Tam giác Nevada có diện tích hơn 40.000 km2. Ảnh: Sun. |
Tam giác Nevada trải rộng từ Fresno, California tới Reno, Nevada, và phía tây bang Arizona, theo Sun. Bên trong vùng tam giác này có thành phố Las Vegas, công viên quốc gia Yosemite, thung lũng Chết và Khu vực 51, căn cứ bí mật của quân đội Mỹ. Khu vực có diện tích hơn 40.200 km2.
Trường hợp nổi tiếng nhất trong số 2.000 vụ mất tích là một phi công biến mất trên vùng hoang mạc khô cằn của dãy Sierra Nevada cách đây 11 năm. Nhà phiêu lưu mạo hiểm kiêm tỷ phú Steve Fossett là một phi công dày dạn kinh nghiệm và từng lập hơn 100 kỷ lục cá nhân. Do đó, khi chiếc máy bay của ông biến mất ở biên giới giữa hai bang California và Nevada vào ngày 3/9/2007, các nhân viên cứu hộ khá bối rối.
Tỷ phú Steve Fossett gặp nạn trên sa mạc Nevada. Ảnh: Sun. |
Cuộc tìm kiếm quy mô nhất từ thời Thế chiến II được phát động để phát hiện tung tích của Fosset. Khi mất tích, ông đang lái chiếc máy bay hạng nhẹ Bellanca Super Decathlon một động cơ trên hoang mạc Đại Bồn địa thuộc Nevada. Fossett cất cánh từ bãi đáp tư nhân Smith Valley, Nevada trong chuyến bay ngắn tới gặp người bạn tỷ phú của ông là Barry Hilton.
6 tiếng sau khi Fossett không tới điểm hẹn, các nhà chức trách tiến hành tìm kiếm trên khu vực rộng hơn 51.800 km2. Trong quá trình tìm kiếm xác Fossett trên địa hình gồ ghề, đội cứu hộ phát hiện 8 vụ rơi máy bay chưa được nhận dạng trước đó.
Hơn năm sau, một người leo núi nhặt được ba chiếc thẻ của tỷ phú quá cố. Ngày 1/10/2008, xác máy bay được tìm thấy ở địa điểm cách nơi ông cất cánh 105 km về phía nam. Kết quả kiểm tra ADN xác nhận hai chiếc xương nằm lẫn giữa xác máy bay thuộc về Fosset. Tuy nhiên, nhà chức trách vẫn chưa tìm ra nguyên nhân khiến một phi công kỳ cựu như vậy đâm xuống đất.
Xác máy bay của tỷ phú Fossett được tìm thấy năm 2008. Ảnh: Sun. |
Tướng John Kelly nhiều lần bay ở Nevada từ năm 1974 và từng nghe nhắc tới Tam giác Nevada trên chương trình TV. "Có khả năng còn nhiều vụ rơi máy bay hơn bởi không khí trên núi, nhưng tôi không nghĩ đó là một hiện tượng. Mọi người bay qua dãy núi và không đánh giá đúng áp suất không khí", ông Kelly suy đoán.
Khu vực này đặc biệt dễ bị ảnh hưởng bởi sóng núi (mountain wave). Những con gió di chuyển nhanh từ Thái Bình Dương va vào sườn núi dốc, tạo ra hiệu ứng nguy hiểm có thể nâng một chiếc máy bay nhỏ lên như lướt trên ngọn sóng. Nhưng giống như người lướt sóng, luồng khí sẽ đẩy chiếc máy bay đập mạnh xuống sau đó. Nếu như ở trên biển, người lướt sóng sẽ rơi xuống nước. Nhưng trên hoang mạc, chiếc máy bay chắc chắn sẽ gặp nạn do va đập với mặt đất cứng.
Nhà khí tượng học Kelly Redmond ở Viện nghiên cứu hoang mạc từng so sánh gặp phải gió núi Sierra Nevada giống như bơi qua thác Niagara. "Khi những cơn gió cuộn lên, chúng thổi tới rất êm dịu ở mặt phía tây, sau đó thổi ập xuống rất nhanh và vô cùng nhiễu loạn. Một chiếc máy bay nhỏ rất dễ bị cuốn vào lúc gió thổi hướng xuống và không đủ công suất để thoát ra", Redmond giải thích.
Theo Vnexpress