Tinh hoa Việt

Tầm soát sớm, thoát ‘án’ ung thư phổi

HẠNH AN 07/06/2024 14:36

Ung thư phổi được xem là "kẻ sát nhân" thầm lặng. Số liệu thống kê cho thấy, ung thư phổi đứng thứ 2 về tỷ lệ mắc mới và là nguyên nhân gây tử vong nhiều nhất trong số các bệnh ung thư trên toàn thế giới.

bai-chinh(3).jpg
Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính.

Tại Việt Nam, ung thư phổi là một trong những bệnh lý ác tính có số lượng người mắc và tỷ lệ tử vong hàng đầu trong các bệnh ung thư thường gặp ở hai giới. Ung thư phổi cũng như các loại ung thư khác nếu phát hiện sớm, điều trị sớm thì hiệu quả càng cao. Tuy vậy, các chuyên gia y tế cho rằng, ung thư phổi có thể bị đánh bại nếu sàng lọc tầm soát phát hiện sớm.

Nhiều tổ chức y tế từ lâu đã khuyến nghị sàng lọc ung thư phổi cho những người có nguy cơ cao mắc bệnh. Theo bác sĩ Nina Thomas, Đại học Colorado (Mỹ), nếu phát hiện kịp thời, cơ hội chiến thắng bệnh tật sẽ tăng lên đáng kể. Tỷ lệ sống sót của bệnh nhân ung thư phổi ở giai đoạn đầu cao gần gấp 7 lần khi bệnh đã lan rộng.

Tuy nhiên, đa số bệnh nhân ở giai đoạn đầu không hề có triệu chứng. Bệnh thường không được phát hiện cho đến khi đã tiến triển giai đoạn nặng, khó điều trị hơn. Điều này làm nổi bật tầm quan trọng của việc sàng lọc ung thư phổi một cách hiệu quả.

Hội đồng Dự phòng Y tế Mỹ khuyến nghị sàng lọc cho nhóm người từ 50 đến 80 tuổi, những người đang hoặc đã từng hút thuốc và đã cai trong vòng 15 năm qua, cũng như những người có lịch sử hút thuốc.

Còn theo tài liệu của Bộ Y tế, để phòng chống ung thư phổi cũng như nhiều bệnh ung thư khác, các bệnh không lây nhiễm bằng các biện pháp: Cần bỏ thuốc lá ngay lập tức, bởi lẽ thuốc lá là nguyên nhân chính chiếm tới trên 90% gây ra ung thư phổi và trên 30% gây ra các loại ung thư khác; hút thuốc lá làm tăng nguy cơ ung thư phổi từ 15-30 lần so với các loại ung thư khác. Cùng với đó, phải có chế độ dinh dưỡng hợp lý, trong đó hàm lượng đạm, mỡ hợp lý, tăng cường rau xanh, trái cây; thường xuyên rèn luyện, tăng cường sức khoẻ. Ngoài ra, mỗi người phải có thói quen khám sức khoẻ định kỳ. Bộ Y tế cũng khuyến cáo, người từ 40 tuổi, và sau 50 tuổi nên đi tầm soát ung thư phổi nói riêng, các bệnh ung thư khác nói chung.

Các chuyên gia Bệnh viện K cho biết, ngày nay với sự phát triển của y học hiện đại, bệnh nhân ung thư phổi ngày càng được phát hiện sớm hơn, tuy nhiên chỉ khoảng 30% bệnh nhân ung thư phổi đến viện ở giai đoạn sớm có khả năng phẫu thuật. Phẫu thuật luôn luôn đóng vai trò quan trọng mang tính triệt căn trong điều trị ung thư phổi. Thế nhưng do đến viện muộn nên phương pháp ưu tiên nhất mà bệnh nhân không đủ điều kiện để phẫu thuật được là hạn chế lớn, mất đi cơ hội điều trị.

Trước đây, các nốt mờ phổi nhỏ, thường để theo dõi, chưa can thiệp, nhưng nay không nên theo dõi nữa, cần chỉ định phẫu thuật sớm. Chỉ định phẫu thuật ung thư phổi thường dành cho bệnh nhân ở giai đoạn sớm thường là giai đoạn 1, 2 và đầu giai đoạn 3. Ung thư phổi có thể phát hiện ở giai đoạn sớm nhờ chụp cắt lớp vi tính.

Nhiều người chủ quan do biểu hiện của ung thư phổi thường không rõ ràng ở giai đoạn đầu. Các biểu hiện điển hình mà người bệnh cần lưu ý đi khám như: ho khan dai dẳng, sụt cân, đau ngực, ho ra máu...

Theo BS.CKII Ngô Trường Sơn- Phó khoa Ung bướu, Bệnh viện Đa khoa Tâm Anh Hà Nội, các phương pháp tầm soát được nghiên cứu nhằm mục tiêu phát hiện ung thư phổi giai đoạn sớm, giảm nguy cơ tử vong do căn bệnh này.

Mục tiêu của tầm soát ung thư phổi là phát hiện ung thư phổi ở giai đoạn rất sớm, khi bệnh có nhiều khả năng được chữa khỏi. Vào thời điểm các dấu hiệu và triệu chứng ung thư phổi phát triển, ung thư thường đã ở giai đoạn muộn khiến việc điều trị rất phức tạp, tiên lượng sống còn giảm.

“Khoảng 70% bệnh nhân ung thư phổi phát hiện bệnh ở giai đoạn muộn, không còn khả năng phẫu thuật, đáp ứng kém với hóa trị, xạ trị. Việc tầm soát, phát hiện bệnh sớm đóng vai trò quyết định đến hiệu quả điều trị, tiên lượng sống cao hơn”, BS.CKII Ngô Trường Sơn nhấn mạnh.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tầm soát sớm, thoát ‘án’ ung thư phổi