Kinh tế

“Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt

Thanh Xuân 24/05/2024 09:50

Truy xuất nguồn gốc được coi là “tấm hộ chiếu” nâng cao chữ tín, thương hiệu cho doanh nghiệp xuất khẩu nông sản. Đây cũng là khâu quan trọng quyết định nông sản Việt có thể tham gia vào chuỗi liên kết, cung ứng toàn cầu hay không.

anhbaitren(1).png
Nhiều diện tích thanh long ở Đồng bằng sông Cửu Long đã được cấp mã số vùng trồng. Ảnh: M.H.

Gia tăng cơ sở được cấp mã số vùng trồng

Trong thời đại bùng nổ công nghệ thông tin, truy xuất nguồn gốc ngày càng trở thành một yếu tố quan trọng trong doanh nghiệp (DN). Người tiêu dùng trở nên tự tin hơn vì biết được nguồn gốc của sản phẩm mình cần. Việc cung cấp thông tin rõ ràng và minh bạch về nguồn gốc giúp tạo ra sự tin cậy và lòng tin từ phía khách hàng, đồng thời truy xuất nguồn gốc cũng là công cụ giúp DN quản lý, kiểm soát hàng hóa trên thị trường.

Tiền Giang được biết đến là vùng đất phong phú, đa dạng các sản phẩm nông sản. Những trái cây được biết đến là ngon nổi tiếng của vùng đất này phải kể đến thanh long, chôm chôm, sầu riêng... Những sản phẩm này của tỉnh Tiền Giang đã và đang tạo được dấu ấn riêng đối với người tiêu dùng. Thời gian qua, tỉnh Tiền Giang đã chú trọng cấp mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc cho các sản phẩm nông sản, từ đó càng tăng thêm uy tín, thương hiệu cho nông sản của địa phương.

Ông Nguyễn Văn Mẫn - Giám đốc Sở NNPTNT tỉnh Tiền Giang cho hay, đến thời điểm này, toàn tỉnh Tiền Giang đã được cấp 528 mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói; trong đó, mã số vùng trồng được cấp sang thị trường Trung Quốc là 183, diện tích gần 19.151ha, với 7 chủng loại cây trồng, gồm: Mít, thanh long, xoài, dưa hấu, chôm chôm, nhãn và sầu riêng. Tiền Giang có 307 mã số cơ sở đóng gói đã được cấp phục vụ xuất khẩu, cụ thể là thị trường Trung Quốc có 299 mã số, các thị trường khó tính có 8 mã số.

Đồng Tháp là địa phương có mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với hơn 2.600 mã số. Thông tin từ Sở NNPTNT Đồng Tháp cho hay, tính đến tháng 4/2024, toàn tỉnh có 1.261 vùng trồng nội địa và xuất khẩu, diện tích hơn 113.700ha; trong đó, 2.637 mã số (857 vùng trồng) với diện tích hơn 62.600ha phục vụ thị trường xuất khẩu. Với cơ sở đóng gói, trên địa bàn tỉnh có 20 mã số cơ sở đóng gói, trong đó có 12 cơ sở đóng gói xuất khẩu sang thị trường Trung Quốc, Australia, Nhật Bản, New Zealand, Hàn Quốc.

Số lượng nông sản được cấp mã số vùng trồng, dán tem truy xuất nguồn gốc cũng gia tăng tại Vĩnh Long. Hiện, toàn tỉnh có 117 vùng trồng được cấp mã số xuất khẩu trên các chủng loại trái cây (nhãn, chôm chôm, xoài, thanh long, bưởi, mít, khoai lang, sầu riêng); 26 cơ sở đóng gói nông sản xuất khẩu.

Nâng cao uy tín, vị thế cho nông sản

Giới chuyên gia đánh giá, khi quản lý chặt chẽ mã số vùng trồng và mã số cơ sở đóng gói, người nông dân thay đổi tư duy từ sản xuất nông nghiệp sang kinh tế nông nghiệp, thay đổi nhận thức của người nông dân trong cuộc cách mạng phát triển nền nông nghiệp thông minh, bảo vệ môi trường sinh thái. Đồng thời, xây dựng được vùng nguyên liệu sản xuất tập trung, tạo ra sản phẩm chất lượng, truy xuất được nguồn gốc, an toàn vệ sinh thực phẩm. Từ đó, nông sản của địa phương có thể bay cao, vươn xa sang các thị trường quốc tế.

Đánh giá cao vai trò của truy xuất nguồn gốc sản phẩm nông sản, giới chuyên gia trong ngành cho rằng, đây chính là “tấm hộ chiếu” khẳng định uy tín của DN, từ đó tạo vị thế của DN trên thị trường cả trong và ngoài nước. Trong bối cảnh người tiêu dùng ngày càng đề cao chất lượng hàng hóa, họ ngày càng để tâm lựa chọn sản phẩm tốt nhất, đảm bảo an toàn cao nhất, thì những băn khoăn về truy xuất nguồn gốc và an toàn thực phẩm là điều tất yếu. Do đó, các DN cần phải hết sức chú trọng “tấm hộ chiếu” này.

Cũng khẳng định vai trò quan trọng của việc truy xuất nguồn gốc, ông Trần Thanh Hải - Phó cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương cho rằng, trong bối cảnh kinh tế hội nhập ngày càng phát triển, DN Việt đang đứng trước những thử thách và trở ngại rất lớn khi tiếp cận thị trường tiêu dùng trong và ngoài nước bởi sự xuất hiện của sản phẩm không rõ nguồn gốc, xuất xứ. Với thị trường quốc tế thì ngày càng khắt khe khi đưa ra nhiều quy định, quy trình về an toàn thực phẩm. Bởi vậy, để hàng hóa xuất khẩu có thể mở rộng thị trường, đặt chân đến những thị trường khó tính như: EU, Mỹ,... thì các sản phẩm hàng hóa xuất khẩu của Việt Nam, đặc biệt là nông sản cần đảm bảo yêu cầu, quy định đưa ra từ phía nước nhập khẩu, trong đó có yêu cầu về thực hiện truy xuất nguồn gốc. Do đó, ông Hải khuyến nghị, để tăng cường ứng dụng truy xuất nguồn gốc, nhà sản xuất, bà con nông dân, DN cần thay đổi tư duy về thương mại nông sản quốc tế, cần hết sức chủ động đáp ứng các yêu cầu, tiêu chuẩn của thị trường nhập khẩu, thực hiện nghiêm túc, bài bản trong suốt cả chuỗi giá trị nông sản từ khâu sản xuất, đầu vào, nguyên liệu cho đến khâu chế biến để bảo đảm chất lượng đầu ra sản phẩm.

Theo thống kê của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn, tính đến nay, cả nước có 6.883 mã số vùng trồng xuất khẩu đã được cấp cho 25 sản phẩm (phân bố tại 54/63 tỉnh, thành phố) sang 11 thị trường. Trong đó, vùng Đồng bằng sông Cửu Long có số lượng mã số vùng trồng lớn nhất cả nước với 3.975 mã (chiếm 57%) đang hoạt động. Riêng Đồng Tháp có 2.469 mã số vùng trồng được cấp, lớn nhất cả nước, Tiền Giang có 528 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói, Bến Tre có 84 mã số vùng trồng và cơ sở đóng gói.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    “Tấm hộ chiếu” cho nông sản Việt