Ngày 16/9, Quốc hội Nhật Bản đã chính thức bầu ông Yoshihide Suga làm Thủ tướng thứ 99 ở nước này. Trước đó, ngày 14/9, ông đã giành thắng lợi trước hai ứng cử viên khác trong cuộc đua vào chiếc ghế Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do (LDP) cầm quyền.
1. Thủ tướng Suga cũng đã công bố thành phần Nội các mới, trong đó ông giữ lại 8 vị trí trong Nội các của người tiền nhiệm Abe Shinzo, điều chuyển 2 vị trí và bổ nhiệm mới các vị trí còn lại.
Các vị trí được giữ nguyên gồm: Phó Thủ tướng, Bộ trưởng Tài chính Taro Aso; Bộ trưởng Ngoại giao Toshimitsu Motegi; Bộ trưởng Kinh tế, Thương mại và Công nghiệp Hiroshi Kajiyama; Bộ trưởng Đất đai, Hạ tầng, Giao thông và Du lịch Kazuyoshi Akaba; Bộ trưởng Tái thiết Kinh tế Yasutoshi Nishimura; Bộ trưởng Olympic và Paralympic Seiko Hashimoto; Bộ trưởng Môi trường Shinjiro Koizumi; Bộ trưởng Văn hóa, Giáo dục và Khoa học Hagiuda Koichi.
2 vị trí được điều chuyển gồm Bộ trưởng Quốc phòng Taro Kono làm Bộ trưởng phụ trách cải cách hành chính và Bộ trưởng Y tế, Lao động và Phúc lợi Katsunobu Kato làm Chánh Văn phòng Nội các.
Ông Suga cũng bổ nhiệm ông Nobuo Kishi, em trai của Thủ tướng Abe Shinzo và đã từng giữ chức Thứ trưởng Ngoại giao, làm Bộ trưởng Quốc phòng thay cho ông Taro Kono.
Theo giới quan sát, ông Suga nhậm chức trong bối cảnh Nhật Bản đang phải đối mặt với vô vàn khó khăn chưa từng có kể từ sau Chiến tranh thế giới thứ hai.
Người ta cho rằng, tân Thủ tướng Suga không có nhiều thời gian để nếm trải hương vị chiến thắng bởi một “núi” thách thức đang chờ phía trước. Trước tiên là dịch Covid-19. Sau khi lắng dịu vào cuối tháng 5, dịch bệnh đã tái bùng phát trở lại ở nước này từ cuối tháng 6, với điểm xuất phát là thủ đô Tokyo và sau đó lan rộng ra nhiều tỉnh, thành lớn khác, trong đó có Osaka và Fukuoka. Đỉnh điểm của dịch là vào giữa tháng 8, với số ca nhiễm mới có thời điểm lên tới trên 1.600 người/ngày. Tuy dịch đã tạm lắng xuống nhưng nó vẫn là một thách thức không hề nhỏ đối với chính quyền của tân Thủ tướng Suga.
2. Thách thức cũng rất lớn khác đó chính là phục hồi nền kinh tế đang lún sâu vào suy thoái.
Do tác động của dịch Covid-19, việc tăng thuế tiêu dùng và cuộc chiến thương mại Mỹ - Trung, nền kinh tế Nhật Bản đã rơi vào suy thoái từ cuối năm 2019. Trong quý 2/2020, GDP thực tế của nước này giảm 28,1% so với cùng kỳ năm ngoái. Đây là quý có mức sụt giảm mạnh nhất trong vòng 40 năm qua. 2 trụ cột tăng trưởng quan trọng nhất của kinh tế Nhật Bản, gồm tiêu dùng cá nhân và xuất khẩu, đều giảm mạnh, tương ứng là 7,9% và 18,5%.
Là người kế tục sự nghiệp của Thủ tướng tiền nhiệm Abe, tân Thủ tướng Suga sẽ phải giải quyết một loạt các vấn đề hóc búa khác như già hóa dân số, củng cố hệ thống an sinh xã hội, thúc đẩy tăng trưởng trong trung và dài hạn, và cải thiện cán cân thu - chi ngân sách để giảm tỷ lệ nợ công/GDP - những vấn đề mà cựu Thủ tướng Shinzo Abe chưa thể giải quyết trong gần 8 năm tại nhiệm.
Về ngoại giao, trong chiến dịch tranh cử vừa qua, ông Suga tuyên bố sẽ “xây dựng các chính sách đối ngoại và an ninh dựa trên cơ sở mối quan hệ đồng minh Nhật - Mỹ” và xây dựng “quan hệ ổn định với Trung Quốc và các nước láng giềng”. Đây đều là những nhiệm vụ không hề dễ dàng trong bối cảnh quốc tế hiện nay.
Ông Suga cũng sẽ phải đàm phán với Washington về chi phí đồn trú của các binh sỹ Mỹ ở Nhật Bản. Theo tiết lộ của cựu Cố vấn An ninh quốc gia Mỹ John Bolton, năm ngoái, ông đã thay mặt Tổng thống Trump yêu cầu Nhật Bản trả 8 tỷ USD/năm tiền hỗ trợ kinh phí đồn trú của quân đội Mỹ ở quốc gia Đông Bắc Á, cao gấp 4 lần so với số tiền mà Tokyo đang chi trả.
Cải thiện quan hệ với Hàn Quốc vốn căng thẳng do các vấn đề lịch sử và tranh chấp lãnh thổ; giải quyết vấn đề Triều Tiên bắt cóc công dân Nhật Bản trong các năm 1970 và 1980 cũng là những vấn đề hóc búa không thể giải quyết trong ngày một, ngày hai.
Tuy nhiên, giới quan sát chính trị vẫn cho rằng, với kinh nghiệm chính trường phong phú cùng những phẩm chất cá nhân được hun đúc đã trở nên hoàn hảo, ông Suga sẽ đẫn dắt Nhật Bản tiến về phía trước, cho dù phải trải qua rất nhiều thách thức.
3. Việc ông Suga trở thành Thủ tướng Nhật Bản đã nhận được nhiều đồng thuận quốc tế, nhất là với những quốc gia “liên quan trực tiếp”. Ngày sau khi ông Suga trở thành người đứng đầu LDP, Người phát ngôn Bộ Ngoại giao Trung Quốc đã lên tiếng chúc mừng: “Chúng tôi chúc mừng ông Suga là Chủ tịch đảng Dân chủ Tự do. Trung Quốc sẵn sàng hợp tác với lãnh đạo Đảng và Chính phủ mới tại Nhật Bản, trên nguyên tắc và tinh thần đã nêu trong bốn văn kiện chính trị giữa Trung Quốc và Nhật Bản, tăng cường hợp tác trong cuộc chiến chống lại đại dịch và trong phát triển kinh tế và xã hội, cũng như thúc đẩy, cải thiện và phát triển hơn nữa quan hệ song phương”.
Truyền thông Hàn Quốc cũng ngay lập tức đưa tin Chủ tịch đảng Dân chủ đồng hành Lee Nak-yon (Hàn Quốc) trong cuộc họp Ủy ban tối cao đảng ngày 16/9 đã bày tỏ chúc mừng việc ông Suga Yoshihide trở thành tân Thủ tướng Nhật Bản, hy vọng Nội các mới ra mắt của Tokyo sẽ góp phần cải thiện quan hệ Hàn - Nhật. Ông Lee cho biết vào tháng 10 năm ngoái, ông từng có cuộc gặp kín với Thủ tướng Suga, khi đó còn là Chánh Văn phòng Nội các. Hai bên nhất trí nỗ lực để cải thiện quan hệ Hàn - Nhật. Chủ tịch đảng cầm quyền bày tỏ hy vọng được gặp lại tân Thủ tướng Nhật Bản vào một thời điểm thích hợp.
Ông Yoshihide Suga sinh ngày 6/12/1948, tại một ngôi làng của tỉnh Akita, có cha là Wasaburo làm nghề trồng dâu tây và mẹ là giáo viên. Ông học hết trung học tại làng quê, sau đó lên Tokyo tìm việc và học đại học, làm việc tại một công ty bảo trì điện; là thư ký của một thành viên Quốc hội. Năm1987,ông tranh cử thành công vào hội đồng thành phố Yokohama. Ông đã giành được ghế ở Quốc hội vào tuổi 47. Ông nhận vị trí Nội các đầu tiên của mình trong thời gian cầm quyền đầu tiên của ông Abe từ năm 2006 đến năm 2007. Với tư cách là Bộ trưởng Nội vụ, ông Suga đã giới thiệu chương trình “thuế quê hương” nhằm khấu trừ thuế cho các khoản đóng góp cho chính quyền địa phương ở nông thôn.
Ông Suga nổi tiếng là “người nghiện việc”. Thức dậy lúc 5h sáng, dành 1 giờ để kiểm tra tin tức bao gồm tất cả các tờ báo lớn và đài truyền hình, đi bộ 40 phút và gập bụng 100 lần, ăn sáng và sau đó ông tới Văn phòng Thủ tướng làm việc, vào lúc 9h sáng. Trong ngày, ông tổ chức họp báo 2 lần với tư cách là người phát ngôn hàng đầu của Chính phủ và dự hơn 20 cuộc họp. 6h45’ phút chiều, sau khi rời Văn phòng Thủ tướng, ông gặp gỡ ăn tối với các chính trị gia khác cũng như các học giả để trao đổi quan điểm về chính sách. Ông thường tổ chức hai hoặc ba cuộc họp như vậy mỗi đêm.
Ông Suga là người luôn yêu cầu cao đối với các quan chức làm việc dưới quyền. Ông đã sử dụng quyền hạn của Cục Nhân sự Nội các để loại bỏ những người làm việc kém. Ông từng nói, “mọi người nghĩ tôi đáng sợ nhưng tôi rất tốt với những người làm đúng công việc của họ”.
* Việt Nam chúc mừng tân Thủ tướng Nhật Bản: Ngày 16/9, trả lời câu hỏi của phóng viên liên quan đến việc Nhật Bản có Thủ tướng mới, Người Phát Ngôn Bộ Ngoại giao Lê Thị Thu Hằng cho biết: “Việt Nam chúc mừng Ngài Suga Yoshihide được bầu làm Thủ tướng mới của Nhật Bản.Việt Nam luôn coi trọng quan hệ hợp tác hữu nghị với Nhật Bản và mong muốn hợp tác chặt chẽ với ngài Thủ tướng và Chính phủ mới của Nhật Bản để đưa quan hệ Đối tác chiến lược sâu rộng Việt Nam - Nhật Bản phát triển lên tầm cao mới, ngày càng toàn diện, thực chất, hiệu quả, vì lợi ích của nhân dân hai nước, vì hòa bình, ổn định, hợp tác và phát triển của khu vực và trên thế giới.
Nhân dịp ngài Suga Yoshihide được bầu làm Chủ tịch Đảng Dân chủ tự do Nhật Bản và Thủ tướng Nhật Bản, Tổng Bí thư, Chủ tịch nước Nguyễn Phú Trọng và Thủ tướng Chính phủ Nguyễn Xuân Phúc đã gửi điện mừng”. (M.Loan)