Tái thiết sau động đất

Hà Anh 22/02/2023 07:20

Hai tuần sau trận động đất làm rung chuyển các khu vực xung quanh biên giới Thổ Nhĩ Kỳ và Syria, ngày 20/2, chính quyền Thổ Nhĩ Kỳ đã tuyên bố chấm dứt hoạt động tìm kiếm và cứu hộ để bắt đầu công việc tái thiết.

118.000 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ đã bị sập hoặc bị hư hại nghiêm trọng sau động đất. Ảnh: Reuters.

Dừng cứu hộ

Tại nhiều thành phố chịu thiệt hại sau trận động đất kinh hoàng hôm 6/2, công việc dọn dẹp các đống đổ nát đã bắt đầu để chuẩn bị cho công cuộc tái thiết. Cho đến nay, trận động đất đã khiến trên 46.000 người thiệt mạng và phá hủy khoảng 70.000 tòa nhà tại Thổ Nhĩ Kỳ và Syria. Ước tính, thiệt hại kinh tế lên tới 85 tỷ USD.

Cơ quan Quản lý Khẩn cấp và thảm họa (AFAD) của Thổ Nhĩ Kỳ cho biết, gần 13.000 máy xúc, cần cẩu, xe tải và các phương tiện hỗ trợ khác đã được triển khai đến các khu vực chịu ảnh hưởng của trận động đất. Theo AFAD, số nạn nhân thiệt mạng tại Thổ Nhĩ Kỳ đến nay là 41.020 người, dự kiến sẽ còn tăng vì có khoảng 385.000 căn hộ bị phá hủy và hư hại nghiêm trọng, trong khi nhiều người vẫn mất tích.

Chính quyền nước này đã tuyên bố khởi động một chiến dịch với tên gọi "Nhà của tôi cũng là nhà của bạn" nhằm kêu gọi các nhà hảo tâm đang sở hữu nhiều nhà ở tự nguyện hỗ trợ cho những người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất. Ngoài ra, các nhà hảo tâm cũng có thể quyên góp ủng hộ, giúp các gia đình bị ảnh hưởng bởi động đất trả tiền thuê nhà trong khuôn khổ chiến dịch này.

Cô Meryem Yakisikli, là sinh viên đại học, chia sẻ: "Tôi muốn nói rằng chúng ta sẽ cùng nhau để vượt qua nỗi đau này. Tự mình vượt qua thì rất khó, cần có sự đoàn kết cùng vượt qua”.

Riêng tại hai tỉnh Hatay và Kahramanmaras, công việc tìm kiếm và cứu hộ vẫn tiếp diễn. Ông Hasan Uyanik, người dân tỉnh Hatay, nói: "Chúng tôi muốn công việc tìm kiếm và cứu hộ sẽ tiếp tục trong vòng một tháng nữa. Nhiều người có thể đã chết, nhưng ít ra lực lượng cứu hộ có thể đưa được thi thể của các nạn nhân ra ngoài để được người thân an táng".

Những người sống sót cũng đang trải qua khủng hoảng về thực phẩm và nơi tạm trú. Cơ quan quản lý sức khỏe sinh sản của Liên hợp quốc (UNFPA) cho biết, trong số những người sống sót sau trận động đất ngày 6/2, có khoảng 356.000 phụ nữ mang thai cần tiếp cận khẩn cấp các dịch vụ sức khỏe sinh sản, trong đó 38.800 phụ nữ dự kiến sẽ sinh con trong tháng tới. Những phụ nữ mang thai này đang đối mặt nhiều nguy cơ do phải tạm trú tại các lều tị nạn trong thời tiết giá lạnh, trong khi không được đảm bảo về lương thực và nước sạch.

14 xe tải chở 1.269 lều và vật dụng sử dụng trong mùa đông của tổ chức Bác sĩ không biên giới (MSF) đã đến Syria qua cửa khẩu Al-Hammam vào ngày 19/2. Nhờ nỗ lực thúc đẩy của Chương trình lương thực thế giới (WFP), một trong số 14 xe tải chở hàng viện trợ của MSF đã đến khu vực Tây Bắc Syria, nơi còn chịu ảnh hưởng của các lệnh trừng phạt do Liên minh châu Âu (EU) áp đặt từ năm 2011 đối với chính phủ nước này.

Chung tay tái thiết

Tuần trước, Liên hợp quốc (LHQ) đã kêu gọi 1 tỷ USD viện trợ cho Thổ Nhĩ Kỳ để giúp đỡ trên 5 triệu người bị ảnh hưởng bởi thảm họa động đất. Khoản viện trợ dự kiến được phân bổ làm 3 giai đoạn và sẽ tạo điều kiện cho các tổ chức cứu trợ khẩn trương triển khai các hoạt động giúp đỡ khắc phục hậu quả trận động đất lớn nhất trong vòng 1 thế kỷ tại Thổ Nhĩ Kỳ.

Phát biểu với báo giới, Tổng Thư ký LHQ António Guterres đã hối thúc cộng đồng quốc tế tăng cường và hỗ trợ đầy đủ ngân sách cho các nỗ lực ứng phó với thảm họa. Ông Guterres nêu rõ: “Thổ Nhĩ Kỳ là nơi có nhiều người tị nạn nương náu nhất trên thế giới và nhiều năm qua đã chứng tỏ sự hào phóng đối với những người láng giềng Syria, giờ là thời điểm thế giới giúp đỡ người dân Thổ Nhĩ Kỳ”.

Ông Antonio Guterres cũng kêu gọi xây dựng một quỹ hỗ trợ trị giá 397 triệu USD dành cho các nạn nhân bị ảnh hưởng bởi trận động đất kinh hoàng tại Syria, trong đó nhấn mạnh, khoản quỹ sẽ giúp cứu sống gần 5 triệu người dân nước này trong khoảng 3 tháng.

Mới nhất, ngày 20/2, trong chuyến thăm Thổ Nhĩ Kỳ, Ngoại trưởng Mỹ Antony Blinken cam kết Mỹ sẽ tiếp tục hỗ trợ Thổ Nhĩ Kỳ khắc phục hậu quả động đất và tái thiết đất nước.

Không chỉ những nước lớn, ngay cả một số cộng đồng vốn đã phải đối mặt với những khó khăn nội tại của chính họ trên khắp thế giới cũng đã phát động các nỗ lực gây quỹ cứu trợ. Tại Bosnia và Herzegovina, một cụ bà 91 tuổi – người vẫn đang nhận được bữa trưa từ thiện hàng ngày – đã quyên góp toàn bộ những gì bà có, dù chỉ là số tiền ít ỏi tương đương 5 USD cho Thổ Nhĩ Kỳ. Tổ chức nhân đạo Pomozi.ba tại nước này cũng đã đóng gói và vận chuyển các mặt hàng quyên góp được thu thập từ khắp đất nước, bao gồm máy sưởi điện, chăn, túi ngủ và quần áo.

Những nỗ lực cũng đã xuất hiện ở dải Gaza, nơi tổ chức từ thiện của người Palestine, Hội từ thiện Trung tâm Hồi giáo đã tham gia cùng các nhóm khác, bao gồm văn phòng Gaza của Liên minh Y tế Ả Rập và Viện trẻ mồ côi al-Amal, để phát động kêu gọi gây quỹ cho Thổ Nhĩ Kỳ và Syria.

Trong khi đó, tại Uganda, các học sinh và giáo viên thuộc cộng đồng thiểu số Hồi giáo của nước này cho biết, họ đã quyên góp được khoảng 10.000 đô la để cứu trợ động đất. Sinh viên Salim Mubekete cho biết, họ quyên góp số tiền này để thể hiện tình đoàn kết với người dân Thổ Nhĩ Kỳ và cộng đồng Hồi giáo nói chung. Và ở Somalia – nơi đang bị hạn hán 5 mùa liên tiếp, cộng đồng doanh nghiệp đã cam kết viện trợ 3 triệu đô la cho các nạn nhân động đất.

Ngày 21/2, phát biểu sau chuyến thị sát tại tỉnh Hatay, Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Recep Tayyip Erdogan cho biết, công tác tái thiết sẽ bắt đầu vào tháng 3, với việc xây mới 199.739 ngôi nhà, trong đó có hơn 130.000 ngôi nhà ở các tỉnh bị ảnh hưởng nặng nề nhất là Hatay, Kahramanmaras và Malatya. Tất cả nhà xây mới sẽ được xây dựng trên nền đất chắc chắn, nằm xa các đường đứt gãy địa chất và chỉ cao tối đa 4 tầng.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tái thiết sau động đất