Tái sử dụng rơm rạ

Thanh Hương 11/07/2021 09:00

Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO - là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, đường không trong khu vực.

Nằm trong chuỗi sự kiện “Ô nhiễm không khí và trách nhiệm của chúng ta”, Mạng lưới không khí sạch Việt Nam (VCAP) vừa tổ chức tọa đàm trực tuyến chủ đề “Đốt rơm rạ: Đừng để lãng phí vàng mười và những bài học từ cộng đồng”.

Đây là dịp để các chuyên gia, doanh nghiệp chia sẻ về áp dụng các giải pháp tái sử dụng rơm rạ tại địa phương, những thách thức phải đối mặt khi chấm dứt hoàn toàn việc đốt rơm rạ trên đồng ruộng.

Bà Nguyễn Thị Yên - Phòng Vi sinh nông nghiệp, Trung tâm Nông nghiệp hữu cơ (Học viện Nông nghiệp Việt Nam) cho biết: Vụ Đông Xuân 2021, đã có ít nhất 6 huyện ngoại thành Hà Nội (Sóc Sơn, Đan Phượng, Thanh Oai, Chương Mỹ, Đông Anh, Ba Vì) với hơn 1.000 ha cánh đồng áp dụng các giải pháp xử lý rơm rạ thay thế việc đốt. Các hoạt động như đào tạo nhóm nông dân nòng cốt; triển khai truyền thông thông qua các kênh trực tuyến hội nhóm và trực tiếp; hướng dẫn kỹ thuật, thực hành các giải pháp xử lý; hỗ trợ ngân sách cho các địa phương, hợp tác xã, nông dân tiếp cận chế phẩm sinh học hay thu cuốn rơm đã được thực hiện... Từ đây, nhiều mô hình, sáng kiến đã được khuyến khích triển khai như: Hội Phụ nữ huyện Sóc Sơn xử lý rơm rạ thành phân bón hữu cơ, Hội Nông dân huyện Đan Phượng triển khai phân rắc chế phẩm sinh học, nông dân huyện Ba Vì thu rơm phay rơm làm thức ăn cho gia súc…

Bà Trương Thị Thanh Nhàn, Phó Chủ tịch Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện Sóc Sơn cho biết, việc thu gom rơm rạ tái chế thành phân vi sinh được triển khai điểm tại xã Đức Hòa và Xuân Thu. Ngoài việc tuyên truyền nâng cao nhận thức cho nông dân, Hội Liên hiệp Phụ nữ huyện còn giúp các hộ dân thu gom rơm rạ ủ 60 ụ (2 tạ rơm rạ/ụ), xử lý thành phân bón vi sinh, góp phần giảm bớt tình trạng đốt rơm rạ.

Ông Nguyễn Tường Hưng, Giám đốc Công ty Trách nhiệm hữu hạn máy Phố Hiến chia sẻ, hiện công ty đang xử lý rơm rạ bằng việc sử dụng máy cuộn rơm kết hợp với máy cày địa phương để thu rơm; hỗ trợ kỹ thuật và bao tiêu sản phẩm rơm đầu ra. Ưu điểm của máy cuộn rơm là có giá thành hợp lý, chỉ khoảng 5-10 triệu/máy. Thời điểm thu hoạch là từ 1-2 ngày sau gặt và trước khi cày bừa, năng suất từ 1,5-3 ha/ca máy/giờ. Cuộn rơm có đường kính 50 cm, ngang 70 cm, nặng từ 12-14 kg, dễ mang vác, vận chuyển...

Tại tọa đàm, các diễn giả, doanh nghiệp đã giải đáp một số câu hỏi của độc giả liên quan đến việc tái sử dụng rơm rạ. Các chuyên gia cùng thảo luận và đề xuất một số giải pháp sử dụng các công nghệ khác nhau để tiếp tục sử dụng rơm rạ, làm gia tăng giá trị của rơm rạ trong nông nghiệp; có thể áp dụng từ quy mô lớn cho doanh nghiệp, hợp tác xã đến các nông hộ nhỏ lẻ.

Theo số liệu thống kê của Sở Tài nguyên và Môi trường Hà Nội, ước tính mỗi năm, trên địa bàn thành phố phát sinh trên 1 triệu tấn rơm rạ, phụ phẩm nông nghiệp. Trong đó, lượng rơm rạ đốt bỏ ngoài đồng là khoảng 352.000 tấn (chiếm 33,7%). Việc đốt rơm rạ sinh ra khí CO - là loại khí rất độc có thể gây chết người, đồng thời gây khói bụi ảnh hưởng đến an toàn giao thông đường bộ, đường không trong khu vực. Ngoài ra, theo các chuyên gia, hàm lượng dinh dưỡng trong tro rơm rạ rất ít nên không có tác dụng cải tạo đất.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái sử dụng rơm rạ