Nhiều doanh nghiệp lớn từ Hàn Quốc tiếp tục có ý đổ vốn đầu tư vào Việt Nam. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết vào hồi đầu tháng 5 cũng tiếp tục mở rộng hơn cơ hội giao thương giữa hai nước.
Nguồn: vietnamplus.vn
Hàng loạt các tập đoàn xuyên quốc gia đã rót vốn vào Việt Nam như BigC (Pháp), Metro (Đức), Lotte (Hàn Quốc), Aone (Nhật). Đáng lưu ý hơn, họ vẫn tiếp tục giữ ý định đầu tư mở rộng tại Việt Nam. Bởi lợi thế cũng như chi phí nhân công thấp, dân số trẻ, thị trường giàu tiềm năng khi có số dân hơn 90 triệu người.
Theo số liệu của Cục Đầu tư nước ngoài, trong 6 tháng đầu năm, tổng vốn FDI đăng ký tại Việt Nam đạt gần 5,5 tỷ USD.Vốn FDI đăng ký cấp mới vẫn đạt ở mức khá cao với nhiều dự án tiềm năng đến từ Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ…
Bộ ba Hàn Quốc, Nhật Bản, Hoa Kỳ tiếp tục lựa chọn Việt Nam là điểm đến hấp dẫn. Theo thống kê, hiện nay có 4000 DN Hàn Quốc đang đầu tư tại Việt Nam. Dự kiến đến 2020 tổng số vốn mà các doanh nghiệp đến từ xứ sở Kim Chi này sẽ đầu tư tăng lên 70 tỷ đô. Hiệp định thương mại Việt Nam - Hàn Quốc (VKFTA) vừa được ký kết vào hồi đầu tháng 5, tiếp tục mở rộng hơn cơ hội giao thương giữa hai nước. Những cam kết thuế quan được cắt bỏ, tạo cửa lớn cho doanh nghiệp hoạt động trong lĩnh vực xuất nhập khẩu.
Nhiều doanh nghiệp Hàn Quốc đánh giá, tại Việt Nam giá tiền thuê đất thấp hơn so với vị trí tương đương tại Thái Lan, Myanmar, giá thuê văn phòng, nhà ở showroom… ở Việt Nam cũng thấp hơn các nước trong khu vực. Điều này tăng tính hấp dẫn cho doanh nghiệp ngoại.
Ngày 15/7, tại cuộc hội thảo “Công nghiệp hỗ trợ của Sam sung Điện tử” do Bộ Công thương phối hợp với Công ty Samsung Electronics tổ chức, ông Han Myounggsup, Tổng Giám đốc Tổ hợp Samsung Complex cho biết Samsung sẽ nghiên cứu phương án cụ thể nhằm phát triển ngành công nghiệp điện tử của Việt Nam.
Và để phát triển được ngành công nghiệp phụ trợ, theo kiến nghị của ông Han, Việt Nam cần hỗ trợ vốn và chế độ chính sách đầu tư cho doanh nghiệp; đồng thời tìm đầu ra cho sản phẩm. Ngược lại, phía các doanh nghiệp cần quyết tâm cao với tầm nhìn dài hạn để tạo ra sự hợp tác hài hòa.
Cuộc đối thoại của Sam Sung với Bộ Công Thương, và trước đó nữa, cộng đồng doanh nghiệp Hàn Quốc tại Việt Nam cũng đã có cuộc trao đổi với Bộ Kế hoạch & Đầu tư cho thấy những cơ hội vàng trong thu hút đầu tư của Việt Nam.
Tuy nhiên, các nhà đầu tư ngoại còn lo ngại các vấn đề về chi phí không chính thức, thời gian nộp thuế, các thủ tục hành chính tại Việt Nam. Chuyên gia kinh tế Lê Xuân Nghĩa cho rằng, thủ tục hành chính có vai trò quyết định trong việc cải thiện môi trường kinh doanh. Thời gian qua Việt Nam đã nỗ lực cải thiện tình hình nhưng vẫn còn đó những tồn tại.
Nhiều chuyên gia cho rằng quan trọng nhất trong việc hút dòng vốn ngoại là quảng bá hình ảnh đất nước, địa phương. Bản thân nhà đầu tư khi muốn đầu tư dự án tại đâu tìm hiểu thông tin rất kỹ. Vì vậy, cần có dữ liệu chung để nhà đầu tư có thể tìm hiểu và lựa chọn, quyết định. Hơn nữa, cần tiếp tục cải tiến công tác thẩm định dự án FDI theo hướng giảm thiểu thủ tục, hồ sơ, chỉ giữ lại nội dung cần thiết để tính toán hiệu quả kinh tế - xã hội, bảo đảm lợi ích của quốc gia, của từng địa phương, giảm thiểu thời gian thẩm định, cấp phép để tạo điều kiện cho nhà đầu tư sớm đưa dự án vào kinh doanh.