thì việc thúc đẩy các hộ kinh doanh lớn mạnh, phát triển lên thành DN là yếu tố quan trọng. Bởi với số lượng 5,5 triệu hộ kinh doanh hiện nay, đây là lực lượng lớn bổ sung cho khu vực DN nhỏ và vừa của cả nước.
Tuy nhiên, dù có số lượng lớn, song trên thực tế phần lớn các hộ kinh doanh đều không mặn mà, thậm chí ngại chuyển đổi thành DN.
Lý giải nguyên nhân, ông Tô Hoài Nam - Phó Chủ tịch Thường trực kiêm Tổng Thư ký Hiệp hội DN nhỏ và vừa Việt Nam - cho rằng, lâu nay, nhiều hộ kinh doanh có khá nhiều băn khoăn khi nghĩ đến việc phát triển thành DN, phần lớn họ cho rằng, nếu đăng ký thành lập DN, thì nghĩa vụ nộp thuế sẽ lớn hơn.
Cùng với đó, khi trở thành DN, cơ sở kinh doanh sẽ phải tuân thủ đầy đủ các quy định liên quan đến kế toán, phòng cháy chữa cháy, bảo vệ môi trường; cũng như phải thực hiện các nghĩa vụ với người lao động về bảo hiểm, an toàn lao động… cao hơn, từ đây đẩy chi phí hoạt động tăng lên.
Chưa kể, nhiều hộ kinh doanh còn lo lắng khi trở thành DN, quy mô hoạt động lớn hơn, đơn vị sẽ phải đối mặt với áp lực thanh tra, kiểm tra nhiều hơn; cũng như e ngại sẽ phải chi trả chi phí không chính thức lớn.
Bộ Tài chính cũng đưa ra lý giải nguyên nhân hộ kinh doanh "ngại lớn", đó là do các hộ kinh doanh đang được thực hiện theo cơ chế thuế khoán đơn giản, dễ dàng hơn, không phải thực hiện chế độ kế toán, không phải đóng bảo hiểm cho người lao động...
Nói về câu chuyện này, chuyên gia kinh tế Phạm Chi Lan cũng nêu rõ, thực tế thì hầu hết các hộ gia đình muốn kinh doanh theo hình thức hộ kinh doanh hơn là phát triển thành DN. Thậm chí, ngay cả cơ quan nhà nước ở cơ sở cũng có “động lực” muốn duy trì hình thức kinh doanh hộ gia đình.
“Bởi, đây là nơi có thể “mặc cả” về thuế cũng như “thương lượng” nhiều việc khác, bởi các đơn vị quận, huyện sống chủ yếu bằng nguồn của các hộ kinh doanh gia đình. Trong khi, nếu là DN thì chuyện này có phần khó hơn” - bà Lan nêu lý do và cho rằng, đây là nguyên nhân không tạo được động lực để các hộ kinh doanh gia đình chuyển lên DN.
Một thông tin được đưa ra bởi Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trong khoảng 800.000 DN tư nhân trong nước đang hoạt động thì DN lớn chiếm chưa đến 2%, còn lại là DN nhỏ và siêu nhỏ.
Trong báo cáo "Môi trường kinh doanh đối với các DN nhỏ và vừa Việt Nam" được VCCI phối hợp với Tổ chức USAID phát hành cho thấy các DN SME phần lớn đi lên từ mô hình sản xuất kinh doanh gia đình, cá thể nhỏ lẻ, khi có cơ hội kinh doanh thì thành lập DN. Thực tế cũng cho thấy, có tới 77% các DN siêu nhỏ và 69% DN nhỏ đi lên từ hộ kinh doanh. Đó là những dữ liệu cho thấy việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh thành DN là tất yếu nhưng phần lớn các hộ kinh doanh vẫn đang có tâm lý "sợ lớn".
Chính bởi vậy, để hướng đến mục tiêu 1,5 triệu DN vào năm 2025, thì việc giải tỏa được tâm lý này cho các hộ kinh doanh là hết sức quan trọng.
Giới chuyên gia nhận định, việc chuyển đổi hộ kinh doanh thành DN đã được bàn từ nhiều năm qua, nhà quản lý đã ban hành cả Luật Hỗ trợ DN vừa và nhỏ (SME) nhưng quan trọng vẫn là chính sách hỗ trợ về thuế, thủ tục như thế nào đối với DN. Thực tế, hộ kinh doanh thực hiện việc khoán thuế sẽ khỏe hơn. Thế nhưng bối cảnh hiện nay đã khác, hộ kinh doanh nhỏ thì khoán được còn nếu có doanh thu từ 3 tỷ đồng trở lên thì đã thuộc quy mô lớn, phải thực hiện theo chế độ kế toán chứng từ. Hơn nữa, việc mua bán hiện nay được thực hiện chuyển khoản thanh toán nên cơ quan thuế nắm được mức doanh thu hằng năm.
Vì vậy, trước đây hộ kinh doanh không chịu chuyển lên DN là có thể giấu được doanh thu khi hoạt động thanh toán chủ yếu bằng tiền mặt, còn nay thì hầu hết đã được thực hiện chuyển khoản qua ngân hàng.
Nhiều ý kiến cũng cho rằng, muốn phát triển số lượng DN cho nền kinh tế thì rất cần có những ưu đãi để khuyến khích các hộ kinh doanh, bởi đây là khu vực sản xuất, phát triển kinh tế hùng hậu, đóng góp vào GDP hàng năm không hề nhỏ.
Mặc dù thời gian qua, nhà quản lý đã đưa ra nhiều giải pháp cho mục tiêu này, song dường như chính sách vẫn chưa "đủ đô", chưa giúp cho tâm lý “sợ lớn” của các hộ kinh doanh được giải tỏa.
Được biết, để khuyến khích hộ kinh doanh lớn dần, Bộ Tài chính mới đây đã có đề xuất bổ sung chính sách ưu đãi về thuế thu nhập DN với DN nhỏ, DN siêu nhỏ được thành lập mới từ hộ kinh doanh. Theo đó, dự kiến miễn thuế thu nhập DN trong 2 năm liên tục kể từ khi có thu nhập chịu thuế. Mức này tương đương với mức miễn thuế đối với dự án đầu tư mới thuộc một số ngành, nghề ưu đãi hoặc tại địa bàn có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn.
Đánh giá về động thái này của Bộ Tài chính, một số chuyên gia đưa ra nhận định, đối với các hộ kinh doanh lớn lên thành DN thì những năm đầu hoạt động, chi phí đầu tư cao, kê khai thuế thường lỗ hoặc số thuế đóng ở mức thấp. Do đó việc miễn thuế thu nhập DN đối với những DN này không có ý nghĩa trong quyết định chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN.
Ngoài ra, về thủ tục thuế, hộ kinh doanh đóng thuế 3 tháng/lần, và không phải thực hiện quyết toán thuế năm, họ cũng không phải lo thanh kiểm tra thuế những năm sau đó như DN… Đó là những nguyên nhân khiến việc chuyển đổi từ hộ kinh doanh lên DN bị chậm.
Bởi vậy, để khuyến khích hộ kinh doanh chuyển đổi lên DN, nhiều ý kiến cho rằng, chính sách, thủ tục về kế toán cần làm sao đơn giản hơn để tạo tâm lý thuận lợi cho người thực thi, việc kê khai cần thực hiện theo quý.
Bên cạnh đó, khi áp dụng quy định miễn thuế thu nhập DN đối với hộ kinh doanh lên DN cũng cần xem chính sách miễn thuế đối với DN khởi nghiệp hay không, tránh bất bình đẳng trong môi trường kinh doanh, từ đó mới có thể thúc đẩy DN khởi nghiệp, thúc đẩy hộ kinh doanh phát triển thành DN.