Theo quy định của Nghị định 116/2020/NĐ-CP (có hiệu lực thi hành từ 15/11/2020), tân sinh viên ngành Sư phạm (ở tất cả các trường đại học, cao đẳng) trúng tuyển từ năm học 2021-2022 trở đi sẽ được Nhà nước hỗ trợ học phí (bằng với mức thu học phí của trường), đồng thời được hỗ trợ 3,63 triệu đồng/tháng tiền sinh hoạt phí trong quá trình học tập.
Đây là sự quan tâm sâu sắc của Đảng và Nhà nước đối với ngành Giáo dục, để đảm bảo chất lượng đội ngũ giáo viên các cấp học trên cả nước. Song, dù Nghị định 116 có hiệu lực thi hành từ 15/11/2020, đến nay đã gần tròn 1 năm nhưng Bộ Giáo dục - Đào tạo và các bộ, ngành, địa phương có liên quan vẫn chưa ra được văn bản hướng dẫn để các trường thực hiện.
Đó là lý do mà hầu hết các trường có đào tạo sinh viên sư phạm đều nhất quyết “tạm thu” tiền học phí của tân sinh viên năm học 2021-2022. Lý do “tạm thu” của các trường na ná như nhau, đại loại là hiện chưa có hướng dẫn cụ thể về việc triển khai quy định của Nghị định 116, chưa biết ai sẽ chi trả tiền học phí cho sinh viên nên cứ phải thu trước cho... chắc.
Vậy là chỉ vì sự “chắc ăn” của các trường đại học, cao đẳng có chuyên ngành đào tạo sư phạm, một chủ trương hết sức nhân văn của Chính phủ đã bị “khóa” trên giấy, chưa thể đi vào thực tiễn cuộc sống. Cũng vì vậy mà khá nhiều tân sinh viên có hoàn cảnh gia đình khó khăn đang lo lắng vì không có tiền đóng học phí.
Nhiều người thắc mắc, sau gần 1 năm có hiệu lực thi hành, ấy vậy mà chính sách cấp học phí và hỗ trợ sinh hoạt phí cho các tân sinh viên sư phạm vẫn phải chờ và không biết chờ đến bao giờ các cơ quan chức năng và các trường mới “thống nhất” được giải pháp thực hiện. Nếu còn kéo dài thời gian chưa thực hiện Nghị định 116, e rằng sẽ có nhiều em lỗi hẹn với nghề giáo.
Một số chuyên gia luật, luật sư đặt câu hỏi: Tại sao lâu nay chúng ta lại cứ phải có thủ tục hướng dẫn thi hành các văn bản quy phạm pháp luật? Nhiều luật có hiệu lực rất lâu nhưng nếu chưa có nghị định thì chưa thể thực hiện. Khi có nghị định nhưng chưa có thông tư và văn bản “hướng dẫn” khác của các bộ, ngành, địa phương thì cũng chỉ nằm trên giấy.
Chính vì có tiền lệ chờ văn bản hướng dẫn thi hành nên nhiều chủ trương, chính sách đúng đắn của Đảng và Nhà nước đã bị các bộ, ngành, địa phương làm mất đi tính kịp thời trong việc giải quyết khó khăn vướng mắc của người dân, doanh nghiệp. Chẳng thế mà hàng năm Chính phủ vẫn phải thống kê con số nợ đọng văn bản của các bộ, ngành, địa phương.
Trong trường hợp cụ thể này, chắc chắn các tân sinh viên sư phạm có hoàn cảnh kinh tế khó khăn sẽ khó nhập học, bởi gia đình sẽ không thể lo nổi kinh phí “tạm thu” của các trường đại học, cao đẳng mà các em đã trúng tuyển. Trong số đó, hầu hết là những em có trình độ, tâm huyết với nghề giáo nhưng đành bỏ cuộc, thật lãng phí tài năng.
Một câu hỏi lớn được đặt ra ở đây: Tại sao không phải là các trường đại học, cao đẳng ứng ra số tiền học phí mà các tân sinh viên phải đóng, thay vì bắt các em “tạm nộp”, rồi sau đó thanh toán với đơn vị cấp kinh phí sau? Tại sao không phải Bộ Giáo dục – Đào tạo “tạm ứng” bằng tiền hoặc bằng “lệnh”, để các trường tạo điều kiện cho tân sinh viên sư phạm nhập học?
Về nguyên tắc, chủ trương, chính sách của Đảng và Nhà nước chưa thể thực hiện được trong cuộc sống là do lỗi của các bộ, ngành, địa phương, chứ không phải các sinh viên. Vậy thì cớ sao lại đẩy cái khó cho các em, còn các cơ quan quản lý, cơ sở đào tạo lại nhận phần dễ về mình? Mà đã có quy định của pháp luật (bằng nghị định) tiền chỉ chậm về chứ có mất đi đâu được mà các trường đại học, cao đẳng sư phạm lại phải “chắc ăn” đến vậy?