Tính đến sáng 18/12 đã có hơn 4.500 xe container kẹt lại các cửa khẩu của Lạng Sơn là Tân Thanh, Hữu Nghị và Chi Ma. Hiện phía cửa khẩu Trung Quốc chưa có thêm thông báo gì về tình trạng này. Tài xế hoang mang khi Họ có thể phải đền bù hàng trăm triệu vì hoa quả hư hỏng.
Theo thông tin từ Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn, tính đến sáng 18/12, tại cửa khẩu Hữu Nghị đang tồn 1.312 xe container hàng, chủ yếu là mít, thanh long, ván bóc, linh kiện điện tử... Năng lực thông quan xuất khẩu của cửa khẩu Hữu Nghị hiện khoảng 150-200 xe mỗi ngày.
Tại cửa khẩu Tân Thanh, lượng hàng hóa ùn ứ đang rất nhiều, lên tới hơn 2.842 xe container. Trong đó, tồn ở bãi Bảo Nguyên 963 xe; tồn tại khu phi thuế quan 1.456 xe; tồn tại ngã ba đến khu vực B2 đường xuất nhập khẩu chuyên dụng 180 xe và tồn tại bãi Cốc Nam 243 xe.
Mặt hàng tồn chủ yếu là dưa hấu, thanh long, chuối, mít, xoài đến từ các tỉnh Quảng Ngãi, Bình Thuận, Tiền Giang, Đắk Lắk, Bình Định. Tại cửa khẩu Tân Thanh, năng lực thông quan xuất khẩu khoảng 180-200 xe/ngày.
Sở Công Thương tỉnh Lạng Sơn cho biết thêm tại cửa khẩu Chi Ma hiện đang tồn 650 xe. Mặt hàng tồn chủ yếu là tinh bột sắn (chiếm đến 70%), chè khô, hạt vừng, hạt sen, hạt bo bo, sa nhân, cây cút mây, cau khô, nhựa thông, phế liệu kén tằm,…
Từ ngày 8/12, phía Trung Quốc đã thực hiện tạm dừng hoạt động xuất nhập khẩu hàng hóa qua cặp cửa khẩu Chi Ma - Ái Điểm (huyện Ninh Minh, tỉnh Quảng Tây, Trung Quốc) do nghi phát hiện 3 ca nhiễm Covid-19 tại Trấn Ái Điểm.
Ngày 10/12, Ban Quản lý Khu Kinh tế cửa khẩu Đồng Đăng - Lạng Sơn đã gửi thư công tác số 28 để đề nghị Chính phủ nhân dân huyện Ninh Minh khôi phục lại cặp cửa khẩu này, tuy nhiên đến nay vẫn chưa nhận được phản hồi từ phía Trung Quốc.
Tính đến sáng 18/12 tại khu phi thuế quan cách cửa khẩu Tân Thanh (Lạng Sơn) chừng 10 km, hơn 1.000 xe container đã nằm im chờ đợi suốt nửa tháng.
Những ngày gần đây, mỗi ngày chỉ có khoảng vài chục xe được thông quan sang nước bạn. Còn phần lớn nằm im trong khu vực bến bãi hoặc trên đường quốc lộ. Các tài xế phải sinh hoạt, ăn uống trên xe để trông hàng và chờ đợi.
Ngày nào ông Huỳnh Văn Chức (phải) cũng mở thùng lạnh để kiểm tra gần 25 tấn thanh long của mình. "Hàng để lạnh chịu được trên dưới 10 ngày là bắt đầu xuống chất lượng. Tôi tới bãi từ ngày 6, tới hôm nay được 12 ngày. Còn với tốc độ thế này nhích lên đến cửa khẩu phải thêm chục ngày nữa. Tới lúc ấy hàng hóa có mà hỏng quá nửa" - ông Chức nói.
Mỗi ngày ông Chức chi trên dưới 1 triệu tiền dầu để chạy máy lạnh để giữ thanh long ổn định ở mức 6-8 độ C. Ông cũng cho biết nếu hàng hóa hư hỏng thì người phải chịu đền chính là các tài xế.
"Không ai biết khi nào thông quan được. Chỉ đợi vào may rủi" - ông lắc đầu nói.
Chạy xe hơn 1.700 km từ Cao Lãnh (Đồng Tháp) lên đến Lạng Sơn cũng được chục ngày, anh Trần Khánh Trung lo lắng vì 35 tấn xoài trên xe đang bắt đầu chín. Nếu tình trạng ùn ứ tiếp tục kéo dài, anh có khả năng phải bù lỗ cho container hàng lần này.
"Giờ thì còn tính gì tiền lương nữa, coi như hết sạch rồi. Kho xoài keo mà chín hỏng thì chỉ có nước bán nhà để đền hàng. 35 tấn hàng tính sơ cũng 200-300 triệu rồi" - anh Trung bơ phờ chia sẻ.
Chạy xe đường dài, các tài xế được trả công 6-7 triệu đồng/chuyến. Nhưng đến nay, họ không còn trông chờ vào tiền lương lần này. Lái xe hơn chục năm, ông Tiến cũng phải nhăn mặt, thở dài trong cảnh chờ đợi. "Giờ chỉ biết chờ đợi thôi chứ ôm cả xe hàng đền tiền thì chỉ có chết đói" - ông Tiến than.