Luật Giáo dục 2019 quy định giáo viên THPT phải có bằng cử nhân. Tuy nhiên, Thông tư 04/2021/TT-BGDĐT yêu cầu giáo viên dự thi (hoặc xét) thăng hạng chức danh nghề nghiệp phải có bằng thạc sĩ. Theo đó, băn khoăn đang được nhiều người đặt ra, việc quy định giáo viên THPT hạng 1 phải có nên không?
Giáo viên phổ thông có trình độ đào tạo thạc sĩ là quy định không hiếm ở các nước có nền giáo dục tiên tiến. Giáo dục Phần Lan là một ví dụ. Quốc gia này được quốc tế công nhận có nền giáo dục dẫn đầu thế giới, một cách rất thuyết phục. Kỳ thi đánh giá năng lực theo chuẩn PISA (Toán, Tự nhiên Xã hội và đọc hiểu) luôn ở top đầu khối OECD; Xếp hạng Quốc gia Hạnh phúc (tất nhiên có Trường học Hạnh phúc) theo chuẩn của Liên hợp quốc liên tục chiếm vị trí số 1 hoặc số 2 trên thế giới. Đặc điểm giáo dục của họ có quan niệm rất khắt khe với giáo viên nhưng lại rất “dễ dãi” với học sinh. Quy định giáo viên Phần Lan phải hội tụ đủ 3 chuẩn: Trình độ chuyên sâu về môn dạy, trình độ rộng rãi về khoa học giáo dục và có đủ trình độ về nghiên cứu khoa học giáo dục ứng dụng. Họ quy định các giáo viên phổ thông phải có trình độ tối thiểu về thạc sĩ giáo dục (đối với giáo viên dạy các lớp dưới) và thạc sĩ chuyên ngành (đối với giáo viên dạy các lớp trên).
Giáo dục của ta chưa nên áp dụng và học theo về quy định trình độ đào tạo thạc sĩ cho giáo viên phổ thông, với các lý do sau:
Thứ nhất: Luật Giáo dục chỉ quy định trình độ giáo viên phổ thông là cử nhân, phải chăng nếu giáo viên có trình độ cao hơn Luật nên cần khuyến khích để giáo viên cố gắng, tự học hỏi, sớm theo kịp trình độ giáo viên của các nước phát triển. Chẳng hạn, tại các cơ sở giáo dục, tổ chức vinh danh giáo viên đạt trình độ trên cử nhân. Nhà nước nên thưởng một khoản vật chất cho những giáo viên có bằng thạc sĩ hay tiến sĩ.
Thứ hai: Trong quy định về giáo viên THPT hạng 1 của Bộ GDĐT đã quy định rất cụ thể 7 nhiệm vụ cho giáo viên đạt hạng này. Chúng tôi thấy rất đủ và rất phù hợp với tư duy đổi mới. Giáo viên cần nhất là nhân cách, tình thương trẻ và phương pháp trải nghiêm giáo dục. Chúng ta mong muốn trình độ giáo viên phải trên chuẩn, rất cần đấy nhưng cần hơn, coi trọng hơn vẫn là năng lực làm nghề ở mức nghệ thuật, ở sự sáng tạo và ý trí vượt khó vươn lên trong sự nghiệp đổi mới giáo dục.
Thứ ba: Hiện nay việc đào tạo thạc sĩ hay tiến sĩ ở nước ta còn nhiều bất cập, chất lượng thấp và còn quá nhiều tiêu cực. Nhiều người cần cái danh để “trang sức” cho bản thân và sự nghiệp mà không phải giúp ích cho chất lượng công việc của bản thân.
Thiết nghĩ, nếu chúng ta cứ coi bằng cấp là thước đo trí tuệ con người, là đánh giá để nâng lương hay thăng hạng cho giáo viên thì thực chất là đang cổ xúy tệ bằng cấp, ham hư danh và duy trì vấn nạn thành tích, thói quen dối trá hiện còn đang tồn tại trong xã hội.