Chúng tôi thân nhau, biết nhiều chuyện riêng của nhau trong cuộc sống thường nhờ bạn bè, cũng có khi qua lời đồn thổi đúng ít sai nhiều, nhưng nếu người kia không tự mình nói ra thì người này không bao giờ hỏi chuyện. Và đó cũng là điều làm cho tình bạn chúng tôi thêm quý, thêm thương thêm kính nhau- Nhà báo Phan Quang
Nghệ sĩ Tân Nhân.
Nghệ sĩ Tân Nhân gọi điện thoại cho tôi:
- Sáng mai anh Quang có bận việc chi không? Đến chơi với Nhân. Nhân sẽ kể cho anh nghe nhiều chuyện. Rồi mời anh Quang ở lại dùng bữa trưa với Nhân, ăn món quê hương tự tay Tân Nhân nấu. Anh còn có nhớ số nhà của Nhân?
Ngôi nhà yên tĩnh của chị ở cuối một ngõ phố rộng và thoáng thuộc quận Tân Bình, có những dây hoa hoàng anh leo trên vòm cổng sắt. Ngay sau khi mua được ngôi nhà nhờ bán căn hộ nhỏ ở Hà Nội cộng với tiền gom góp của các con, chị rất vui: “Tuổi đã cao mà được như thế này là Tân Nhân mừng lắm. Cũng chẳng còn được nhiều thời gian nữa, cố được chút nào là thư tâm chút nấy.
Hôm qua Nhân đã lập bàn thờ anh Căn.
Nhân sẽ về quê mình và quê chồng một lần nữa là hoàn toàn toại nguyện.
Có dịp anh chị nhớ ghé lại thăm Tân Nhân nhé. TN rất vui mừng đó”.
Nhận được thư, vợ chồng tôi bay luôn vào thành phố mừng nhà mới Tân Nhân, tiện thể tránh rét mấy ngày. Đúng như chị nói trong thư, “nội thất chưa có gì nhưng từ từ sẽ lo sau”, ba chúng tôi ngồi nói chuyện trên mấy chiếc ghế gỗ cạnh cái bàn kê sát cửa ra vào, phía trước có sân nhỏ, cô con gái út của chị đứng sau lưng mẹ.
Tiễn chúng tôi ra về đến cổng, Tân Nhân nói với nhà tôi: “Chị có thấy hoa này giống hệt như hoa trên tường rào nhà anh chị ngoài Hà Nội?”.
Hôm ấy đang mùa khô, hoa nở lác đác. Nhà tôi nói:
- Sang mùa mưa, hoa hoàng anh nở nhiều lắm, đẹp lắm nhưng mau tàn, dễ rụng. Làm tội mình quét sân, ngày ba bận.
Chia tay, Tân Nhân nói riêng với tôi: “Lần sau vào, anh Quang lại đến chơi với Nhân. Nhân có nhiều chuyện muốn trao đổi với anh”.
*
Tôi quen Tân Nhân từ đầu những năm 1950. Chị là cháu ruột của ông Chủ tịch kháng chiến tỉnh tôi, tham gia công tác từ hồi còn là cô nữ sinh bé bỏng, ra vùng tự do ai cũng quý. Tân Nhân chơi thân với Mộ La, Thanh Hương,... những cô gái đang lớn và rồi cũng như Tân Nhân sẽ sớm trở thành tên tuổi trong giới văn học, nghệ thuật nước nhà ít lâu sau ngày hòa bình lập lại. Chẳng hiểu cuộc đời run rủi thế nào, về Hà Nội vợ chồng Khánh Căn -Tân Nhân và vợ chồng tôi cùng gia đình một số người lớn tuổi hơn như Quang Đạm, Hà Xuân Trường, Trần Các... cùng chen chúc trong khu nhà tập thể báo Nhân Dân trong một ngõ phố Lý Thường Kiệt, quận Hoàn Kiếm, mỗi gia đình một căn phòng vuông vắn, có cả lò sưởi xây nhưng mỗi chiều phòng dài vẻn vẹn bốn mét. Đầu những năm 1960, một số chúng tôi dãn bớt về khu nhà mới phố Nam Đồng, quận Đống Đa. Ngôi nhà tập thể bốn tầng mới xây kiên cố, thoáng mát theo hình chữ U, ba mặt có vườn, mặt sau nhìn xuống cái sân rộng. Các cháu nhỏ tha hồ nô đùa, nhảy dây, tập đi xe đạp ở đấy, rồi mấy năm sau cùng nhau đi trại trẻ sơ tán tận cuối tỉnh Hà Đông giáp vùng núi Hòa Bình. Dân cư đông dần, nguồn nước máy cạn, Khánh Căn và tôi cùng bao đấng mày râu khác sáng tinh mơ xách thùng xuống sân xếp hàng chờ đến lượt lấy nước ở cái vòi công cộng, để cho các phu nhân có thể dậy muộn hơn một chút, và còn chăm lo cho các cháu nhỏ. Và rồi cũng không biết trời đất run rủi thế nào, khi về nhận việc tại Đài Tiếng nói Việt Nam, tôi là người được cấp trên ủy nhiệm tặng hoa chúc mừng và trao danh hiệu Nghệ sĩ ưu tú cho ca sĩ Tân Nhân. Bạn thân thiết với nhau từ hồi còn trẻ dại, rồi là hàng xóm của nhau suốt hai mươi năm, về già đương nhiên đọng lại biết bao tâm sự muốn giãi bày, chia sẻ với nhau.
*
... Hình như Tân Nhân đã suy nghĩ kỹ về những điều sắp trao đổi với bạn. Chúng tôi thân nhau, biết nhiều chuyện riêng của nhau trong cuộc sống thường nhờ bạn bè, cũng có khi qua lời đồn thổi đúng ít sai nhiều, nhưng nếu người kia không tự mình nói ra thì người này không bao giờ hỏi chuyện. Và đó cũng là điều làm cho tình bạn chúng tôi thêm quý, thêm thương thêm kính nhau. Sáng hôm ấy, Tân Nhân bắt đầu kể cho tôi nghe mối tình đầu của chị với nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ, cũng là bạn đồng hương của chị, của tôi.
- Anh Quang có nhớ hồi Nhân từ chiến trường Trị Thiên ra, đi học lại Trường Huỳnh Thúc Kháng tại làng Bạch Ngọc? Còn tòa báo của anh thì còn phải ngược bờ sông Lam lên xa hơn nữa, đến cái làng có bến đò to, bến chi nhỉ, ngày đêm ghé đậu nhiều thuyền buôn xuôi ngược...
- Bến Gay, tôi nhắc.
- À à, bến Gay. (Tân Nhân cười) Bến Gay nổi tiếng với chè xanh nước chát, nghe nói các anh ai cũng thích nhưng bọn Nhân không bao giờ đụng tới.
Trở lại trang nghiêm, chị kể tiếp: “Nhân và anh Thơ gắn bó với nhau là ở cái làng đẹp, mang cái tên đẹp bên bờ con sông đẹp ấy... Anh Quang hồi ấy đã biết chuyện chưa nhỉ?
Tôi nghĩ thầm: Biết chứ. Tôi còn biết nhiều thứ nữa. Có điều chưa kể cho Nhân nghe đó thôi. Chẳng hạn chuyện một người bạn thân, cùng tuổi với tôi, quen nhau những ngày ở Bình Trị Thiên khói lửa, sau này anh trở thành một giáo sư, nghệ sĩ lừng danh cả nước, anh chàng ấy say đắm Tân Nhân. Biết tôi là bạn thân của Nhân, mỗi lần từ đơn vị ngược bờ sông Lam lên tìm cơ hội may ra gặp được “đối tượng” của mình, bao giờ anh cũng tới tòa báo Cứu Quốc thăm tôi trước, nói theo cách ngày nay, “để tìm hiểu thông tin”. Nhiều lần anh nhờ tôi giúp nhắn gửi hộ đến Tân Nhân lời này việc nọ, tôi ậm ừ không ra nhận cũng không khước từ. Bởi tôi rõ, tiếc cho anh bạn tài hoa, lúc này cô gái trẻ đẹp, có giọng hát hay đã gắn bó với một chàng nhạc sĩ tài hoa mất rồi.
Tân Nhân trầm ngâm nói tiếp:
- Anh Hoàng Thi Thơ yêu Nhân từ lâu, khá lâu trước khi Nhân theo Đoàn văn công của anh Bửu Tiến, anh Đình Quang vào phục vụ vùng Trị Thiên, nhưng Nhân không để ý, Nhân chưa nghĩ tới chuyện yêu đương. Vào trong ấy, một lần bọn Nhân suýt chết vì một trận Tây càn. Chuyện này mọi người đều biết. Khi trở lại trường Huỳnh Thúc Kháng học tiếp, Nhân vô cùng xúc động nghe những ca khúc anh Thơ làm cho Nhân, làm vì Nhân. Không phải mỗi một bài “Xuân chết trong lòng tôi” đâu, anh Quang nghe! Còn nhiều bài nữa, nhạc thật hay, lời thật đẹp, có những bài không nói về tình yêu nhưng anh Thơ làm vì nhớ Nhân, vì nghĩ tới Nhân...
- Còn một lý do nữa (chị cười nửa miệng). Trước khi Nhân vào Văn công, Nhân và cả lũ con gái cùng lớp, chưa đứa nào có chi. Khi Nhân trở lại trường, hầu hết chúng nó đứa nào cũng đã có nơi có chốn. Con N., con X., con Y... con chính thức đính hôn, con thì gia đình bắt đầu tính chuyện cưới xin, đứa mô cũng có bạn. Riêng Nhân một thân một mình...
“Các cô hồi ấy còn trẻ thế!”. Dù tôi không thốt ra lời nhưng thấy tôi cười, Tân Nhân hiểu. Chị cũng cười:
- Thời ấy là như thế đấy, anh Quang à. Con gái xấp xỉ đôi mươi mà chưa có nơi có chốn, là coi như ế rồi.
Giọng chị trở lại buồn buồn:
- Rồi sau đó chuyện gì xảy ra, anh Quang đã biết. Chắc anh Quang còn nhớ...
Vâng, tôi nhớ. Như chuyện mới xảy ra năm ngoái, năm kia thôi. Nghe tin Tân Nhân vừa sinh con đầu lòng trong Hà Tĩnh, tôi từ Đô Lương kết hợp công tác vào cơ quan tỉnh ủy Hà Tĩnh tản cư tại một vùng ven chân dãy núi Hồng Lĩnh dự mấy cuộc họp, rồi chiều hôm sau một mình đạp xe từ nơi cơ quan tỉnh đóng vào huyện Cẩm Xuyên, hỏi đường đi về tiếp Nhượng Bạn một thôn trên bờ biển thăm mẹ con Tân Nhân.
Nghệ sĩ Tân Nhân qua 3 thời kỳ: Tuổi hai mươi;
Những ngày hòa bình đầu tiên; Tuổi sáu mươi.
Rồi quốc lộ 1, phải đạp xe đi một quãng đường khá xa mới tới bờ biển. Một ngôi làng nhỏ sầm uất nằm không xa mé nước. Chủ nhà, tôi có quen, là bạn của anh Ngô Đức Mậu cựu tù Lao Bảo, Bí thư Tỉnh uỷ lâm thời đầu tiên của tỉnh Thanh, nay là thủ trưởng của tôi tại báo Cứu Quốc, hình như ông cũng bạn tù với ông Trương Quang Phiên Chủ tịch tỉnh Quảng Trị, cậu ruột Tân Nhân. Hình như ông xuất thân cũng làm một hương sư giống như anh Mậu. Những chuyện trên tôi không tận tường. Các vị thuộc lớp tuổi cha chú chúng tôi, dù trong giao tiếp hằng ngày các vị cứ anh anh, tôi tôi như ngang vai cùng lứa. Thầy giáo ấy thi thoảng ghé tòa soạn báo tôi, thăm anh Ngô Đức Mậu. Thầy khá nổi tiếng với những bài hát ví dặm từng được in trên tạp chí của Chi hội Văn nghệ Liên khu. Tôi có lần ngỏ ý nhờ ông làm cho đôi bài hát dặm chủ đề thời sự nhưng phải ngắn, thật ngắn, cho phù hợp khuôn khổ báo xuất bản hằng ngày. Thầy có người con trai sau này là bác sĩ, giỏi tiếng Pháp, ra công tác nước ngoài, anh làm thơ bằng Pháp ngữ hiện đại khá hay, được một nhà xuất bản có tiếng ở Paris phát hành một tập thơ in rất đẹp. Tôi nghe mang máng anh chàng giỏi tiếng Tấy ấy hồi học trung học hình như cũng say mê cô nữ sinh - cán bộ có giọng hát tuyệt vời.
Ngày nay, chuyện một cô gái sinh con đầu lòng khi chưa chính thức kết hôn, thậm chí đứa trẻ sinh ra rồi sẽ không biết ai là bố của mình, gần như là “chuyện thường ngày ở huyện”, nhưng sáu, bảy mươi năm về trước, đó là câu chuyện tày trời, nhất là đối với một người con gái đang tuổi nữ sinh, thuộc dòng dõi gia đình cách mạng, lại xảy ra tại một vùng rất coi trọng tập tục cổ truyền là Nghệ Tĩnh. Gia đình thầy giáo ví dặm mở rộng lòng nhân hậu, đưa cô gái có bầu về nhà mình tại một vùng quê yên bình cách xa Sông Lam cả trăm cây số, một vùng quê nổi tiếng từ xưa với điệu “Hò chèo cạn”, để cô gái vượt cạn một mình. Vợ chồng thầy giáo rào trước đón sau với với bà con xóm giềng: Con nớ chồng đang chiến đấu trong Nam, gia đình mắc kẹt tại vùng tạm chiếm, chúng tôi coi hắn như con, cho về đây ở tạm vài ba tháng sinh nở, khi hết hạn nghỉ phép, mẹ tròn con vuông rồi, sẽ trả về cho đơn vị...
Nhà thầy giáo không nghèo như tôi tưởng. Giữa khu vườn xanh mượt chuối, mít, cam sừng sững có một ngôi nhà gỗ đẹp cổ kính, mái ngói, vách ván, nơi đặt bàn thờ tiên tổ và tiếp khách quý. Ông tiếp tôi trong ngôi nhà cổ ấy. Theo phong tục xưa, đàn bà ở cữ (kể cả bà chủ nhà) con chưa đầy tháng tuyệt đối không được phép đặt chân lên nhà thờ.
Ông mời tôi uống vội chén nước rồi gọi người dẫn xuống nhà bếp thăm mẹ con Tân Nhân. Chị ôm con trai vào lòng chuyện trò với bạn. Tôi còn nhớ cảm giác mừng khi thấy chị khoẻ mạnh, hồng hào, vui tươi, người béo ra y như mọi bà có trẻ nằm nôi, chứ không gầy yếu, xanh xao vì suy tư, mặc cảm trong cô đơn như mình mường tượng. “Gia đình thầy thương Nhân lắm”, chị kể. Vùng này sẵn tôm cá biển đã đành, đến ngày phiên chợ, bà giáo sai người ra mua mấy cái móng giò heo về hầm với gạo và đậu xanh cho Nhân ăn để có nhiều sữa cho cháu...
Cuộc gặp rất ngắn. Chiều đã muộn, mà con đường từ Cửa Nhượng trở lại quốc lộ 1 thời ấy sao mà vắng vẻ, hắt hiu đến thế, tôi phải về cơ quan huyện uỷ nghỉ nhờ đêm nay, để sáng mai tiếp tục đi công tác.
*
Thấy tôi lặng im, Tân Nhân như chợt nhớ ra: “Anh Quang uống nước, chờ Nhân một chút nghe”, rồi chạy luôn vào gian bếp. Mải tâm tình, chị suýt quên bữa cơm mời bạn. Xúc vội chén gạo cho vào nồi, cắm điện, rồi bật bình ga bếp xào xẹt “tự tay Nhân làm món quê hương” đãi khách.
Còn lại một mình, tôi lại trầm ngâm nhớ sang chuyện khác, hơn hai năm sau, tại thủ đô Hà Nội. Nghe giọng nhạc sĩ Nguyễn Văn Thương gọi điện thoại bảo đến ngay, đến ngay, tôi đạp xe tới khu nhà khách phố Quán Sứ. Thì ra Thương được trên giao nhiệm vụ xây dựng Đoàn ca múa nhân dân Trung ương. Anh khoe mình vừa vào Khu bốn “hốt” được mớ khá lắm, toàn là tài năng: Châu Loan, Tân Nhân, Ngọc Dậu, Trọng Bằng... Chúng nó lần lượt ra đây đủ mặt cả rồi. Một phần nòng cốt của Đoàn tương lai đấy nhá... Nghe Nguyễn Văn Thương ới ới gọi, Tân Nhân từ phòng bên chạy sang ôm chặt người tôi, miệng cười rất tươi mà nước mắt chảy ròng ròng, không thốt được một lời.
*
Chị chủ nhà bưng cái khay bày “mấy món quê hương” ra phòng khách. Thật ra Tân Nhân chỉ nấu mỗi món canh mướp đắng và tráng hai quả trứng gà, còn vài thứ khác đã chuẩn bị từ trước: đĩa thịt heo ba chỉ thái mỏng như giấy xếp thành những vòng tròn đồng tâm sin sít vào nhau, bên trên điểm mấy đọt rau mùi, một chén mắm tôm chua màu da cam, một đĩa dưa giá muối xổi trắng tinh, điểm những sợi chỉ cà rốt đỏ và dưa chuột xanh, trông thật bắt mắt. Bữa cơm chung đầu tiên và cuối cùng của hai người trong suốt cuộc đời dài thắm tình bạn giữa Nhân và tôi.
Chị kể tiếp chuyện nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ nhiều lần săn đón cách nào để mong liên hệ được với Tân Nhân, mỗi lần có tin Đoàn Ca múa nước ta ra biểu diễn ở nước ngoài, đặc biệt chuyến sang công diễn tại thủ đô Pnôm Pênh. Nhưng Nhân bị Đoàn ta “canh” chặt lắm, và thâm tâm Nhân chưa muốn gặp lại anh Thơ trong hoàn cảnh ấy. Chuyện lần đầu (và hình như là lần duy nhất) chị và người chồng cũ tái ngộ sau mấy chục năm, khi anh từ nước ngoài về TP. Hồ Chí Minh. Tân Nhân kể tiếp câu chuyện, vẫn lớp lang, chi tiết như đã nghĩ kỹ trong đầu. Tôi nghe chị dốc bầu tâm sự với cảm giác mơ hồ chị sắp viết thành hồi ký đây. Chuyện bọn bạn gái ở thành phố giúp Tân Nhân áo xống, trang điểm như thế này cho chị đến gặp người tình xưa -“hồi ấy Nhân nghèo lắm, anh à”. Chuyện nội dung trao đổi giữa hai người sau bao năm xa cách. Chuyện lần đầu nhạc sĩ Hoàng Thi Thơ gặp mặt con trai và trò chuyện với con... Sau này, có dịp đọc tập hồi ký của Tân Nhân, tôi ngạc nhiên thấy cả bấy nhiêu bầu tâm sự chị dốc ra với bạn lâu năm suốt cả một buổi sáng, rút lại còn chưa đầy nửa trang sách.
Thấy Tân Nhân càng ôn chuyện cũ chị càng buồn, tôi chủ động chuyển sang việc khác:
- Tôi là khán, thính giả đầu tiên nghe Nhân hát “Xa khơi” đó nghe.
- Anh Quang vẫn còn nhớ?
Tôi còn nhớ. Khoảng cuối những năm 1950, chị sống trong khu tập thể Đoàn ca múa nhân dân Trung ương, mỗi lần từ Cầu Giấy vào nội thành bằng tàu điện, đến trạm cuối tại Bờ Hồ, chị xuống tàu là tạt vào luôn tòa soạn báo Nhân Dân bắt tôi chở chị đi bằng xe đạp, nhiều lần đi gặp bạn Khánh Căn - mà không có nhiệt tình thôi thúc của nhà thơ Tố Hữu, lễ thành đôi lứa chắc muộn hơn.
Một lần, gần đến bữa trưa, tôi cầm cái đĩa đứng ở hành lang trước khu bếp tập thể trong khuôn viên mấy ngôi nhà số 71 phố Hàng Trống, chờ chị cấp dưỡng xới cho suất cơm, ca sĩ Tân Nhân xuất hiện. Đầu tóc chải chuốt, áo dài màu lụa Làng Vân, quần lụa trắng tinh, tươi cười xinh đẹp: “Anh Quang cho Nhân đi...”. Tôi kiên quyết: Đợi đấy, mình ăn cơm đã. Tới giờ rồi.
Không hiểu sao chão cơm hôm ấy trục trặc, chín muộn hơn ngày thường. Tôi vẫn chờ, cái đĩa trên tay. Tân Nhân bỗng nói: “Nhân đang tập bài này. Hay lắm. Anh Quang nghe đây...”
Và thế là Tân Nhân hát, lúc đầu khe khẽ, về sau hứng chí giọng to dần, cao vút: Nắng tỏa... chiều nay... chiều tỏa nắng đôi bờ... Cứ thế. Anh em cùng chờ cơm lúc đầu quay lại nhìn, rồi cùng lắng nghe cho đến Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...
*
Sáng sớm, chị bạn cùng quê nay sống cùng tổ dân cư, gõ cửa nhà tôi báo:
- Tân Nhân mất rồi. Mất hôm qua.
- Có thật không? Chị nghe tin ai báo?
Tôi hơi ngỡ ngàng. Lần cuối vợ chồng tôi vào thành phố, đến thăm Tân Nhân, chị kêu mệt, dạo này yếu. Người có gầy đi, tấm áo mặc trên mình có rộng hơn trước, nhưng khuôn mặt vẫn bầu bĩnh, nhất là đôi mắt, đôi mắt Tân Nhân dường như không đổi thay vì tuổi tác.
- Chiều hôm qua tôi đến chơi nhà con B. - bà bạn tôi nói tiếp (các bà tuổi đều trên dưới tám mươi cả mà hễ nhắc đến bạn là cứ con này con nọ). Cháu Như gọi ra báo tin. Con B. và tôi cứ hỏi đi hỏi lại, có thật không, có đúng không? Cháu khóc, mẹ cháu mất thật rồi, các dì ạ.
Nghệ sĩ Tân Nhân thực tế ra đi đã hơn hai tháng trước, vào một sáng đầu xuân, chị đột quỵ khi đang quét gom những đóa hoa hoàng anh từ trên cổng nhà rụng xuống, những đóa hoa vàng mềm mại, nở dày mà nhạy cảm, có thể lìa cành chỉ vì một làn gió nhẹ thoáng qua, như cuộc đời người nghệ sĩ tài sắc vẹn toàn, tâm hồn tinh tế, tình nghĩa thủy chung.
Tân Nhân đi rồi, đi xa hẳn rồi. Xa khơi… Nhớ thương cách vời ơi biển chiều nay...
Tân Nhân, Phan Quang (Hoàng Tùng), Nguyễn Thị Bảo, 1952, Nghệ An. Trích đoạn thư nhà báo Phan Quang gửi cho Riêng chuyện đi thăm mẹ cháu ở cữ, chú có ghi bên lề sổ tay công tác (ghi cuộc họp với TU Hà Tĩnh). Chỉ ghi ngày đi thăm, còn ngày cháu sinh thì không biết. Mẹ cháu ở nhà một thầy giáo, bạn thân của bác Ngô Đức Mậu. Thầy làm vè hát dặm rất hay, đã có bài đăng báo Cứu Quốc Lk 4, đăng ít thôi, vì các bài hát dặm thường dài, vượt quá khuôn khổ báo. Bác thương mẹ cháu, cho mẹ cháu về ở nhờ để sinh cháu. Ngày nay, chuyện phụ nữ sinh con không có bố là chuyện bình thường, nhưng hơn 60 năm về trước, trong hoàn cảnh kháng chiến, lại ở một vùng rất trọng tập tục cổ truyền là Nghệ Tĩnh, là chuyện tày trời, nhất là đối với nữ cán bộ. Đưa mẹ cháu về một chốn hẻo lánh trên bờ biển (nay là resort đấy!), đối với xóm giềng, coi như con đỡ đầu, chồng nó đi bộ đội trong Nam, gia đình nó đều ở lại vùng tạm chiếm... Nhà chính của thầy có ngôi nhà rường rất đẹp, cũng là nơi thờ tiên tổ, rất trang nghiêm. Theo phong tục ta xưa, đàn bà ở cữ con chưa đầy tháng không được phép đặt chân lên nhà thờ, kể cả bà chủ nhà. Vì vậy thầy tiếp chú trong ngôi nhà chính ấy, rồi bảo người đưa chú xuống nhà bếp thăm mẹ cháu. Mẹ cháu ôm cháu vào lòng khi chuyện trò với chú. Chú còn nhớ cảm giác rất mừng thấy mẹ cháu hồng hào, vui tươi, và béo hẳn ra (như mọi bà thời nuôi trẻ sơ sinh) chứ không gầy yếu do quá suy nghĩ, cô đơn như chú vẫn lo. Cuộc gặp rất ngắn, vì đường xa, vắng vẻ, chú phải về cơ quan huyện ủy nghỉ lại qua đêm để sáng hôm sau tiếp tục đi công tác. Còn chuyện khai sinh, đẻ một nơi, khai một nơi, tiện đâu khai đó, là bình thường, nhất là đối với con cán bộ, di chuyển luôn. Làm giấy khai sinh để con được "ăn theo" bố mẹ và để có hồ sơ nhập học là chính. Khoảng cuối năm 1954, tại Hà Nội, bác Nguyễn Văn Thương gọi điện cho chú bảo đến ngay, đến ngay. Thì ra Thương được giao xây dựng Đoàn Ca múa nhân dân Trung ương, Thương khoe với chú vừa vào Khu bốn "hốt" được một mớ khá lắm, gồm Châu Loan, Tân Nhân, Ngọc Giàu, Trọng Bằng... Nòng cốt của Đoàn đây. Chú đến nơi, nghe Thương gọi, mẹ cháu ở phòng bên chạy sang ôm chặt lấy chú, miệng cười rất tươi mà nước mắt chảy ròng ròng, không nói được một lời nào... |