Khép lại năm 2017, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; của các cấp, các ngành chúng ta đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản được đề ra từ cuối năm 2016.
* Hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế
1. Khép lại năm 2017, bằng sự nỗ lực của cả hệ thống chính trị; của các cấp, các ngành chúng ta đã hoàn thành các chỉ tiêu cơ bản được đề ra từ cuối năm 2016.
Trong đó, nổi bật là việc đạt và vượt toàn bộ 13/13 chỉ tiêu kế hoạch đề ra. Tăng trưởng GDP đạt 6,7%. Tình hình chính trị - xã hội ổn định.
Công tác đối ngoại và hội nhập quổc tế được đẩy mạnh và đạt nhiều kết quả tích cực, đặc biệt là đã tổ chức thành công Năm APEC 2017.
Theo Báo cáo 2018 của WB, Việt Nam xếp hạng 68/190 nền kinh tế về môi trường kinh doanh, tăng 14 bậc so với năm 2017 và tăng 30 bậc so với 2012.
Diễn đàn kinh tế thế giới xếp hạng môi trường đầu tư của Việt Nam tăng 20 bậc trong 5 năm qua, đứng thứ 55/137 nước.
Tổ chức xếp hạng tín nhiệm Moody’s tháng 11-2017 vừa nâng mức đánh giá triển vọng của hệ thống ngân hàng Việt Nam từ “ổn định” lên “tích cực”.
Tại Diễn đàn Doanh nghiệp (DN) Việt Nam cuối kỳ (VBF) 2017, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã phát biểu nhấn mạnh những nỗ lực của Chính phủ Việt Nam trong những năm qua, đặc biệt là trong năm 2017 nhằm cải thiện môi trường đầu tư, kinh doanh; nâng cao năng lực cạnh tranh, thúc đẩy đổi mới sáng tạo, khởi nghiệp và phát triển DN.
Thủ tướng đánh giá: “Cộng đồng DN Việt Nam đã ngày càng trưởng thành lớn lên cùng đất nước, đông thêm về số lượng và mạnh lên về tiềm lực và là động lực hàng đầu đưa nền kinh tế Việt Nam trong 20 năm qua tăng trưởng cao và liên tục. GDP tăng gấp 8 lần, GDP năm 1997 mới đạt 27 tỷ USD, đến 2017 ước đạt gần 220 tỷ USD. Phấn đấu đến năm 2020 đạt 300 tỷ USD”.
Sự lớn mạnh của DN Việt mà Thủ tướng nhắc đến tại VBF cuối kỳ năm 2017 cho thấy không chỉ cộng đồng DN Việt Nam lớn mạnh mà sâu xa hơn, cộng đồng DN lớn mạnh là bởi đã có sự “nâng bước” trong chính sách từ phía Nhà nước.
Mà nhìn rộng ra, cộng đồng DN lớn lên, phát triển hơn lên sẽ đóng góp vào nền kinh tế quốc dân và sẽ góp phần cải thiện chất lượng cuộc sống của người dân. Điều ấy âu cũng là lẽ thường.
Nhưng, dường như sẽ không chỉ dừng lại ở đó. Năm 2017 còn đánh dấu sự ra đời của loạt Nghị quyết Trung ương 5 khóa XII về “Hoàn thiện thể chế kinh tế thị trường, định hướng XHCN”; Nghị quyết về “Tiếp tục cơ cấu lại, đổi mới và nâng cao hiệu quả DN nhà nước” và Nghị quyết về “Phát triển kinh tế tư nhân trở thành một động lực quan trọng của nền kinh tế thị trường định hướng XHCN”.
3 Nghị quyết trong lĩnh vực kinh tế được xem như những chiếc “chìa khóa” mở ra cánh cửa phát triển cho DN Việt thuộc các thành phần kinh tế khác nhau.
Điều đó cho thấy tầm nhìn, chiến lược dài hơi của Đảng cho sự phát triển kinh tế nói chung và phát triển DN nói riêng.
Điều này là cần thiết trong bối cảnh Việt Nam đã bắt đầu xuất hiện các tập đoàn kinh tế tư nhân, có năng lực cạnh tranh ở trong và ngoài biên giới đất nước.
2. Nếu năm 2017 về kinh tế có nhiều khoảng sáng thì với đối ngoại là một năm nổi bật với APEC 2017 và Tuần lễ Cấp cao APEC 2017.
Với tư cách chủ nhà của năm APEC 2017, Việt Nam đã phối hợp với các nền kinh tế thành viên tổ chức thành công 243 sự kiện tại 10 tỉnh, trên cả nước.
Trong đó có 8 hội nghị và đối thoại cấp Bộ trưởng; 8 hội nghị quan chức cấp cao (SOM) với sự tham dự của 21 ngàn đại biểu.
Riêng Tuần lễ Cấp cao APEC được tổ chức từ ngày 6 đến 11/11 tại Đà Nẵng có các hoạt động chính như: Hội nghị các nhà lãnh đạo kinh tế APEC lần thứ 25; Đối thoại Cấp cao không chính thức APEC và ASEAN; Đối thoại giữa các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và Hội đồng tư vấn DN APEC; Hội nghị Thượng đỉnh DN APEC;Tiệc chiêu đãi, biểu diễn nghệ thuật chào mừng các nhà lãnh đạo kinh tế APEC và phu nhân/phu quân.
Trong một bài viết mới đây của mình, Thủ tướng Singapore Lý Hiển Long đã khẳng định: Chủ đề Việt Nam đưa ra trong vai trò chủ nhà APEC 2017 “Tạo động lực mới, cùng vun đắp tương lai chung” là đúng lúc và là lựa chọn phù hợp.
Giải thích thêm, Thủ tướng Singapore cho rằng: “Chủ đề tái khẳng định mong muốn của các thành viên APEC về hợp tác bền vững, toàn diện và nhiều mặt.
Nhiều nền kinh tế quan tâm tới các vấn đề nảy sinh từ toàn cầu hóa như sự phá vỡ các ngành công nghiệp và việc làm, sự phân bổ không đều về lợi ích và thu nhập.
Những vấn đề này cần được giải quyết. Nhưng suy cho cùng, các nền kinh tế sẽ phát triển tốt hơn nhiều nếu cùng nhau phối hợp và kết nối.
Nỗ lực đơn lẻ chỉ có thể dẫn tới trì trệ và nghèo đói, cùng nguy cơ lớn dẫn tới sự kình địch và xung đột”.
Sự đánh giá ấy cho thấy rõ hơn tầm nhìn và nỗ lực của Việt Nam trong việc thực hiện tầm nhìn ấy trong năm APEC 2017.
Đối với Việt Nam, Năm APEC 2017 mà đỉnh cao là Tuần lễ Cấp cao với các hoạt động hiệu quả, ý nghĩa, đã mang về cho chúng ta 121 thỏa thuận hợp tác, hợp đồng với nhiều đối tác khác nhau trị giá gần 20 tỷ USD.
Cũng qua APEC, các nền kinh tế APEC đã biết nhiều hơn đến sự năng động và đổi mới của kinh tế Việt Nam - đây được xem là tiền đề mở ra tương lai về làn sóng đầu tư thương mại du lịch mới vào Việt Nam.
Nhân Tuần lễ Cấp cao APEC, chúng ta cũng đã được đón nhiều nguyên thủ quốc gia thăm song phương Việt Nam như Thủ tướng Canada, Tổng thống Mexico, Tổng thống Hoa Kỳ, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Trung Quốc.
3. Tại Diễn đàn Hội nhập kinh tế quốc tế diễn ra mới đây, Thủ tướng Nguyễn Xuân Phúc đã nói: “Chúng ta tiếp tục lắng nghe các thời cơ, các nguy cơ của hội nhập để chủ động hơn”.
Lắng nghe để thay đổi, để học hỏi - điều này đã được Chính phủ Việt Nam tận dụng ở mọi nơi, mọi lúc, trên mọi diễn đàn.
Vị thế của chúng ta trên trường quốc tế đã khác xưa, tiếng nói Việt Nam đã vang lên trên nhiều diễn đàn quan trọng và nhận được sự đồng thuận cao từ nhiều nước bạn bè.
Từ một nước nhỏ bé chỉ tham gia “cuộc chơi” như một người “chầu rìa”, hôm nay, chúng ta đã trở thành quốc gia đưa ra “luật chơi”.
Nhiều FTA thế hệ mới được ký kết, mà Việt Nam là đồng tác giả đã giúp mở ra nhiều thị trường mới. Nhờ hội nhập, chúng ta đã cơ cấu lại nền kinh tế, một số ngành, sản phẩm đã được hình thành ở Việt Nam.
Chính phủ Việt Nam coi hội nhập kinh tế quốc tế là động lực để cải cách kinh tế, thúc đẩy tăng trưởng và phát triển kinh tế.
Phát huy mạnh mẽ Chính phủ kiến tạo để tiếp tục hoàn thiện thể chế, tạo lập môi trường kinh doanh tốt hơn.
Thủ tướng nhấn mạnh việc tập trung triển khai Chương trình hành động về hội nhập kinh tế quốc tế mạnh mẽ, đồng bộ trên tất cả các phương diện.
Phối hợp tốt hơn nữa giữa các bộ, ngành, địa phương gắn liền với chương trình hành động trong cải cách, nhất là tạo điều kiện cho kinh doanh.
Chính phủ luôn đứng bên các bạn, đó là khẳng định của Thủ tướng với các doanh nghiệp. Nhưng mặt khác, Thủ tướng cũng hối thúc doanh nghiệp chủ động tìm hiểu các quy định của FTA để sáng tạo và hội nhập thành công.
Với sự ổn định xã hội và vị thế, uy tín ngày càng cao trên trường quốc tế, chúng ta bước vào năm 2018 bằng thế và lực mới.