Tận dụng FTA để trợ lực cho xuất khẩu

Khanh Lê 22/08/2023 06:30

Theo Bộ Công thương, các Hiệp định thương mại tự do (FTA) thế hệ mới có tác động tích cực tới hoạt động xuất khẩu, nhập khẩu, thu hút đầu tư. 

Chế biến tôm xuất khẩu.

Đơn cử, đối với Hiệp định Đối tác toàn diện và tiến bộ xuyên Thái Bình Dương (CPTPP), trong năm 2022, kim ngạch trao đổi thương mại giữa Việt Nam và các nước CPTPP đạt 104,5 tỷ USD, tăng 14,3% so với năm 2021. Cùng đó, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 53,6 tỷ USD, tăng 17,3% so với năm 2021. Kim ngạch nhập khẩu của Việt Nam sang các nước CPTPP đạt 50,9 tỷ USD, tăng 11,3% so với năm 2021.

Xét về thị trường, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang 8/10 thành viên CPTPP đều tăng trưởng tích cực, có thị trường tăng tới 163% như Brunei. 3 thị trường mới có quan hệ FTA dù có Mexico và Peru ghi nhận mức tăng trưởng sụt giảm (Mexico giảm 0,5% và Peru giảm 5,5%) nhưng thị trường lớn nhất là Canada vẫn tăng tới gần 20,1%.

Đối với Hiệp định Thương mại tự do Việt Nam - EU (EVFTA) sau 3 năm thực thi EVFTA, Việt Nam đã xuất sang EU gần 128 tỷ USD hàng hóa.

Mặc dù đạt kết quả trên, song Bộ Công thương cho rằng việc thực thi các FTA này vẫn còn nhiều tồn tại. Hiện, tỷ lệ tận dụng ưu đãi của doanh nghiệp (DN) Việt Nam từ các FTA vẫn thấp, như CPTPP gần 5%, EVFTA gần 26% còn UKVFTA khoảng 24%. Khu vực FDI vẫn chiếm đa số khi xuất khẩu các mặt hàng có kim ngạch lớn, trong khi DN nội địa chủ yếu gia công hoặc xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm.

Nhiều DN mới tham gia được một số công đoạn của chuỗi cung ứng, khả năng đáp ứng về chất lượng, an toàn thực phẩm, kỹ thuật hàng xuất khẩu hạn chế, nhất là trong bối cảnh nhiều nước tăng rào cản kỹ thuật, hàng rào phi thuế quan. Vì thế, số DN Việt xây dựng được thương hiệu xuất khẩu sang các thị trường FTA còn hạn chế. Ngoài ra, sự kết nối giữa các DN còn lỏng lẻo, hiện tượng cạnh tranh không lành mạnh như phá giá sản phẩm vẫn xảy ra.

Tổng hợp ý kiến từ nhiều DN cũng cho thấy còn không ít lực cản khiến DN trong nước khó khăn khi tiếp cận các ưu đãi thuế quan, nói cách khác là cản trở DN hưởng lợi từ các FTA; trong đó, bao gồm cả việc tiếp cận và mở rộng các thị trường mới.

Ông Tô Ngọc Sơn - Phó Vụ trưởng Vụ thị trường châu Á - châu Phi (Bộ Công thương) cho hay, các DN hiện nay đang có nhiều cơ hội song cũng có những thách thức đan xen.

Chia sẻ thực tiễn, ông Đinh Cao Khuê - Chủ tịch HĐQT Công ty cổ phần thực phẩm xuất khẩu Đồng Giao (Doveco) khẳng định, các FTA mà Việt Nam tham gia đã mở cánh cửa cho DN tăng xuất khẩu, tận dụng lợi thế về thuế quan. Tuy nhiên hội nhập sâu rộng, tham gia nhiều FTA cũng lộ ra nhiều vấn đề còn hạn chế cần sớm khắc phục đối với các ngành hàng xuất khẩu. Đó là giảm bớt tỷ lệ hàng hóa gia công cho nước ngoài, giảm xuất khẩu nguyên liệu, bán thành phẩm; khẩn trương xây dựng nhiều thương hiệu riêng tại thị trường nước ngoài; tăng tính chủ động về nguyên liệu đầu vào của nhiều ngành sản xuất…

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tận dụng FTA để trợ lực cho xuất khẩu

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO