Hôm nay (ngày 5/9), hơn 23 triệu học sinh trên cả nước hân hoan dự lễ khai giảng năm học mới 2024 - 2025. Đây là năm học hoàn thành triển khai Chương trình giáo dục phổ thông 2018 ở các lớp cuối cấp; cùng đó là hai kỳ thi quan trọng với nhiều đổi mới theo chương trình giáo dục mới được xã hội mong chờ.
Mỗi ngày đến trường là một ngày hạnh phúc
Cùng với học sinh và giáo viên cả nước, thầy và trò Trường Tiểu học Quang Vinh (huyện Trùng Khánh, tỉnh Cao Bằng) cũng hào hứng bắt đầu những ngày mùa thu tháng 9, mùa khai trường. Chỉ trước đó vài ngày, ngôi trường này còn ngập sâu trong nước. Tất cả 72 bộ bàn ghế của nhà trường bị hư hỏng do ngấm nước. Huyện đã kịp thời hỗ trợ kinh phí để nhà trường mua sắm, thay thế, bổ sung… Đồng thời, có phương án để đưa đón học sinh ở vùng bị cô lập, giúp các em kịp đến trường dự khai giảng và học tập những ngày đầu năm học cho đến khi nước rút hoàn toàn.
Mưa lũ đã gây thiệt hại nghiêm trọng đến cơ sở vật chất tại nhiều trường học trong huyện Trùng Khánh. Với sự chung tay của các ban ngành chức năng, lực lượng, tổ chức, các trường học cùng ngành giáo dục huyện Trùng Khánh đã dồn sức khắc phục hậu quả mưa lũ, đảm bảo sẵn sàng đón chào năm học mới.
Tương tự, đối với các điểm trường vùng cao tỉnh Hà Giang, cơ sở vật chất còn nhiều khó khăn, lại bị hư hại nhiều trong các đợt mưa lũ cũng đã được các nhà trường phối hợp với các đơn vị, tổ chức khắc phục, sửa chữa kịp đón các em học sinh tựu trường. Hà Giang hiện có hơn 800 cơ sở giáo dục, với gần 1.200 điểm trường. Tỷ lệ phòng học kiên cố trên 66%. Tuy nhiên, năm học này, vẫn còn gần 1.600 phòng học và nhiều hạng mục phụ trợ khác như nhà lưu trú, bếp ăn, nhà vệ sinh cần được nâng cấp.
Trao đổi với phóng viên, ông Lâm Nguyên Ngọc - Hiệu trưởng Trường phổ thông dân tộc bán trú tiểu học và THCS Nậm Càn (huyện Kỳ Sơn, tỉnh Nghệ An) cho biết: Năm nay trường có 24 lớp học với 636 học sinh, trong đó có 237 học sinh đăng ký bán trú. Từ đầu tháng 8, nhà trường đã bắt tay vào việc sơn lại phòng học, tu sửa lại ký túc xá cho học sinh, dọn dẹp để chuẩn bị cho năm học mới.
Tại Hà Nội, trong không khí khẩn trương, phấn khởi, đội ngũ giáo viên, nhân viên các trường từ mầm non đến phổ thông đều tập trung vào công tác tu sửa cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy học ngay từ đầu tháng 8 để chuẩn bị cho ngày tựu trường. Với quan niệm trường học là ngôi nhà thứ 2 của mình nên mỗi góc sân, phòng học đều được các thầy cô chăm chút tỉ mỉ, sẵn sàng để chào đón các em học sinh đến lớp.
Đại diện Trường Tiểu học Phan Chu Trinh (quận Ba Đình, Hà Nội) chia sẻ, lễ khai giảng được nhà trường tổ chức theo hướng gọn nhẹ, phù hợp với thực tiễn và điều kiện của nhà trường nhưng cũng không kém phần trang nghiêm, ý nghĩa trong phần lễ và phần hội đầy phấn khởi, vui tươi chào mừng năm học mới. Đặc biệt là các tiết mục văn nghệ biểu diễn trong Lễ khai giảng được dàn dựng công phu cả về nội dung và hình thức. Đội trống, đội hồng kỳ, đội dâng hoa được tập luyện kỹ càng cẩn thận. Tất cả sẵn sàng cho một năm học thành công và tràn đầy năng lượng.
Nhiều thay đổi cho năm học mới
Tại TPHCM, ngày 5/9, hơn 1,7 triệu học sinh từ bậc mầm non tới THPT chính thức bước vào năm học mới với nhiều thay đổi tích cực.
Ông Nguyễn Văn Hiếu - Giám đốc Sở Giáo dục và Đào tạo (GDĐT) TPHCM cho biết, năm học 2024-2025 ngành giáo dục thành phố tiếp tục mục tiêu nâng cao năng lực sử dụng tiếng Anh cho học sinh phổ thông và chuyên nghiệp.
Theo đó, ngoài các hoạt động dạy và học toán, các môn khoa học bằng tiếng Anh hay chương trình tiếng Anh tích hợp, Sở GDĐT TPHCM sẽ xây dựng dự thảo bộ tiêu chí trường học dùng tiếng Anh làm ngôn ngữ thứ hai.
Ngành cũng sẽ mở rộng việc dạy các ngoại ngữ khác như tiếng Pháp, tiếng Trung, tiếng Nhật, tiếng Hàn… cho học sinh. Mô hình trường học chất lượng cao “trường tiên tiến, hội nhập quốc tế” cũng được mở rộng nhằm trang bị cho học sinh các kỹ năng cần thiết để từng bước trở thành công dân toàn cầu. Được biết, đây là một trong những chủ trương lớn và dài hơi của ngành giáo dục TPHCM những năm qua. Thực tế kết quả ghi nhận cho thấy, thông qua các kỳ thi chung, phổ điểm môn ngoại ngữ (tiếng Anh) của học sinh ở TPHCM luôn đứng đầu cả nước nhiều năm qua.
Ngoài mục tiêu trên, năm học mới 2024-2025 này, ngành giáo dục TPHCM còn tiếp tục giải quyết một số thách thức cũ như đảm bảo 100% trẻ em sinh sống trên địa bàn có chỗ học hay tập trung đảm bảo công bằng trong tiếp cận giáo dục cho mọi đối tượng học sinh, người học. Được biết, mỗi năm TPHCM luôn tiếp nhận thêm hàng chục nghìn học sinh, chủ yếu do việc di cư từ các tỉnh, thành khác tới. Cuối cùng, từ năm học 2024-2025, mức thu học phí các cấp học được điều chỉnh bằng mức thu học phí của năm học 2021-2022 theo Nghị quyết của HĐND TPHCM đã ban hành. Sở GDĐT TPHCM đã có hướng dẫn thu, sử dụng học phí và các khoản thu khác; thực hiện chế độ miễn, giảm học phí và hỗ trợ chi phí học tập từ năm học 2024-2025 tại các cơ sở giáo dục công lập trên địa bàn.
Như vậy, dựa theo danh mục các khoản thu được quy định, trường công lập căn cứ tình hình thực tế, điều kiện cơ sở vật chất và nhu cầu của học sinh để xây dựng dự toán thu - chi cho từng nội dung, đảm bảo nguyên tắc thu đủ chi đủ, phù hợp với tình hình thực tế. Các cơ sở không được thay đổi tên và phát sinh bất kỳ nội dung thu nào ngoài danh mục; đồng thời phải phát hành biên lai thu tiền, hóa đơn cho học sinh.
Các trường tính toán giãn thời gian thực hiện các khoản thu, không tổ chức thu gộp nhiều khoản trong cùng một thời điểm. Suốt quá trình thu chi đầu năm, ngành giáo dục sẽ tăng cường thanh tra, kiểm tra, giám sát tình hình, kịp thời chấn chỉnh tình trạng thu các khoản không đúng quy định để phụ huynh thật sự an tâm.
Ngoài ra, ngành giáo dục TPHCM cũng có quy định chặt chẽ với các cơ sở giáo dục ngoài công lập về các khoản thu, cũng như quy định của cơ sở vật chất đảm bảo việc dạy và học.
Chủ động sớm cho kỳ thi tốt nghiệp THPT 2025
Năm 2025 là năm đầu tiên kỳ thi tốt nghiệp THPT được tổ chức thực hiện theo Chương trình giáo dục phổ thông (GDPT) 2018. Bộ GDĐT yêu cầu các đơn vị cần chủ động và có kế hoạch triển khai từ sớm công tác chuẩn bị cho Kỳ thi và công tác tuyên truyền. Cụ thể, tăng cường chức năng quản lý, gắn trách nhiệm chỉ đạo, quản lý tổ chức thi của UBND cấp tỉnh và Sở GDĐT trong chỉ đạo tổ chức kỳ thi tại địa phương.
Xây dựng và tổ chức triển khai thực hiện nghiêm túc, kịp thời các quy định, yêu cầu trong văn bản chỉ đạo, hướng dẫn tổ chức thi đến các cấp cơ sở; tổ chức góp ý các dự thảo văn bản quy phạm pháp luật, Quy chế thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025, các văn bản hướng dẫn tổ chức Kỳ thi và chủ động đánh giá tác động tại địa phương.
Tiếp tục tập huấn các đội ngũ giáo viên để xây dựng câu hỏi thi và tham gia đóng góp câu hỏi thi/đề thi cho Thư viện câu hỏi thi theo hướng mở để phục vụ công tác tổ chức Kỳ thi tốt nghiệp THPT từ năm 2025.
Trong kỳ thi tốt nghiệp THPT năm 2025, Bộ GDĐT dự kiến có 2 loại đề thi. Loại thứ nhất là đề thi theo Chương trình GDPT 2018 dành cho các thí sinh học theo Chương trình GDPT 2018 dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025. Loại thứ hai là đề thi theo Chương trình GDPT 2006 dành cho thí sinh không học Chương trình GDPT 2018 và chưa tốt nghiệp THPT dự thi tốt nghiệp THPT năm 2025.
Về việc tính điểm xét tốt nghiệp THPT cho học sinh, Bộ GDĐT dự kiến tăng tỉ lệ sử dụng kết quả đánh giá quá trình học tập ở cả lớp 10, 11 và 12 lên 50% (trước đây là 30% và chỉ sử dụng kết quả lớp 12) nhằm mục đích đánh giá toàn diện các năng lực của học sinh học theo Chương trình GDPT 2018 và tăng hiệu quả đạt được nhiều mục tiêu của Kỳ thi như đã công bố.