Ông Antonio Guterres, cựu Thủ tướng của Bồ Đào Nha, người đã dành suốt 10 năm qua phục vụ tại Cơ quan người tị nạn LHQ, đã chính thức tuyên thệ để nhậm chức Tổng thư ký của LHQ trong hôm đầu tuần.
Ông Antonio Guterres trong buổi lễ tuyên thệ tổ chức hôm đầu tuần tại trụ sở LHQ, New York, Mỹ. (Nguồn: Reuters).
Ông Guterres, 67 tuổi, từng ở vị trí Thủ tướng Bồ Đào Nha trong khoảng thời gian 1995-2002, và sau đó trở thành Cao ủy LHQ về vấn đề người tị nạn trong khoảng từ tháng 6-2005 đến tháng 12/2015. Mới đây, hồi tháng 10 vừa qua, ông đã chính thức được nêu tên để trở thành người kế vị Tổng thư ký LHQ Ban Ki-moon, và sẽ bắt đầu vai trò mới vào ngày 1/1/2017.
Buổi lễ tuyên thệ được tổ chức hôm đầu tuần tại trụ sở của LHQ, thành phố New York (Mỹ), sau khi những người có mặt tại đây tri ân những đóng góp của ông Ban Ki-moon. Sau khi tuyên thệ, ông Guterres đã nói về các mục tiêu của mình khi nhận nhiệm vụ mới, nói rằng viễn cảnh tích cực sau Chiến tranh Lạnh đã bị thay thế bởi các cuộc chiến mới.
“LHQ được sinh ra từ chiến tranh. Ngày nay chúng ta cần phải ở đây vì hòa bình” - ông Guterres nói.
Trong bài phát biểu trước đại diện đến từ 193 quốc gia thành viên, ông Guterres nói rằng LHQ cần phải nỗ lực nhằm đơn giản hóa, tập trung hóa và giúp cho cơ chế của tổ chức linh hoạt hơn.
“Nếu như phải mất tới 9 tháng để triển khai một đội ngũ, sẽ chẳng có lợi cho ai cả” - ông Guterres nói - “LHQ cần phải lanh lẹ hơn, có năng lực và hiệu quả hơn. Tổ chức này cần phải tập trung hơn vào hành động và bớt quy trình đi, tập trung vào con người nhiều hơn”.
Ông Guterres cũng nói rằng ông sẽ gửi đi một tín hiệu rõ ràng rằng bình đẳng giới “từ trên xuống dưới” trong tổ chức sẽ là một trong những ưu tiên hàng đầu của ông.
Giới ngoại giao cho hay ông Guterres dự kiến sẽ chỉ định Bộ trưởng Môi trường Nigeria Amina Mohammed giữ vị trí cấp phó của mình. Ông cũng lên kế hoạch chỉ định một phụ nữ làm trưởng văn phòng của mình trước khi năm 2016 kết thúc. Một trong số các cam kết ông đưa ra còn nêu rằng bản thân ông sẽ thúc đẩy hòa bình.
“Từ các cuộc khủng hoảng ở Syria, Yemen, Nam Sudan, và nhiều nơi khác, cho tới các tranh chấp kéo dài như xung đột Israel/Palestine, chúng ta cần phải suy ngẫm, phân xử cũng như có kiểu ngoại giao sáng tạo” - ông Guterres nói - “Cá nhân tôi sẵn sàng tham gia giải quyết các cuộc xung đột”.
Tiến trình lựa chọn mới
Ông Guterres được lựa chọn để thành người kế nhiệm ông Ban Ki-moon thông qua một quy trình mới, trong đó lần đầu tiên LHQ tổ chức cuộc tranh luận được truyền hình trực tiếp giữa 12 ứng viên. Tiến trình bầu cử này được thay đổi nhằm tăng sự minh bạch và cho phép công chúng thảo luận về quá tình lựa chọn Tổng thư ký.
Ông Ban Ki-moon, người sẽ chính thức rời khỏi vị trí Tổng thư ký LHQ vào ngày 31/12, đã ngợi khen người sẽ thay thế ông.
“Tổng thư ký đắc cử Guterres vốn không còn gì xa lạ đối với tất cả chúng ta. Nhưng ông nổi tiếng nhất có lẽ là vì những gì ông đã làm: Trên tiền tuyến của các cuộc xung đột vũ trang hay các nhiệm vụ hỗ trợ nhân đạo” - ông Ban nhắc lại khoảng thời gian ông Guterres còn làm việc tại cơ quan tị nạn LHQ.
Khi còn làm việc tại cơ quan về người tị nạn của LHQ, ông Guterres đã giúp cơ quan này hoạt động hiệu quả hơn với cơ chế cấp vốn dựa trên nhu cầu, trong bối cảnh có rất nhiều người trên thế giới mất nhà cửa vì xung đột, đặc biệt là ở Syria, Iraq, Nam Suddan, Cộng hòa Trung Phi và Yemen. Ông từng nói rằng thế giới đã phản ứng quá chậm đối với cuộc khủng hoảng di cư và chỉ chú ý đến nó khi người tị nạn bắt đầu tràn tới châu Âu.
Người tận tụy trong phục vụ cộng đồng
Trước khi gia nhập LHQ, ông Guterres đã có hơn 30 phục vụ cộng đồng tại Bồ Đào Nha. Trong những năm 1970, ông từ bỏ công việc Giáo sư Vật lý của mình để tham gia cuộc cách mạng và sau đó đóng góp trong việc thành lập ra đảng Xã hội ở nước này. Kể về thời kỳ đó, ông Guterres từng nói rằng ông đã đưa ra quyết định trên sau khi tham gia làm tình nguyện tại các khu ổ chuột ở Lisbon và chứng kiến nhiều vấn đề xã hội trong những năm cuối của nhà độc tài Antonio Salazar.
Ông Guterres lần đầu tham gia tranh cử vào năm 1976 và từng được bổ nhiệm vị trí đứng đầu nhiều Ủy ban khác nhau, và đến năm 1995 thì được bầu làm lãnh đạo đảng Xã hội.
Suốt 10 năm ở vị trí Cao ủy về vấn đề người tị nạn là “một trải nghiệm đáng nhớ nhất mà các bạn có thể tưởng tượng ra”, ông Guterres nói. “Đó là công việc thú vị nhất mà các bạn có teher có, đòi hỏi rất cao… và tôi đã có thêm được rất nhiều kinh nghiệm trong việc đối phó với tất cả các cuộc khủng hoảng”.
Sau khi nhiệm kỳ của ông ở cơ quan về người tị nạn kết thúc, ông Guterres nói rằng ông vẫn cảm thấy bản thân phải có trách nhiệm làm điều gì đó, “đặc biệt đối với những con người tị nạn đang phải hứng chịu nỗi thống khổ trong khi không hề có một giải pháp nào cho bản thân”.
Ông Guterres đang có một gia đình hạnh phúc cùng 2 người con. Ông có khả năng nói trôi chảy nhiều ngôn ngữ như tiếng Bồ Đào Nha, tiếng Anh, tiếng Pháp và tiếng Tây Ban Nha.