Hiện nay ở TP Tam Kỳ (tỉnh Quảng Nam) đang xảy ra tình trạng doanh nghiệp xin dừng thi công các công trình trên địa bàn dù đã trúng thầu và nhiều công trình đang thi công dang dở.
Ngày 10/2, ông Nguyễn Thanh Chơn - Giám đốc Công ty cổ phần Giao thông công chính Tam Kỳ (Công ty GTCT Tam Kỳ) đã ký văn bản số 05/CtyGTCC gửi UBND TP Tam Kỳ, các chủ đầu tư như Ban quản lý các dự án đầu tư và xây dựng (BQLDA) thành phố, Trung tâm phát triển quỹ đất TP Tam Kỳ, xin dừng thi công hàng loạt các công trình trên địa bàn thành phố này. “Do tình hình kinh tế tại thời điểm hiện nay rất khó khăn; giá cả vật tư, nguyên vật liệu tăng đột biến, chênh lệch rất cao so với giá ký kết hợp đồng tại thời điểm năm 2019, 2020 cộng với lãi suất vay ngân hàng rất cao, tình hình cho vay của các ngân hàng bị siết chặt, doanh nghiệp (DN) khó tiếp cận được vốn vay; Về tài chính của công ty tại thời điểm này rất khó khăn không đảm bảo được nguồn lực tài chính để tiếp tục thi công các dự án trên” - nội dung văn bản nêu.
Đáng lưu ý, TP Tam Kỳ từng xảy ra việc DN trúng thầu nhưng sau đó thi công dang dở rồi bỏ dự án, điển hình như dự án nâng cấp tuyến đường Nguyễn Văn Trỗi với giá trúng thầu 26,8 tỷ đồng, từ tháng 11/2019 dự án được phê duyệt, thời gian thực hiện hợp đồng 150 ngày. Thế nhưng đang thi công dang dở thì DN dừng dự án khiến người dân 2 bên đường sống trong khổ sở, bức xúc. Sau một thời gian dài, UBND thành phố Tam Kỳ mới giải quyết được sự việc.
Dư luận đặt câu hỏi, do đâu khi thuận lợi, các doanh nghiệp này tích cực tham gia đấu thầu để có được dự án, nhưng lúc khó khăn lại tìm cách thoát ra, ảnh hưởng đến sự phát triển chung về cơ sở hạ tầng của thành phố?
Tại buổi làm việc với PV Báo Đại Đoàn Kết, ông Phạm Duy Tích - Phó Giám đốc BQLDA cho biết: Về nội dung văn bản số 05/CtyGTCC của Công ty GTCT Tam Kỳ xin dừng thi công tất cả các công trình, thanh toán khối lượng xây lắp hoàn thành và quyết toán các công trình, với lý do tình hình kinh tế tại thời điểm hiện nay rất khó khăn, để có cơ sở giải quyết các kiến nghị của nhà thầu, BQLDA đã có báo cáo cụ thể trình lãnh đạo thành phố xem xét quyết định.
Theo ông Tích, tùy theo công trình để BQLDA kiến nghị UBND thành phố, như thi công xong tổ chức nghiệm thu và bàn giao quyết toán công trình; nhóm thi công dở dang cho dừng và quyết toán khối lượng đã làm, khối lượng còn lại sẽ lập lại dự toán theo đơn giá mới và tổ chức đấu thầu lại để thi công hoàn thiện. Nhưng đó chỉ là đề xuất BQLDA đưa ra, còn các phòng, ban xem xét và lãnh đạo thành phố quyết định.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ cho biết, không riêng gì Công ty GTCT Tam Kỳ mà khi có đơn xin tạm dừng, dừng dự án đã và đang thi công hay trúng thầu nhưng chưa thi công của bất cứ đơn vị nào thì phải xem xét xử lý theo đúng quy định pháp luật.
Việc dự án bị vướng mặt bằng khiến TP Tam Kỳ trở thành thành phố của những con đường cụt. Báo Đại Đoàn Kết đã từng phản ánh, bởi có đến 27 tuyến đường, hệ thống thoát nước cần khớp nối.
Cụ thể, khớp nối hạ tầng giao thông chính 4 tuyến, nâng cấp hạ tầng khu dân cư 19 tuyến và khớp nối hệ thống thoát nước 3 tuyến chưa kể các công trình khác. Cho đến thời điểm này chưa giải quyết được bao nhiêu.
Lãnh đạo 1 công ty đóng trên địa bàn tỉnh Quảng Nam cho rằng: UBND TP Tam Kỳ nên áp dụng đưa vào tiêu chí mời thầu là những đơn vị vi phạm hợp đồng như chậm tiến độ, hay chất lượng công trình có vấn đề và nhiều lý do quan trọng khác thì không được tham gia dự thầu các dự án tiếp theo, để đảm bảo các công trình được thi công đúng tiến độ, tránh tình trạng đấu thầu rồi để đó hay thi công cầm chừng, thậm chí dễ thì làm, khó lại bỏ.
Ông Bùi Ngọc Ảnh - Chủ tịch UBND TP Tam Kỳ nhấn mạnh: Không phải muốn xin nghỉ là nghỉ được. Phải xem xét cụ thể, khách quan, vì sao bỏ dự án, do vướng mắc mặt bằng, hay do tình hình kinh tế, vật giá khó khăn. Nếu bỏ dự án phải xử lý như thế nào, phần khối lượng làm được, phần còn lại sẽ xử lý ra sao? Chúng tôi tiến hành xem xét kỹ lưỡng những khâu này và xử lý đúng theo luật định.