Tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh NATO

Hà Anh 12/07/2023 07:51

Trong 2 ngày 11,12/7 (giờ địa phương), Hội nghị thượng đỉnh Tổ chức Hiệp ước Bắc Đại Tây Dương (NATO) diễn ra tại Thủ đô Vilnius của Litva. Theo dự kiến, các nhà lãnh đạo sẽ tập trung để có những cuộc thảo luận quan trọng về các vấn đề chính sẽ định hình cách liên minh tự vệ.

Hội nghị thượng đỉnh NATO sẽ diễn ra trong 2 ngày 11-12/7 tại Vilnius, Litva. Ảnh: Xinhua.

“Gói Ukraine”

Theo mạng tin châu Âu Euractiv, các nhà lãnh đạo NATO dự kiến sẽ phê duyệt một “gói Ukraine”, bao gồm việc thành lập Hội đồng NATO - Ukraine (NUC), được coi là một "sự nâng cấp mối quan hệ" của Kyiv với liên minh, cung cấp cho quốc gia này khả năng tiếp cận lớn hơn với các nguồn lực của NATO. Cuộc họp đầu tiên này sẽ được tổ chức tại Vilnius, theo chương trình nghị sự của hội nghị thượng đỉnh.

Bên cạnh đó, NATO được cho là sẽ tiếp tục duy trì Gói hỗ trợ toàn diện (CAP), một quỹ mà các thành viên và đối tác của NATO đóng góp tự nguyện để tài trợ cho việc cung cấp viện trợ phi sát thương.

Nhưng vấn đề có thể gây tranh cãi tại hội nghị thượng đỉnh là liệu Ukraine có nhận được cam kết thực chất hơn để trở thành thành viên NATO. Tư cách thành viên nhằm đảm bảo an ninh lâu dài mà Ukraine mong muốn và đã được cam kết 15 năm trước tại hội nghị thượng đỉnh ở Bucharest (Romania).

Theo Reuters, các quan chức NATO ý thức được rằng, có 2 trở ngại chính đối với nỗ lực gia nhập liên minh của Ukraine vào một ngày nào đó: xung đột với Nga đang diễn ra và nhu cầu cải cách dân chủ và quân sự trước khi trở thành thành viên liên minh.

“Vấn đề thứ hai tương đối dễ giải quyết và có thể bắt đầu trong năm nay, có khả năng giải quyết hầu hết các tiêu chí cũng quan trọng đối với liên minh. Nhưng một lần nữa, vẫn chưa rõ xung đột sẽ kết thúc khi nào và điều đó sẽ là yếu tố quyết định” - một quan chức NATO nói với Euractiv.

Tư cách thành viên của Thụy Điển

Trước thềm hội nghị thượng đỉnh, ngày 10/7, Tổng thư ký NATO Jens Stoltenberg đã thực hiện một nỗ lực để làm trung gian hòa giải giữa Thụy Điển và Thổ Nhĩ Kỳ, sự bất hòa cản trở tiến trình gia nhập liên minh của Thụy Điển. Và sự bế tắc đó dường như đã chấm dứt sau các cuộc đàm phán ở Vilnius, khi Tổng thống Thổ Nhĩ Kỳ Tayyip Erdogan đồng ý gửi đơn của Thụy Điển tới Quốc hội Thổ Nhĩ Kỳ để phê chuẩn.

Trước đó, Thổ Nhĩ Kỳ cáo buộc Thụy Điển không hành động để trấn áp các chiến binh mà Ankara coi là những kẻ khủng bố, chủ yếu là thành viên của Đảng Công nhân người Kurd (PKK).

Thụy Điển - được hậu thuẫn bởi ông Stoltenberg và nhiều thành viên NATO - cho biết, họ giữ nguyên mọi cam kết với Thổ Nhĩ Kỳ về vấn đề này. Nhưng Thủ tướng Thụy Điển Ulf Kristersson và Tổng thống Erdogan đã đồng ý thực hiện các bước tiếp theo vào tối 10/7, bao gồm cả việc thiết lập một "Hiệp ước An ninh" mới về chống khủng bố.

Hai bên cũng nhất trí tăng cường hợp tác kinh tế và Thụy Điển cam kết hỗ trợ các nỗ lực nhằm hồi sinh tiến trình đưa Thổ Nhĩ Kỳ xích lại gần Liên minh châu Âu. Các nhà ngoại giao của NATO cho biết, động thái này có thể giúp Thụy Điển nhanh chóng đi tiếp sau kỳ nghỉ hè.

Kế hoạch phòng thủ và bảo vệ lãnh thổ

Tại hội nghị thượng đỉnh năm nay, các nhà lãnh đạo NATO dự định tán thành các kế hoạch phòng thủ hoàn toàn mới của liên minh quân sự. Theo các kịch bản, bộ chỉ huy của NATO đặt mục tiêu tập hợp 300.000 quân (gấp 7 lần so với 40.000 quân hiện có) để có thể ngăn chặn bất kỳ cuộc tấn công tiềm tàng nào.

Theo một quan chức của NATO, các thành viên NATO đã bắt đầu cam kết nhân sự và thiết bị, bao gồm 1.400 máy bay chiến đấu, 250 tàu và tàu ngầm. Nhưng cần phải làm nhiều hơn nữa.

Các nhà ngoại giao NATO cho biết, hy vọng sẽ hoàn thiện các kế hoạch trước cuộc họp của các nhà lãnh đạo.

NATO cũng đang xem xét việc xác định một cam kết chi tiêu quốc phòng mới tại hội nghị thượng đỉnh lần này khi các thành viên đấu tranh để đạt được các mục tiêu hiện tại.

Năm 2014, các quốc gia thành viên đã cùng nhau cam kết tăng chi tiêu quốc phòng lên mức 2% Tổng sản phẩm quốc nội (GDP) vào năm 2024. Tuy nhiên, đến nay mới chỉ có 11 nước được cho là sẽ đạt được mục tiêu này trong năm nay. Trong khi đó, Tổng Thư ký NATO, ông Jens Stoltenberg mong muốn tỷ lệ 2% này thành mức sàn chứ không còn là mức trần.

Nhiều thành viên NATO dự kiến sẽ cam kết tiếp tục tăng chi tiêu thậm chí vượt quá mức 2%, cam kết lâu dài thay vì phấn đấu hướng tới mục tiêu đó. Chỉ có Luxembourg được miễn đạt mục tiêu.

Là một phần trong tầm nhìn của NATO về châu Á-Thái Bình Dương, các nhà lãnh đạo liên minh sẽ gặp những người đồng cấp từ Australia, New Zealand, Nhật Bản và Hàn Quốc (AP4) tại Vilnius như một dấu hiệu của sự đoàn kết từ cả hai bên trước những thách thức trong khu vực.

Tuy nhiên, khi nói đến việc mở một văn phòng liên lạc của NATO ở Nhật Bản, Pháp “không ủng hộ, đó là vấn đề nguyên tắc”, Điện Elysée nêu rõ và đã chặn sáng kiến này vào tuần trước.

NATO và AP4 cũng đang soạn thảo Chương trình hợp tác (ITPP), có thể được thông qua trong hội nghị thượng đỉnh, để nâng cấp mối quan hệ về các vấn đề khác nhau.

NATO là liên minh quân sự lớn nhất của phương Tây, hiện gồm 31 quốc gia, từ Mỹ, Canada, vòng quanh châu Âu cho đến Thổ Nhĩ Kỳ. Hội nghị thượng đỉnh NATO với sự tham gia của khoảng 2.400 quan khách, trong đó có 40 nguyên thủ quốc gia và người đứng đầu chính phủ thuộc 48 phái đoàn.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tâm điểm Hội nghị thượng đỉnh NATO

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO