Giá xăng liên tục leo đỉnh những ngày qua đã làm một bộ phận không nhỏ tài xế xe ôm “méo mặt”, lo cho sinh kế của mình.
Xe ôm công nghệ chật vật “kiếm cơm”
Ngày 14/2, giá xăng dầu trong nước được niêm yết phổ biến trên thị trường như sau: Giá xăng E5 RON92 không cao hơn 24.571 đồng/lít; xăng RON 95-III không cao hơn 25.322 đồng/lít; dầu diesel 0.05S không cao hơn 19.865 đồng/lít; dầu hỏa không cao hơn 18.751 đồng/lít; dầu mazut 180CST 3.5S không cao hơn 17.659 đồng/kg.
Giá xăng dầu trong nước ở thời điểm này đang ở mức cao nhất trong vòng 8 năm qua. Giá xăng tăng trong khi vận tải hành khách bằng xe ôm công nghệ chỉ mới được cho phép hoạt động trở lại cách đây ít ngày đã khiến không ít tài xế “méo mặt”.
Trên đường Phạm Hùng, đoạn gần Bến xe Mỹ Đình (Hà Nội), hàng loạt tài xế xe ôm công nghệ mỏi mòn chờ khách. Ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết cho thấy, dù là thời điểm sau Tết Nguyên đán, song lượng hành khách tại Bến xe Mỹ Đình rất đìu hiu, vắng vẻ, các tài xế “ngồi chơi” dài.
Ngồi lặng lẽ ở một gốc cây gần Bến xe, ông Hoàng Văn Tiến (63 tuổi, quê Phú Thọ) đang đếm lại số tiền kiếm được từ sáng. Ông cho biết, giá xăng tăng mấy ngày gần đây khiến cho việc chạy xe ôm hàng ngày của ông trở nên khó khăn hơn. “Một mình thuê trọ gần Bến xe Mỹ Đình, ngoài mẹ già, tôi còn phải lo cho 2 người con ở quê đang học trung học. Khách thì chẳng thấy đâu mà giá xăng thì tăng mạnh quá, việc kiếm cơm bằng cách chạy xe ôm ngày càng trở nên chật vật”, ông Tiến than thở.
Mỗi ngày ông Tiến đều dậy sớm, chạy xe từ 5 giờ 30 phút sáng cho đến 10 giờ đêm. Theo ông Tiến, trước thì việc chạy xe chăm chỉ còn cho thu nhập kha khá, thế nhưng bây giờ giá xăng tăng cao khiến nguồn thu chẳng được bao nhiêu. “Trước xăng chưa đến 20.000 đồng/lít, giờ lên 25.000 đồng/lít, tăng 1/5 rồi nhưng nếu tăng giá chạy xe thì khách chê đắt, không đi. Thu nhập giảm rõ rệt”.
Cùng chung nỗi lo “mùa xăng tăng giá”, ông Nguyễn Văn Vượng (60 tuổi, quê Thanh Hoá) cũng ngán ngẩm thở dài: “Ngày trước chỉ cần đổ 60.000 – 70.000 đồng là đầy bình rồi, bây giờ phải 100.000 đồng mới đủ. Giá xăng tăng kéo theo nhiều mặt hàng khác cũng tăng giá. Trong khi khách đi xe thì đìu hiu. Dịch bệnh đã gây khó nay lại càng khó hơn”
Cũng theo ghi nhận của PV Đại Đoàn Kết, đoạn khu vực ngã tư Nguyễn Phong Sắc (Cầu Giấy, Hà Nội) tập trung khá đông tài xế công nghệ, khu vực này được coi là “điểm nghỉ trưa” của tài xế. Theo chia sẻ của các chủ xe ôm công nghệ, Hà Nội cho phép xe ôm công nghệ hoạt động trở lại cách đây ít hôm, trước đó họ đã có 6 tháng dài thất nghiệp vì dịch bệnh. Thế nhưng vừa chạy xe được vài ngày, nhiều tài xế đã tá hoả vì giá xăng tăng kỷ lục.
Anh Nguyễn Minh Sơn (22 tuổi, sinh viên năm cuối Đại học Quốc gia Hà Nội) cho biết, anh chạy thêm Grab để tự lo phí sinh hoạt, học tập và phụ giúp gia đình. Song theo anh Sơn, niềm vui được chạy xe trở lại chưa được bao lâu thì đã bị “tụt hứng” bởi giá xăng tăng chóng mặt. “Có những ngày chờ cả buổi mà chẳng có khách nào, thế mà xăng thì không ngừng tăng giá nên tôi cũng đang tính chuyển việc khác, chứ làm kiểu này không trụ nổi” – anh Sơn nói.
Là một tài xế taxi tự do, anh Nguyễn Biên Thuỳ (34 tuổi, Phúc Thọ, Hà Nội) cho biết: “Trước ngày xăng điều chỉnh tăng giá, tôi cũng đã phải tranh thủ đi đổ đầy bình. Giá xăng tăng ảnh hưởng rất nhiều đến thu nhập. Mỗi lần chở khách tôi đều phải cố gắng tìm đoạn đường gần nhất và tập trung nhất để không chạy quá quãng đường”. Anh Thuỳ cũng cho hay, ảnh hưởng từ đại dịch lẫn giá xăng tăng đã khiến không ít tài xế bán xe, chuyển nghề vì “kiếm cơm” không đủ.
Giá xăng sẽ còn tăng
Theo chuyên gia kinh tế Nguyễn Minh Phong, giá xăng tăng mạnh trong nước thời gian qua do nhiều nhân tố phức tạp, cả nhân tố bên trong và bên ngoài. Theo đó, yếu tố bên ngoài chủ yếu do căng thẳng giữa Mỹ - Nga và Ukraine cùng với giá xăng lên theo xu hướng phục hồi kinh tế. Do vậy giá xăng chắc chắn sẽ còn tăng trong thời gian sắp tới.
Còn trong nước, giá xăng tăng theo chu kỳ điều chỉnh, tuy nhiên đến giữa tháng 3 sẽ quay trở lại bình thường. Bên cạnh đó, nhân tố phục hồi kinh tế cũng làm tăng nhu cầu sử dụng xăng dầu nên giá xăng dầu cũng được đẩy lên do nguyên nhân này. Tóm lại, yếu tố làm tăng giá xăng dầu nhiều hơn yếu tố không làm tăng giá trong thời gian sắp tới. Do vậy, dự đoán giá xăng dầu sẽ còn tiếp tục tăng.
Trao đổi với PV Đại Đoàn Kết, ông Bùi Danh Liên - Chủ tịch Hiệp hội Vận tải Hà Nội cho rằng, các loại hình vận tải chủ yếu sử dụng nhiên liệu để hoạt động, do vậy, nhiên liệu chiếm đến 45-50% giá thành chi phí vận tải. Ở Việt Nam, Nhà nước quản lý về giá xăng dầu, tuy nhiên thời điểm này giá cũng chịu ảnh hưởng rất lớn từ thị trường thế giới.
Giá xăng dầu tăng kỷ lục đã và đang tác động rất lớn đến hoạt động và giá thành vận tải trong nước. Để có thể ổn định và hạn chế tác động của giá xăng tăng trong hoạt động vận tải, ông Liên cho hay, Nhà nước có thể trích một khoản kinh phí để có thể hỗ trợ người dân, doanh nghiệp. Tuy nhiên việc trợ giá xăng dầu đến từ Nhà nước là một giải pháp khó thực hiện trong hoàn cảnh hiện tại. Đây cũng là một bài toán “hóc búa” không chỉ đối với Nhà nước mà còn đối với các doanh nghiệp, đơn vị vận tải.
Do vậy, ông Liên cũng nhấn mạnh giải pháp cần được ưu tiên hàng đầu vẫn là các cá nhân, doanh nghiệp chủ động tiết kiệm xăng dầu; khuyến khích người dân di chuyển bằng phương tiện công cộng.