Theo Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định, có tình trạng ngại tiếp dân, trốn tránh tiếp dân. Lịch tiếp công dân công khai nhưng không có người dân đến là do lịch công khai trong cơ quan nhưng ngoài bảo vệ gác thì ai đến được, biết tiếp lúc nào?
Ngày 13/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho ý kiến về kết quả giám sát chuyên đề “Việc thực hiện pháp luật về tiếp công dân và giải quyết khiếu nại, tố cáo từ ngày 1/7/2016 đến ngày 1/7/2021”. Liên quan đến việc tỷ lệ tiếp công dân rất thấp, đây là vấn đề có tính chất vi phạm, Trưởng Ban Công tác đại biểu thuộc Uỷ ban Thường vụ Quốc hội Nguyễn Thị Thanh cho rằng, có tới 4-5 bộ ngành Bộ trưởng không tiếp công dân buổi nào. Còn tỷ lệ 7%, 8%, 10%, 15% thì chiếm đa số. Đặc biệt có 4 tỉnh gần như không có thông số nào.
Theo bà Thanh, những gì xảy ra đơn vị đó thì ông Chủ tịch là người biết đầu tiên nhưng tại sao tỷ lệ tiếp công dân lại thấp nhất? Chúng ta phải tìm ra nguyên nhân tại sao Chủ tịch tiếp công dân thấp nhất? Có thể là thiếu trách nhiệm, nhưng mà tôi cho rằng công dân đến nhiều lần, người ta thấy Chủ tịch không có năng lực giải quyết nên họ đến cấp tỉnh và bỏ qua cấp xã.
Là thành viên Đoàn giám sát, Phó Trưởng Ban Dân nguyện của Quốc hội Lưu Bình Nhưỡng cho rằng có những hạn chế để xảy ra tình trạng khiếu nại, tố cáo vượt cấp kéo dài. Theo ông Nhưỡng có hạn chế trong quá trình tiếp công dân trong quá trình đối thoại và hòa giải để phát huy các cơ chế đối thoại hòa giải từ cơ sở. Bên cạnh đó, công tác giải quyết khiếu nại, mặc dù đã được tăng cường nhưng chất lượng rõ ràng là vẫn chưa cao.
“Kiến nghị phản ánh tới ban dân nguyện và các cơ quan rất lớn. Đó là những vấn đề mang tính chất dân nguyện và mang tính chất đề xuất về chính sách phát triển, nhưng rất tiếc là chưa có cơ chế để chúng ta xem xét rõ ràng. Có thể nói rằng chúng ta đã mất rất nhiều cơ hội khi không xem xét các kiến nghị phản ánh của công dân”- ông Nhưỡng cho hay.
Phát biểu tại phiên họp, Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ đề nghị đưa nội dung trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh đối với những vụ việc khiếu kiện đông người vào Nghị quyết để tạo chuyển biến thời gian tới. “Khiếu kiện tập trung đông người và có yếu tố phức tạp, có người chỉ huy, có thuê luật sư, tổ chức rất chặt chẽ. Do đó cần tổng kết lại xem lại trước đây chúng ta có quy định người của tỉnh nào thì lãnh đạo tỉnh trách nhiệm ra tận ngoài Ba Đình này đưa về. Ngày trước còn phức tạp hơn nhiều, chúng ta giải quyết cũng tạo được bước chuyển biến căn bản. Hà Nội bây giờ chúng ta tiếp tục làm, trong Nghị quyết này có nói đến trách nhiệm của Chủ tịch tỉnh, cấp ủy chính quyền địa phương, đối với những vụ việc khiếu kiện đông người tập trung ở đây”- Chủ tịch Quốc hội chỉ rõ.
Phó Chủ tịch Quốc hội Nguyễn Khắc Định cho biết thời gian làm ở địa phương thấy việc tiếp công dân, giải quyết khiếu nại tố cáo rất khó, rất đụng chạm và phải thực sự tâm huyết, chuẩn bị rất kỹ. Theo đó, có tình trạng ngại tiếp dân, trốn tránh tiếp dân. Lịch tiếp công dân công khai nhưng không có người dân đến là do lịch công khai trong cơ quan nhưng ngoài bảo vệ gác thì ai đến được, biết tiếp lúc nào?.
Từ kinh nghiệm ở địa phương, ông Định khẳng định việc tiếp dân rất quan trọng, phải cầu thị, chuẩn bị kỹ. Kinh nghiệm là mời đoàn luật sư, chủ tịch đoàn luật sư, chủ tịch hội luật gia cùng tiếp công dân. Luật gia, luật sư trực tiếp trả lời, giải thích sẽ rất ổn. Nếu ở cơ sở có thể mời những người có kinh nghiệm, hiểu biết, hòa giải tham gia tiếp ở xã, phường rất tốt.
Trước đó, báo cáo kết quả giám sát của Đoàn giám sát chỉ rõ, việc tiếp công dân định kỳ của người đứng đầu cơ quan hành chính vẫn chưa được quan tâm đúng mức và thực hiện đầy đủ theo quy định của luật. Tỷ lệ bình quân Bộ trưởng, Thủ trưởng cơ quan ngang bộ tiếp đạt 37,61%, Chủ tịch UBND cấp tỉnh đạt 56%, Chủ tịch UBND cấp huyện đạt 90%, Chủ tịch UBND cấp xã đạt 49% so với quy định.
Bên cạnh đó, vẫn còn tình trạng bố trí cán bộ làm công tác tiếp dân chưa phù hợp, cá biệt có địa phương bố trí cán bộ kém năng lực, hợp lý hóa gia đình, sắp nghỉ chế độ, bố trí cán bộ nghỉ hưu làm theo hợp đồng để tiếp công dân. Đặc biệt, việc quy định tiếp công dân thường xuyên của một số cơ quan Nhà nước, đơn vị sự nghiệp công lập chưa phù hợp với thực tiễn do đặc điểm, tính chất quản lý nhà nước của mỗi cơ quan có sự khác nhau nên có nhiều cơ quan số lượng công dân đến khiếu nại, tố cáo, kiến nghị, phản ánh thuộc lĩnh vực phụ trách không nhiều nên cần sửa đổi cho phù hợp với thực tiễn, tránh hình thức và đảm bảo khả thi trong thực tiễn.