Số liệu thống kê cho thấy, Covid -19 đã tác động tiêu cực tới hiệu quả của Hiệp định thương mại tự do Việt Nam – EU (EVFTA) khi nhu cầu tiêu dùng giảm. Giới chuyên gia cho rằng, để tận dụng lợi thế từ EVFTA, các doanh nghiệp (DN) cần chủ động hơn trong mọi hoạt động thương mại.
EU- thị trường giàu tiềm năng
Bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho biết, từ sau khi EVFTA có hiệu lực, hoạt động xuất khẩu - nhập khẩu giữa Việt Nam và EU đã có sự tăng trưởng ấn tượng. Chỉ tính riêng năm 2021, trong bối cảnh nền kinh tế phải đối mặt với nhiều khó khăn do tác động của đại dịch Covid-19, kim ngạch xuất khẩu của Việt Nam sang EU vẫn đạt 40,06 tỷ USD, tăng 14,1% so với năm 2020; kim ngạch nhập khẩu từ EU là 16,89 tỷ USD, tăng 15,3% so với năm 2020. Cùng với đó, sau hơn 1 năm thực thi EVFTA, tỷ lệ DN nắm bắt và sử dụng ưu đãi thuế quan tăng dần từ hiệp định này.
Ông Phạm Văn Việt - Tổng Giám đốc Công ty TNHH Việt Thắng Jean cho biết, hiện DN xuất khẩu khoảng 15% hàng hóa vào châu Âu, 70% vào Mỹ và 10% vào Nhật Bản. Ảnh hưởng của EVFTA đối với ngành dệt may được chia ra cho nhiều nhóm DN. Hiệp định này thực sự mang lại thuận lợi to lớn cho những DN dệt may đã xuất khẩu hàng vào EU và giờ đây họ đã am hiểu thị trường, có vốn lớn để tung ra những sản phẩm cốt lõi, cạnh tranh với thương hiệu đến từ các quốc gia khác.
Ông Việt cũng chia sẻ, để hàng hóa xuất khẩu vào EU và tận dụng được ưu đãi thuế cao như hiệp định EVFTA đã ký kết, DN dệt may Việt Nam phải tự nâng tầm của mình hơn nữa bởi EU là thị trường khó tính, thị trường này còn chú trọng đến cả trách nhiệm xã hội của DN.
Thị trường châu Âu (EU) có quy mô hơn 500 triệu dân, tổng kim ngạch nhập khẩu dệt may vào khoảng 250 tỷ USD/năm và chiếm 34% tổng cầu dệt may thế giới. Tuy nhiên, hàng dệt may Việt Nam xuất khẩu vào thị trường EU hiện mới đạt khoảng 5,5 tỷ USD, chiếm 2,2% thị phần. Ðiều đó cho thấy, tiềm năng xuất khẩu hàng may mặc vào thị trường này còn rất lớn, đây là cơ hội để các DN dệt may đẩy mạnh xuất khẩu, mở rộng thị trường.
Nói về EVFTA, chuyên gia kinh tế Lê Đăng Doanh nhấn mạnh: Việt Nam và EU là 2 nền kinh tế bổ sung cho nhau, nên việc thực hiện EVFTA giúp cả 2 bên đều có lợi. Việt Nam có thể nhập khẩu từ EU những sản phẩm mà chúng ta không làm được. Ngược lại, EU lại có thể nhập khẩu từ Việt Nam những sản phẩm mà chúng ta có thế mạnh như tôm, hàng may mặc và các sản phẩm nông sản. Việc thực thi EVFTA không chỉ tạo lợi thế, lợi ích bổ sung cơ cấu kinh tế mà còn thúc đẩy quá trình cải cách thể chế của Việt Nam…
Khai thác các lợi thế
Theo các chuyên gia thương mại, trong bối cảnh đại dịch Covid -19 bùng phát đã ảnh hưởng tiêu cực đến toàn bộ hoạt động thương mại và đầu tư của thế giới cũng như Việt Nam, việc thực thi Hiệp định EVFTA mang lại ý nghĩa quan trọng giúp bù đắp sự suy giảm của nền kinh tế và mang đến cơ hội thị trường đa dạng hơn cho DN, tạo đà tăng trưởng hậu Covid-19.
Ngoài ra, đây cũng là cơ hội để các DN có thể tham gia chuỗi cung ứng mới thay thế cho các chuỗi cung ứng truyền thống vốn đang bị đứt đoạn hoặc đình trệ do dịch Covid-19.
Thật vậy, ảnh hưởng của Covid-19 đã tác động rất lớn tới những nền kinh tế có độ mở cao như Việt Nam. Nhiều DN đã và đang đối diện với hàng loạt khó khăn trong sản xuất, xuất khẩu, nguy cơ thiếu nguồn nguyên liệu luôn hiện hữu. Theo khẳng định của Đại biểu Quốc hội - TS Vũ Tiến Lộc, để xử lý tất cả những nguy cơ mà Covid-19 gây ra trước và sau dịch, cần rất nhiều giải pháp từ cả chính sách của Nhà nước cũng như chiến lược riêng của DN. Trong các giải pháp đó, EVFTA có thể đóng góp và là một trợ lực ý nghĩa cho DN trong các nỗ lực vượt qua dịch bệnh nếu chúng ta khai thác hiệu quả những lợi thế từ hiệp định này.
Theo TS Lộc, một Hiệp định đặc biệt có hiệu lực vào một thời điểm đặc biệt, khi kinh tế hai bên và cả thế giới đang phải vật lộn để vượt qua những khó khăn từ đại dịch thế kỷ Covid -19, EVFTA lại gánh thêm những kỳ vọng khác nữa, như là một trong những động lực và cách thức quan trọng để các DN và nền kinh tế hai bên cầm cự qua dịch bệnh cũng như lấy lại đà tăng trưởng sau đó.
Để tận dụng tốt hơn cơ hội từ EVFTA hậu Covid-19, bà Nguyễn Thị Thu Trang - Giám đốc Trung tâm WTO và Hội nhập, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) cho rằng, trước hết, cần nâng cao năng lực cho khu vực DN trong nước. Theo đó, các DN cần chủ động trong mọi hoạt động thương mại. Bên cạnh đó các cơ quan chức năng cũng cần có sự hỗ trợ phù hợp liên quan đến thông tin thị trường, xúc tiến thương mại, cải thiện môi trường kinh doanh thông qua hoàn thiện thể chế trong bối cảnh bình thường mới, cải cách thủ tục hành chính, nhất là các thủ tục liên quan đến xuất, nhập khẩu…
Những nỗ lực này sẽ giúp Việt Nam đẩy mạnh cơ cấu lại nền kinh tế theo hướng “đi tắt đón đầu”, hướng đến kinh tế số, thân thiện môi trường, chuyển đổi sang công nghệ tiêu chuẩn cao, giúp hàng hóa Việt Nam có ưu thế về chất lượng, đáp ứng các tiêu chuẩn kỹ thuật và môi trường cao như thị trường EU.
Thep ông Lương Hoàng Thái - Vụ trưởng Vụ Chính sách thương mại đa biên, Bộ Công Thương, nhờ có Hiệp định EVFTA, kim ngạch thương mại hai chiều giữa Việt Nam và EU đã tăng trưởng theo hướng bền vững hơn, cả về chất và lượng, với cả xuất, nhập khẩu đều đạt kết quả tích cực. Nông sản, dệt may, thủy sản là những ngành hàng đã tận dụng tốt các cơ hội từ Hiệp định. Ngoài cơ hội về mở rộng, đa dạng hoá thị trường, Hiệp định EVFTA cũng đem lại cho Việt Nam cơ hội để cải cách thể chế, minh bạch hoá, cải thiện môi trường đầu tư - kinh doanh và chuyển đổi cơ cấu hàng hoá hướng tới xuất khẩu các mặt hàng giá trị gia tăng cao.
Tuy nhiên, ông Thái cũng cho rằng, ngoài những tín hiệu tích cực thì cộng đồng DN cũng đối diện với nhiều thách thức khi tiếp cận, tận dụng các cam kết thuế quan của EVFTA. Vì vậy, trong dài hạn, mức thuế quan nhập khẩu đối với hàng hóa của Việt Nam vào thị trường EU sẽ ngày càng ưu đãi hơn chứ chưa thể có một “cú sốc” giảm thuế hay tăng trưởng vượt bậc về kim ngạch. Và cũng theo ông Thái, để hiểu đúng, đầy đủ, thực thi có hiệu quả quy tắc xuất xứ trong EVFTA, cộng đồng DN cần thời gian để thích nghi, chuyển đổi quá trình sản xuất đặc biệt trong vấn đề nguồn cung cấp nguyên vật liệu. Ngoài ra, lưu ý rằng, rào cản kỹ thuật đối với hàng hóa nhập khẩu từ phía EU rất chặt chẽ.
“Trong thời gian tới, Bộ Công thương sẽ tiếp tục đẩy mạnh thực hiện các chương trình đào tạo, truyền thông các nội dung về xuất xứ hàng hóa, các điều kiện tiếp cận thị trường đến các DN. Trong đó, thực hiện đa dạng hóa hình thức đào tạo ứng dụng các hình thức đào tạo trực tuyến để có thể tiếp cận đến số lượng lớn các DN hơn” – ông Thái cho hay.
Ông Phan Đức Hiếu - Uỷ viên Thường trực Uỷ ban Kinh tế của Quốc hội:
“Bàn đạp” để doanh nghiệp đưa hàng hóa ra thế giới
EU là thị trường giàu tiềm năng nhưng cũng đơn giản khi chúng ta muốn chinh phục. Tôi cho rằng về phía cơ quan quản lý nên chú trọng vấn đề cắt giảm chi phí cho DN để có thể nâng sức cạnh tranh. Hay nói cụ thể hơn là cắt giảm chi phí tuân thủ pháp luật, đây là vấn đề rất quan trọng kể cả về mặt thủ tục lẫn thời gian. Bên cạnh đó, chỉ hỗ trợ phần mềm, nâng cao nhận thức cho DN là chưa đủ, Nhà nước nên có sự hỗ trợ cả về mặt hạ tầng. Ví dụ, DN tại Cần Thơ muốn xuất khẩu nông sản cần có kho, có khu vực chiếu xạ...
Ở góc độ DN, tôi cho rằng khi hướng tới thị trường xuất khẩu, các DN có thể phát triển sản phẩm dần dần. Hiện nay, nhu cầu trong nước cũng rất cao. DN có thể thử nghiệm phát triển sản phẩm trong nước với những tiêu chuẩn tương đương với thị trường nước ngoài như EU. Đó có thể là “bàn đạp” để các DN tiến dần tới đưa hàng xuất khẩu ra thị trường nước ngoài.
Ông Trần Thanh Hải - Phó Cục trưởng Cục Xuất nhập khẩu, Bộ Công thương:
Chủ động trước những hàng rào kỹ thuật
Hiệp định thương mại tự do Việt Nam- EU (EVFTA) được đánh giá là một hiệp định thương mại toàn diện, chất lượng cao, tạo sự cân bằng về lợi ích cho cả hai phía. Hiệp định này được Chính phủ và DN Việt Nam cũng như các nước EU đặt rất nhiều kỳ vọng vào sự tăng trưởng thương mại song phương. Về phía DN, cần tận dụng ưu đãi từ các FTA. Chúng ta phải nhận thức rõ để có thể chủ động đối phó trước những hàng rào kỹ thuật các nước nhập khẩu có thể áp dụng, như thuế chống bán phá giá, chống trợ cấp… Thậm chí các nước có thể đưa ra những vụ kiện và DN phải sẵn sàng tâm thế đối mặt, tham gia giải trình.
Một điều nữa tôi cũng hết sức lưu ý đó là trong bối cảnh căng thẳng thương mại đang gia tăng, DN của chúng ta cần hiểu biết rõ để không tiếp tay cho hành vi vi phạm như hành vi gian lận xuất xứ hàng hoá.