Ngày 27 tháng Chạp Kỷ Hợi, trước Tết Canh Tý tôi về quê Thái Bình. Trên xe khách, trò chuyện với một người ngồi cạnh, biết tôi là nhà văn, ông này bảo tôi muốn kiếm “chục củ” (chục triệu đồng) ăn tết không? Hãy đến nhà vợ chồng doanh nhân Đường Dương ở phố Lê Quý Đôn, phường Trần Lãm viết một bài lăng xê” vì vợ chồng nhà này giàu có lại rất háo danh, đã từng thuê các ca sĩ nổi tiếng từ Sài Gòn bay ra chi hàng trăm triệu đồng để mua vui trong ngày sinh nhật vợ và kỉ niệm 10 năm ngày cưới.
Tôi lấy điện thoại vào Google tìm kiếm về vợ chồng này rồi quay sang bảo với ông khách rằng: “Tiền thì ai cũng thích nhưng đã biết họ là ai đâu mà viết. Hơn nữa trông mặt mà bắt hình dong, ông chồng trông hầm hố, ngổ ngáo thế thì tôi nghi lắm!”. Thật may, tôi đã linh cảm đúng và không tìm đến vợ chồng “doanh nhân” này chứ nếu nghe theo ông khách tới Công ty Đường Dương trông thấy bao bằng khen, cúp, các giải thưởng Trung ương và địa phương, lại có cả những bức ảnh chụp với lãnh đạo cao cấp được phóng to cộng với cái món” tiền ơi!” dễ làm thay đổi con người thì khéo tôi đã viết bài theo thể tụng ca!
Vợ chồng Đường - Dương.
Giờ thì tôi đã thật sự choáng, quá buồn khi hay tin quê hương Thái Bình, một vùng quê giàu truyền thống cách mạng và nhân văn của tôi vừa xảy ra vụ án động trời Đường Nhuệ, có liên quan đến cả hai vợ chồng mà tôi được biết từ chuyến xe cuối năm. Chúng thực chất đã và đang hành xử kiểu “xã hội đen” đội lốt doanh nhân, kinh doanh làm giàu bằng cách “lấy thịt đè người”, đe dọa, trấn lột từ những món lớn như cho vay nặng lãi, đấu thầu đất đai, kinh doanh bất động sản, bảo kê đến cả những món nhỏ bất nhân như ăn chặn 500 nghìn đồng của mỗi người chết khi phải đưa đi hỏa táng ở Nam Định hay Hải Phòng, chúng vẫn không bỏ qua.
Hai vợ chồng Đường - Dương giàu có ngất ngưởng, sống trong nhung lụa trên nỗi khốn khổ, khiếp đảm của nhiều doanh nghiệp, doanh nhân và người dân tỉnh Thái Bình từ lâu. Nhưng, chỉ đến khi Giám đốc Công an tỉnh mới được Bộ Công an điều động về thay Giám đốc cũ và vụ án “cố ý gây thương tích” khi vào ngày 30/3/2020 vợ chồng Đường - Dương chỉ đạo hai nhân viên Nguyễn Đức Mạnh và Phạm Ngọc Quý giữ người, đánh đập tàn nhẫn vỡ xương hàm, dập sống mũi gây thương tích 14% cho tài xế Ngọc Anh ngay tại trụ sở Công ty Đường Dương chỉ vì chuyển hàng chậm lên Hà Nội thì hai vợ chồng “xã hội đen” này mới bị bắt giữ, lộ bản chất, bộ mặt thật của kẻ “nổi tiếng” từng làm từ thiện để đánh bóng và tạo “nhân hiệu” làm vỏ bọc để hoạt động “xã hội đen” hơn 10 năm qua.
Không còn nghi ngờ gì nữa, xã hội đen đã và đang tấn công vào trong đời sống, gây nên những hậu quả to lớn cho nhân dân và đất nước. Những vụ phá rừng với quy mô lớn khiến hàng nghìn cây gỗ quý, hiếm có tuổi đời hàng trăm năm phải gục ngã; Những vụ khai thác cát trái phép khiến bờ sông bị sạt lở làm hàng nghìn người dân mất nhà; Những vụ bảo kê, tổ chức đánh bạc, cá độ, đá gà và những vụ đòi nợ thuê, cho vay nặng lãi với lãi suất cắt cổ đẩy biết bao người lương thiện vào cảnh bần cùng không lối thoát; Những vụ bảo kê cho xe khách, xe tải chở hàng quá tải điển hình như của một số Cảnh sát giao thông ở tỉnh Đồng Nai đã gây nên bao cái chết thương tâm cho người đi đường; Những vụ bảo kê, ăn tiền bất chính như ở chợ Long Biên - Hà Nội làm cho các hộ kinh doanh chân chính phải nai lưng ra đóng những khoản phí vô lí… Tất cả đều có bàn tay của “xã hội đen” có tổ chức, hoặc là chúng trực tiếp tổ chức điều hành hoặc là chúng gián tiếp chỉ đạo phía sau.
Vì có tiền mà tạo ra quyền lực ngầm, những kẻ cầm đầu các tổ chức “xã hội đen” bất chấp pháp luật, dựng lên một quy tắc trong lối sống thực dụng và dùng tiền làm công cụ để thực hiện chi phối các hoạt động. Lực lượng sử dụng toàn là bọn đàn em có tiền án, tiền sự, nghiện hút, hung hãn, sẵn sàng xả thân vì chủ. Khi “đại ca” ra lệnh là có thể trừng phạt đối thủ bằng tất cả các thủ đoạn, nhẹ thì nhắn tin, gọi điện thoại đe đọa, ném chất bẩn, đặt vòng hoa vào cửa nhà; nặng thì bắt cóc đánh đập, tra tấn dã man gây thương tích, chết người. Bọn đàn em cộm cán, có “số má” hung hãn vì chúng không sợ vào tù, thậm chí sẵn sàng vào tù thay chủ. Vì vào tù thì chúng cũng đã từng vào, có vào tiếp nữa thì đã có chủ nuôi và tìm mọi cách “chạy” để sớm được ra tù. Ra tù thì lại càng được chủ tin tưởng, trọng dụng!
Để tồn tại lâu dài trong xã hội, những kẻ cầm đầu “xã hội đen” đã dùng thủ đoạn lấy tiền để đổi lấy sự che chở, bảo kê của những cán bộ lãnh đạo biến chất, thoái hóa trong bộ máy công quyền và Công an. Chúng thường xuyên mời người có chức, có quyền đi ăn chơi ở những khách sạn, nhà hàng sang trọng, tặng biệt thự, phong bao hậu hĩnh; mời đi du lịch trong và ngoài nước, bao gái; thậm chí “trả lương” hàng tháng hoặc biếu cổ phần trong các Công ty, cổ phiếu trên thị trường chứng khoán… nhằm bảo kê cho các phi vụ làm ăn béo bở của bọn chúng.
Cha ông ta đã từng tổng kết: “Há miệng mắc quai”, những cán bộ biến chất một khi “tay đã nhúng chàm” dính vào ăn chơi, cầm tiền của bọn “xã hội đen” thì phải bảo kê, chống lưng cho chúng. Nếu không thì chính họ cũng bị bọn “xã hội đen” khống chế, đe dọa về tính mạng của mình và người thân trong gia đình, hoặc dọa tung lên mạng, gửi về cho cơ quan những bức ảnh, video quay cảnh nhận tiền, làm tình với người đẹp mà chúng chiêu đãi trong các nhà nghỉ, khách sạn. Đa phần vì sợ hãi trước sự đe dọa và lo con đường công danh, sự nghiệp bị sụp đổ nên bị bọn “xã hội đen” chi phối, bảo kê cho chúng trong làm ăn, kinh doanh bất chính. Cũng có những cán bộ không chịu được áp lực nên đã tìm đến cái chết bằng cách uống thuốc sâu, thuốc ngủ, nhẩy lầu nhảy sông, đâm đầu vào ô tô chọn cái chết thoát thân.
Vụ án Đường Dương ở Thái Bình quê tôi giống như vụ Năm Cam ở TP Hồ Chí Minh những năm 90 thế kỉ trước. Trùm “xã hội đen” Nam Cam hoạt động tàn bạo, kéo dài nhiều năm là bởi có sự bảo kê của vài tướng Công an và nhiều quan chức thời kỳ ấy. Giống như Vũ Nhôm ở Đà Nẵng phải có sự bảo kê của nhiều quan chức cấp cao mới hoạt động tung hoành được ở Đà Nẵng và TP Hồ Chí Minh. Vụ đánh bạc công nghệ cao hàng ngàn tỷ đồng nếu các tướng công an Phan Văn Vĩnh, Nguyễn Thanh Hóa không bảo kê thì sẽ chẳng xảy ra…
Xã hội đen đã và đang tấn công vào đời sống người dân, gây nên hậu quả lớn trong xã hội, làm băng hoại, tha hóa lối sống vô văn hóa của rất nhiều cán bộ lãnh đạo; đẩy người dân vô tội vào con đường bị áp bức, oan trái, nợ nần, phá sản; gây mất niềm tin của nhân dân với Đảng. Vì vậy tấn công mạnh mẽ vào xã hội đen, thậm chí mở cả dịch tấn công trấn áp tội phạm, xóa sổ các băng nhóm xã hội đen, không những là trách nhiệm của các cơ quan bảo vệ pháp luật mà còn là mệnh lệnh từ trái tim của người lương thiện và cả hệ thống chính trị để xã hội thực sự bình yên.