Xã hội

Tài xế “mắc kẹt” vì ứng dụng xe công nghệ

ĐOÀN XÁ 21/11/2023 10:49

Bỏ việc làm công nhân, nhiều người mong muốn có được công việc với mức lương “vài chục triệu đồng” nhờ nghề chạy xe công nghệ nhưng đã nhanh chóng thất vọng và bị “mắc kẹt” với công việc này.

anhbaitren.jpeg
Tài xế chạy xe công nghệ ngày càng gặp nhiều khó khăn. Ảnh: Đoàn Xá.

Những ngày cuối tháng 11, thời tiết buổi trưa ở TPHCM nắng nóng gay gắt. Dưới một gốc cây ở đường Cộng Hòa (quận Tân Bình), mấy tài xế chạy xe gắn máy công nghệ đang ngồi nhìn chằm chằm vào điện thoại để chờ “nổ đơn”.

Anh N.V. Hòa (29 tuổi) - một tài xế áo xanh chạy xe công nghệ chia sẻ: “Từ sáng tới giờ được 5 cuốc, có 2 cuốc gửi hàng còn lại là ra sân bay với bến xe An Sương. Tổng cộng chưa được 300.000 đồng. Trừ xăng xe, phí app đi thì chỉ kiếm được vài chục nghìn đồng thôi. Bây giờ chạy từ sáng sớm tới tối mịt cũng chỉ tầm 2 đến 3 trăm ngàn. Chắc tôi sẽ lại chuyển nghề chứ bám trụ mãi với nghề chạy xe công nghệ cũng không khá lên nổi” - anh Hòa cho biết. Chia sẻ thêm, anh Hòa cho hay, gần đây thu nhập của tài xế chạy xe công nghệ giảm đi rất nhiều. “Tôi chạy xe từ trước dịch Covid-19. Lúc đầu kiếm được lắm. Ngày nào cũng 6 đến 7 trăm nghìn đồng, có hôm thu về cả triệu đồng. Bây giờ thì tổng đơn mà được tiền triệu cũng mừng lắm rồi. Phần vì nhiều người đăng ký chạy xe công nghệ, phần vì kinh tế khó khăn khiến người đi xe, đặt xe lấy hàng cũng ít hơn” - anh Hòa tâm tư.

Ngồi bên cạnh anh Hòa là anh Thạnh (34 tuổi) - một tài xế áo màu cam, cũng có thâm niên chạy xe hơn 3 năm, cho biết trước kia anh làm công nhân dưới Bình Chánh nhưng quyết định bỏ ngang đi chạy xe. “Hồi đầu công ty khuyến mãi nhiều, chạy thích lắm. Tháng kiếm tầm hai, ba chục triệu đồng là bình thường. Sau dần công ty hết khuyến mãi, mà còn phạt tài xế vì bỏ cuốc, hủy cuộc, ít sao… khiến công việc khó khăn hơn. Nói chung mấy công ty công nghệ ban đầu cần tài xế, khách hàng thì họ khuyến mãi, sau khách quen app rồi, họ ép lại dữ lắm. Mà chỉ tài xế là thiệt thôi chứ khách hàng có thể chọn lựa hãng khác được. Mình giờ nhảy hãng thì chưa chắc đã tốt hơn” - anh Thạnh nói.

Theo anh Thạnh, có hai nguyên nhân khiến cho việc tài xế chạy xe công nghệ ngày một khó khăn hơn là quá nhiều tài xế và nhu cầu đặt hàng (hay chi tiêu nói chung) của người dân giảm đáng kể. Các đơn hàng vì thế cũng ít đi. Ngoài ra, việc nâng chiết khấu của công ty, tăng các khoản phạt cũng gây áp lực cho tài xế nhiều hơn mà thu nhập cũng bị eo hẹp.

Đặc biệt với các tài xế giao hàng, họ phải ứng tiền trước (đóng vào tài khoản) rồi thanh toán hóa đơn khi lấy hàng. Sau đó giao hàng xong họ mới nhận được tiền từ khách hàng. Với hình thức này, tài xế chịu rất nhiều rủi ro. “Hôm trước có khách đặt 5 tô bánh canh ghẹ ở bên đường Lê Văn Sỹ hết 600.000 đồng. Đây là mối khách quen nên tôi không nghi ngại gì. Ai ngờ khi mình sang giao thì gọi điện thoại không liên lạc được. Hỏi thăm nửa tiếng đồng hồ trong tòa nhà thì được biết chị khách hàng có chuyện gấp là con gái bị tai nạn xe. Chị phải chạy về bệnh việc ở Gò Vấp. Rồi cũng may mắn ở tòa nhà người ta thấy mình khổ nên chấp nhận lấy hàng để ăn nhưng đợi mấy ngày sau khách mới chuyển tiền được. Như vậy cũng là may mắn chứ giao đồ ăn dễ bị “bom” hàng lắm” - anh Thạnh ngậm ngùi cho biết.

Là một trong những tuyến đường đông đúc nhất ở TPHCM, khu vực đường Cộng Hòa luôn có hàng trăm tài xế công nghệ đứng chờ ở ven đường, các cổng tòa nhà, khu chung cư, khu dân cư và đặc biệt là khu vực sân bay Tân Sơn Nhất. “Tôi hay chạy xe cho khách đặt ở sân bay nhưng người ta không cho đậu xe gần cổng sân bay, mình phải đậu ở tận bên này. Có khách thì mình điện thoại trực tiếp, chạy lại tầm vài phút cho tiện” - anh Tr. V. Sơn, một tài xế chở khách cho biết.

“Chạy ở khu vực sân bay có đặc thù là nhiều khách đi buổi tối khuya. Để khách an tâm, mình cũng an tâm thì họ đặt qua ứng dụng, nhiều khi đòi xem cả giấy căn cước. Mà khách sân bay cũng đi xa lắm. Nhiều khi họ về tận dưới Long An, Bến Lức hay Biên Hòa. Không phải ai cũng có tiền đi taxi nên họ đặt xe công nghệ hai bánh cho tiết kiệm” - anh Sơn nói.

Cũng theo anh Sơn, dù chủ yếu chạy buổi tối, công việc vất vả nhưng thu nhập cũng bị giảm nhiều so với trước. “Giờ công ty lấy 30% giá trị mỗi cuốc xe. Nhiều khi khách thương tình hủy cuốc để mình có thêm chút thu nhập. Nhưng các công ty giờ họ quản lý tài xế trên cả định vị nữa. Tài xế nào tắt định vị, tắt app nhiều thì sẽ ít được phân bổ các cuốc xe. Vì vậy tài xế như bị “mắc kẹt” vào trong app vậy, kiều nào thì cũng bị thiệt thòi đầu tiên” - anh Sơn chia sẻ.

Theo tìm hiểu của chúng tôi, hiện nay tài xế công nghệ thường phải trả cho công ty khoảng 25 tới 30% giá trị mỗi chuyến xe (bao gồm cả thuế) tùy theo hãng, khung ngày giờ… Tuy nhiên, việc quản lý của các công ty công nghệ ngày càng giám sát chặt chẽ hơn khiến cho tài xế khó lòng mà “qua mặt” được.

Từng mang đến thu nhập khá ổn cho nhiều lao động với yêu cầu khá đơn giản, nghề chạy xe công nghệ (gồm chở khách, giao hàng, đồ ăn) được nhiều người tìm tới với kỳ vọng có thu nhập cao. Tuy nhiên, hiện nay vì các nguyên nhân khác nhau, hầu hết tài xế công nghệ đều gặp nhiều khó khăn, phải tắt app hoặc chuyển sang công việc khác.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tài xế “mắc kẹt” vì ứng dụng xe công nghệ

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO