Tôi tha thiết mong được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm tạo mọi điều kiện cho những người nhiễm HIV chúng tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc được trợ giá.
Tôi tên là Phạm Thị Hiền, Trưởng nhóm Tự lực ngày mai tươi sáng tỉnh Bắc Ninh. Tôi phát hiện thấy mình bị nhiễm HIV từ năm 2000 và bắt đầu điều trị ARV từ năm 2011.
Thời gian này, CD4 (một loại bạch cầu thể hiện mức miễn dịch, số này càng thấp thì mức miễn dịch càng yếu - người viết) của tôi ở mức 195 và các bác sĩ luôn nhắc tôi phải dùng ARV thường xuyên. Tôi phát hiện mình có thai được khoảng 4 tuần và CD4 chỉ còn 72 và do vậy, bác sĩ hẹn tôi khoảng sau 10 tuần nữa sẽ sẽ bắt đầu điều trị ARV cho tôi.
Lúc đó, miệng tôi bắt đầu bị loét và rất khó ăn uống nhưng được hỗ trợ liên tục từ các bác sĩ cũng như từ gia đình và anh chị em trong nhóm chăm sóc rất chu đáo nên tôi đã khoẻ lại nhanh và vớ chồng tôi quyết định giữ lại đứa con. Nhờ tôi được điều trị ARV nên bé con của tôi được sinh ra không bị nhiễm HIV. Gia đình tôi thật hạnh phúc và có thêm niềm tin vào cuộc sống. Kết quả này đã làm tôi và mọi người trong gia đình tôi thay đổi hoàn toàn cách nghĩ tiêu cực về HIV.
Là người sống với HIV nhiều năm qua, từ khi còn khoẻ cho đến nay, tôi càng thấy sức khoẻ là vốn quý nhất đối với mỗi con người. Nhờ có ARV mà tôi vẫn giữ được sức khoẻ để tiếp tục tham gia các hoạt động xã hội với mọi người. Tôi muốn bằng câu chuyện từ chính mình để động viên, khích lệ những ai nhiễm HIV khác hãy tích cực sử dụng ARV.
Trong quá trình tư vấn, hỗ trợ về xét nghiệm HIV và điều trị ARV, tôi và nhiều anh chị em trong nhóm có dịp chứng kiến rất nhiều người nhiễm HIV từ khi còn rất ốm yếu, gầy mòn đã trở lại bình thường sau một thời gian điều trị ARV. Việc tiếp cận ARV giúp chúng tôi lạc quan hơn rất nhiều, cuộc sống thay đổi theo chiều hướng tích cực hơn và có ích hơn cho xã hội.
Sắp tới, tôi biết, sẽ không còn nguồn viện trợ của quốc tế cho việc điều trị HIV bằng ARV mà thay vào đó, nhà nước sẽ dùng nguồn quỹ BHYT để trang trải chi phí này cho chúng ta. Bản thân tôi và gia đình đã tham gia BHYT tự nguyện nhưng tôi biết còn nhiều người nhiễm HIV rất khó khăn về kinh tế. Thậm chí có gia đình có đến 3-4 người cùng bị nhiễm HIV. 90% phụ nữ bị nhiễm HIV đã mất chồng.
Việc làm của chúng tôi không ổn định, cuộc sống bấp bênh chủ yếu sống dựa vào gia đình là chính. Vì vậy, việc mua thẻ BHYT và cùng chi trả chi phí điều trị đối với nhiều người trong nhóm chúng tôi là điều hết sức khó khăn. Nhà nước có chính sách hỗ trợ BHYT cho các hộ nghèo nhưng người nhiễm HIV không dễ dàng gì được xếp vào diện này.
Vì vậy, tôi tha thiết mong được Nhà nước và toàn xã hội quan tâm tạo mọi điều kiện cho những người nhiễm HIV chúng tôi được cấp thẻ BHYT miễn phí hoặc được trợ giá. Tôi cũng hiểu rằng, để đạt được điều này, bản thân những người bị nhiễm HIV chúng tôi phải tự tin hơn, nỗ lực hơn và sống tích cực, chủ động hoà nhập với xã hội...