Kinh tế

Tận dụng cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu

M.Sang 01/02/2024 07:34

Sáng 31/1, tại Hà Nội, Bộ Công thương tổ chức Hội nghị giao ban xúc tiến thương mại với các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài theo hình thức trực tiếp kết hợp trực tuyến.

anhbaitren(3).jpg
Doanh nghiệp xuất khẩu cần nắm rõ quy định hàng hóa tại các quốc gia nhập khẩu. Ảnh: M.Hoa.

Tại Hội nghị, Thứ trưởng Bộ Công thương Nguyễn Sinh Nhật Tân lưu ý: Các cơ quan Thương vụ Việt Nam ở nước ngoài cần chia sẻ thông tin về xu hướng thị trường khu vực trên thế giới, cập nhật thông tin thị trường, cơ hội phát triển xuất khẩu để địa phương, hiệp hội, doanh nghiệp (DN) có cơ sở rà soát kế hoạch sản xuất, kinh doanh, kế hoạch xúc tiến thương mại phù hợp. Qua đó, tận dụng cơ hội mới để xuất khẩu, nhập khẩu hiệu quả, đóng góp vào sự phát triển bền vững của nền thương mại Việt Nam.

Ông Tân nhấn mạnh, mặc dù sự phục hồi trong hoạt động xuất nhập khẩu chưa mạnh, nhưng mức suy giảm đã được thu hẹp và những kết quả trong việc tận dụng cơ hội hội nhập kinh tế quốc tế, đa dạng hóa thị trường xuất nhập khẩu, tận dụng tốt các cơ hội từ các Hiệp định thương mại tự do (FTA) trong năm qua là tiền đề cho sự phát triển ngoại trương trong năm 2024 - năm bứt phá trong việc thưc hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm 2021 - 2025.

Tại hội nghị, đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Phước chia sẻ: hiện nay, DN xuất khẩu hạt điều nói riêng và sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung khi xuất khẩu sang thị trường các nước và vùng lãnh thổ thường gặp những vấn đề tranh chấp về chất lượng, số lượng hàng hoá không đảm bảo (mặc dù hàng hoá đạt chuẩn theo hợp đồng). Đối tác nước ngoài thường viện dẫn lý do này để trì hoãn thanh toán hoặc yêu cầu DN giảm giá mua vào nếu không đối tác nước ngoài không nhận hàng...

Đại diện Sở Công thương tỉnh Bình Phước kiến nghị, khi xảy ra tranh chấp với đối tác nước ngoài, DN rất cần cơ quan Thương vụ hỗ trợ xác định về chất lượng, số lượng thực tế hàng hoá đó khi vận chuyển qua đến địa điểm yêu cầu của đối tác mua hàng, để DN làm cơ sở trong thanh toán hợp đồng.

Ngoài ra, với trường hợp hàng hoá của DN xuất khẩu điều nói riêng và các sản phẩm nông sản của tỉnh nói chung xảy ra mất hàng hoặc thất lạc hàng hoá do phía đối tác mua hàng nước ngoài cố tình lừa đảo, cũng có thể do những sai sót ở ngân hàng của hai nước, hoặc thiếu sót của cơ quan quản lý cảng biển… Khi xảy ra, DN hầu như không thể liên lạc, cập nhật thông tin, không nắm bắt được cụ thể nguyên nhân, lý do. Vì vậy, khi có sự việc tương tự xảy ra rất cần sự quan tâm hỗ trợ từ Thương vụ để xác định nguyên nhân của việc thất lạc hàng hoá, để DN của tỉnh biết phối hợp thực hiện các bước tiếp theo. Hơn nữa, DN của tỉnh còn rất bị động trong tiếp cận thông tin chính xác từ đối tác mua hàng phía nước ngoài. Vì vậy việc các tham tán thương mại tham gia hỗ trợ cung cấp thông tin là rất cần thiết.

Trong khi đó, ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, chính sách mới về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6 2024. Các DN xuất khẩu thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của EU để tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. Tương tự, quy định Chống mất rừng của EU- Due Diligent trong EUDR cũng sẽ có hiệu lực trong năm2024 nên DN xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, cao su cần phải thực hiện thủ tục chứng nhận không phá rừng với hướng dẫn rất chi tiết của EU.

Theo ông Quân, dự kiến trong năm 2024, EU cũng đưa ra quy định Ecodesign trong ngành dệt may để hạn chế rác thải dệt may, hạn chế rác thực phẩm... Các quy định này đều đòi hỏi nhà sản xuất, xuất khẩu phải có sự chuẩn bị và chuyển đổi sản xuất tương ứng. EU cũng đang tăng cường Quản lý an toàn thực phẩm, giám sát thương mại nhất là các vụ việc lẩn tránh thuế từ các nước thứ 3. Đồng thời, trong tháng 1, EU cũng đã ban hành rất nhiều ngưỡng dư lượng thuốc bảo vệ thực vật, hầu hết ở mức 0.01mg/1kg, phê chuẩn chương trình kiểm soát thực phẩm có nguồn gốc động vật (Việt Nam là thủy sản, mật ong – đang xem xét trứng và sữa), và các biện pháp khẩn cấp và tạm thời kiểm soát an toàn thực phẩm tại cửa khẩu.

Để tạo cơ hội cho DN, Đại sứ quán Việt Nam tại Bỉ và Thương vụ đang xây dựng Hội nghị người Việt tại EU với mong muốn kết nối Việt Nam và EU thông qua cộng đồng người Việt Nam. Các địa phương quan tâm, cần chủ động xây dựng kế hoạch đoàn ra và liên hệ Thương vụ, Đại sứ quán để cùng chuẩn bị chương trình.

Ngoài ra, Bộ Công thương sẽ tổ chức chương trình kết nối giao thương - Outsourcing năm 2024 vào đầu tháng 6; trong đó, các Tham tán thương mại sẽ tổ chức đoàn về mua hàng. Dự kiến khu vực châu Âu cũng sẽ tổ chức hội nghị tham tán thương mại trong khuôn khổ Outsourcing và Thương vụ Bỉ sẽ phối hợp với một số hiệp hội EU, DN Luật tổ chức tập huấn thực thi quy định của EU liên quan đến các vấn đề nêu trên.

Cũng theo ông Quân, EVFTA sẽ tiếp tục là một trong những chìa khóa cho xuất khẩu Việt Nam vào EU. Tuy nhiên, DN cũng cần lưu ý tới chất lượng sản phẩm, nhất là hàng nông, thủy hải sản cũng như thực hiện tốt việc thực thi khai thác hải sản bất hợp pháp, không khai báo và không theo quy định (IUU) để đoàn thanh tra của EU vào kiểm tra trong tháng 6/2024.

Ông Trần Ngọc Quân - Tham tán Thương mại Việt Nam tại Bỉ và EU cho biết, chính sách mới về Cơ chế điều chỉnh biên giới carbon (CBAM) sẽ thực hiện khai báo theo mẫu của EU từ tháng 6 2024. Các DN xuất khẩu thép, xi măng, phân bón cần nghiên cứu quy định của EU để tính lượng CO2 thải ra trong quá trình sản xuất. Tương tự, quy định Chống mất rừng của EU - Due Diligent trong EUDR cũng sẽ có hiệu lực trong năm 2024 nên DN xuất khẩu cà phê, đồ gỗ, cao su cần phải thực hiện thủ tục chứng nhận không phá rừng với hướng dẫn rất chi tiết của EU.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng cơ hội để tăng trưởng xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO