Quá trình phục hồi kinh tế Việt Nam đã cho thấy những tín hiệu tích cực lan tỏa, các chỉ số kinh tế vĩ mô được dự báo sẽ tiếp tục phục hồi trong tháng 7/2022. Chuyên gia kinh tế, PGS.TS Nguyễn Thường Lạng cho rằng khi tận dụng được cơ hội từ các hiệp định thương mại tự do đã ký kết, kinh tế Việt Nam sẽ đạt kết quả tốt hơn trong tăng trưởng.
PV: Trong bối cảnh kinh tế quốc tế biến động, Việt Nam đã ký kết nhiều hiệp định thương mại tự do (FTA), ông có cho rằng, chính trong những lúc khó khăn thì càng phải tận dụng tối đa các cơ hội thương mại quốc tế?
Ông Nguyễn Thường Lạng: Kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam vẫn có xu hướng tăng qua các năm, cho thấy nền kinh tế của Việt Nam có độ mở rất cao và giao thương quốc tế sôi động. Việt Nam là quốc gia rất tích cực triển khai hợp tác các FTA như CPTPP, RCEP, EVFTA.
Trong bối cảnh hiện nay, Việt Nam càng cần đẩy mạnh hơn nữa việc tận dụng các FTA đa phương và song phương. Thực hiện đa dạng hoá, không chỉ xuất khẩu ở các thị trường truyền thống như châu Âu, Hoa Kỳ, các doanh nghiệp (DN) cần tìm cơ hội thâm nhập cả những thị trường châu Á, Mỹ Latin, châu Phi…, thậm chí các DN đầu đàn nên tính đến chiến lược mua tài sản, đầu tư ra nước ngoài.
Chúng ta cần tiếp tục đẩy mạnh xúc tiến xuất khẩu trên rất cả các thị trường và tất cả mặt hàng, tổ chức các hội chợ, diễn đàn để tìm thêm đối tác mới bên cạnh duy trì đối tác truyền thống. Phát huy mạnh hơn vài trò các sàn giao dịch hàng hoá, khai thác sâu vai trò các nền tảng thương mại điện tử. Tăng cường nghiên cứu và thâm nhập sâu thị trường đối tác là thành viên các hiệp định thương mại tự do, hỗ trợ doanh nghiệp tìm đối tác, đáp ứng kịp thời yêu cầu về hàng rào kỹ thuật, vệ sinh, quy tắc xuất xứ, mã số vùng trồng.
Do chuỗi cung ứng nhiều nơi trên thế giới bị ảnh hưởng do dịch bệnh, đặt ra các thách thức cũng như cơ hội cho các DN Việt Nam. Vì vậy, cần động viên, khuyến khích DN Việt đầu tư bên cạnh việc sản xuất hàng xuất khẩu, tiến tới hợp tác, tiếp nhận tốt công nghệ sản xuất cũng như mô hình quản lý nâng cao năng lực cạnh tranh.
Việt Nam đang nỗ lực kiểm soát lạm phát trong bối cảnh trên thế giới hiện nay lạm phát tăng cao. Bên cạnh đó, nhiều nước gặp khó khăn trong cung ứng lương thực và có thể tác động lớn tới tăng trưởng kinh tế. Quan điểm của ông về vấn đề này?
- Trong bối cảnh rủi ro khủng hoảng lương thực toàn cầu, Việt Nam cũng cần tính toán để có khối lượng nguồn hàng dự trữ hợp lý, nâng cao chất lượng và hệ thống phân phối, bảo quản để hoạt động thương mại quốc tế đạt hiệu quả.
Bên cạnh các đối tác truyền thống, Việt Nam cần mở rộng với các đối tác mới. Ví dụ như triển khai đàm phán ký kết các FTA với các nước Trung Đông - nơi dân số thu nhập cao. Đây là thị trường về thực phẩm, đồ uống, mỹ phẩm và dịch vụ hầu như chưa được DN Việt khai thác. Vì thế, cần có định hướng chiến lược hiệu quả hơn cho khu vực này.
Trong điều kiện lạm phát tại nhiều nước đang cao hơn Việt Nam, xu hướng thiếu hàng hoá ở nhiều nơi nên chúng ta cần kết nối với đối tác để xây dựng chuỗi cung ứng. Cần ổn định đồng tiền Việt Nam để tạo thuận lợi trong ổn định chi phí xuất khẩu của DN, ổn định và mở rộng thị trường, tăng doanh thu, tăng lợi nhuận. Các chương trình hỗ trợ tài khóa và tiền tệ của Chính phủ là hết sức cần thiết. Các DN cần tận dụng cơ hội và có chiến lược đầu tư bài bản hơn, để có các sản phẩm mới, bản sắc có tiềm năng xuất khẩu cao trong dài hạn. Nếu đầu tư thỏa đáng về vốn, kỹ thuật và thị trường, Việt Nam sẽ có thêm hàng ngàn sản phẩm đáp ứng tiêu chuẩn xuất khẩu của đối tác trong thời gian tới.
Việt Nam đã thay đổi thu hút vốn FDI đơn thuần sang hợp tác đôi bên cùng có lợi; thu hút các DN, tập đoàn lớn có công nghệ cao, công nghệ nguồn, có năng lực quản trị DN. Nhưng cũng có những ý kiến cho rằng môi trường kinh doanh Việt Nam cần phải minh bạch hơn nữa?
- Các DN khi đầu tư ở Việt Nam tính toán rất kỹ triển vọng lâu dài, chiến lược đầu tư của nhà đầu tư không chỉ là một vài năm.
Bên cạnh đó, việc khuyến khích đẩy mạnh chuyển đổi số là bước đi rất đúng đắn của Chính phủ. Đặc biệt, trong bối cảnh Chính phủ xác định rủi ro về dịch bệnh vẫn còn, thì việc thúc đẩy phát triển dịch vụ công trực tuyến, thúc đẩy chuyển đổi số, chữ ký số là rất quan trọng để không chỉ tạo môi trường hấp dẫn cho nhà đầu tư ngoại, mà ngay chính DN nội cũng thêm cơ hội phát triển. Các DN có thể cải tiến cách thức quản trị, chiến lược kinh doanh, với các mô hình kinh doanh thông minh. Đó cũng chính là cách minh bạch trong kinh doanh, sẽ có được hiệu quả bền vững.
Trân trọng cảm ơn ông!