Cả đời "gieo chữ" cho trẻ em nghèo, cô giáo Liêu Thị Mỹ Hiếu (thường gọi là cô Uyên) ở quận Ninh Kiều, TP Cần Thơ luôn tâm niệm “Mình không có gì ngoài con chữ nên cả đời mình luôn hết lòng giúp em các mong sao cho các em biết đọc, biết viết”. Cô Uyên có đến 37 năm trong nghề cầm phấn, bao nhiêu năm cầm phấn là bao nhiêu năm dạy học miễn phí cho trẻ em nghèo.
Nhà cô Uyên nằm sâu trong con hẻm nhỏ khuất sau chùa Bửu Liên, đường đi quanh co phải nhiều đợt hỏi thăm chúng tôi mới tìm ra. Đến nhà cô giáo Uyên trong một chiều mưa, nhưng những tiếng ê, a học bài của trẻ con át cả tiếng mưa. Lớp học miễn phí của cô chỉ với vài chiếc bàn nhỏ nối dài từ nhà ra đến cổng nhưng có đến trên dưới 20 đứa học trò đang theo học.
Cô Uyên kể: “Năm 18 tuổi, khi là một đoàn viên tham gia công tác Đoàn tại phường An Cư, tôi được phường gợi ý tham gia lớp học tình thương, nhưng tôi từ chối vì không không có bằng Sư phạm. Nhưng sau đó, thấy hoàn cảnh các em khó khăn không có điều kiện đi học nên tôi nhận lời dạy xóa mù chữ. Từ đó tôi trở thành cô giáo trường làng”.
Lớn lên trong một gia đình đông con, ba mất sớm, một mình mẹ gánh gồng nuôi mấy chị em ăn học. Vì gia cảnh khó khăn cô Uyên không có điều kiện đi học tiếp, hiểu và đồng cảm với các em cô Uyên, xúc động: “Sống trong cảnh nghèo khó nên việc học bị gián đoạn, tôi tiếc lắm. Lúc đó chỉ có một tâm nguyện sau này cuộc sống khá hơn sẽ hết lòng giúp đỡ các em. Thấy các em tôi như thấy mình ngày trước, tôi còn cảm thấy mình may mắn vì mình còn được đi học, được biết chữ, có nhà để ở không giống như phần lớn các em trong lớp đều phải ở trọ…”
Cô Uyên cho biết, các em trong lớp học chủ yếu là các em nhỏ có hoàn cảnh đặc biệt khó khăn, không nơi nương tựa. Hằng ngày các em đi bán vé số, tối lại đến lớp học chữ mỗi ngày học khoảng 1 đến 2 tiếng rồi lại tảng đi bán. Cuộc sống mưu sinh vất vả nhưng các em vẫn cố gắng để được đi học, để biết chữ.
Cô tâm sự: “Tôi không dám kì vọng nhiều vào các em, chỉ hy vọng sau khi học ở lớp của tôi các em có thể đọc được tên đường, viết được tên mình, làm được những bài toán đơn giản để khi đi bán các em không bị gạt thôi….”
Không phải là nhà giáo có bằng cấp hẳn hoi nhưng với nhiều người, cô Uyên từ lâu đã là một nhà giáo ưu tú trong lòng bao thế hệ học trò. Mỗi nhịp 20/11 hằng năm cô không nhận những bó hoa tươi, những món quà xinh xắn mà lòng cô ấm áp lạ thường khi những mảnh giấy với nét chữ nguệch ngoạc dán đầy một góc tường nhà với những câu nói, những lời chúc dễ thương của các em dành cho người cô đáng kính.
“Dù bao thế hệ học trò đã trưởng thành từ lớp học tình thương của mình. Nhưng tôi cứ nhớ mãi cô học trò mồ côi, hiếu học tên Phước. Những năm tháng khó khăn tôi đã luôn động viên, giúp đỡ cô học trò nhỏ có thêm nghị lực vươn lên. Bây giờ Phước đã trở thành một kế toán giỏi và luôn tìm về ủng hộ lớp học. Tôi cảm thấy rất hạnh phúc vì đã giúp em có cuộc sống tốt hơn và hơn nữa em còn biết yêu thương mọi người”, cô Uyên chia sẻ.
Em Phạm Gia Đạt (16 tuổi) chia sẻ: “Em biết đến lớp học của cô Uyên từ năm 2014, gia đình khó khăn nên học hết lớp 2 em đã nghỉ học đi bán vé số phụ giúp gia đình. Em theo cô Uyên học được một thời gian thì gia đình chuyển đi em không được đi học nữa. Đến năm 2019, em xin cô cho học lại. Do bỏ học lâu quá, nên giờ em học lại lớp 1, lúc đầu em mắc cỡ lắm nhưng cô khuyên “lớn rồi phải ráng học để biết chữ”. Nghe lời cô, mỗi ngày bán xong em lại đến lớp học khoảng 1 tiếng rồi đi bán tiếp. Ngoài dạy chữ, cô còn dạy em cách làm người, đối nhân xử thế, sống lương thiện. Dù thiếu thốn tình thương từ ba mẹ nhưng lúc nào em cũng cảm nhận được sự ấm áp từ cô. Mỗi dịp lễ tết cô đều tổ chức cho tụi em vui chơi, hè cô dẫn lớp du lịch, tết thì dẫn đi mua quần áo. Em thương cô như người thân trong nhà vậy”.
Là tình nguyện viên có gần 2 năm theo dạy ở lớp học của cô Uyên, em Nguyễn Trần Trúc Nghi sinh viên năm 2, trường Đại học Y Dược Cần Thơ, cho biết: “Em biết tới lớp học thông qua câu lạc bộ Vì trẻ thơ của trường. Ở đây ngoài học chữ các bé còn được yêu thương dạy dỗ như con cháu trong nhà. Đến đây ngoài chuyện dạy cho các bé thì em cũng học được rất nhiều từ cô, nhất là tính kiên nhẫn, tân tâm với công việc”.
Với tấm lòng nhân hậu và nhiệt huyết với nghề giáo, đã có hàng trăm thiếu nhi biết đọc, viết chữ và được giới thiệu vào trường công để tiếp tục học tập. Thời gian qua, thấy được việc làm đầy ý nghĩa của cô Uyên, nhiều mạnh thường quân tìm đến hỗ trợ, giúp đỡ các em để các em bớt đi những vất vả, có thêm niềm niềm tin vào một tương lai tươi sáng hơn.