Họa sĩ Lê Thiết Cương là người đa tài. Ngoài vẽ, ông còn viết. Ông viết chân dung bạn bè văn nghệ, viết về mỹ thuật, và viết về những không gian sống, những vùng đất ông đã đi qua…
Mới đây, họa sĩ Lê Thiết Cương hoàn thành tập tản văn “Nhà & Người” dày gần 340 trang, tập hợp khoảng 60 bài viết trong hơn hai chục năm qua.
Như tên gọi cuốn sách, qua chuyện nhà cửa, họa sĩ Lê Thiết Cương muốn nói đến chuyện người, chuyện gia cảnh, mỗi gia mỗi cảnh, qua nhà thấy người qua người thấy nhà.
Một phần nữa là chuyện đất, những vùng đất mà họa sĩ Lê Thiết Cương đã đi qua, Sài Gòn, Hải Phòng, Đà Lạt, Sa Pa và Hà Nội nơi sinh ra ông, một vài làng cổ ở Bắc Bộ, một ngôi chùa, một nhà thờ ngoài đê sông Hồng… Cũng như chuyện nhà, chuyện đất cũng là chuyện người.
Đây là cuốn đầu tiên trong một bộ 3 cuốn của họa sĩ Lê Thiết Cương. Họa sĩ cho biết, sau cuốn “Nhà & Người”, sẽ là cuốn “Trò chuyện với hội họa” và “Trong hạt thóc có hạt gạo” (tập hợp những bài viết về văn hóa Việt).
Nhà thơ Nguyễn Thụy Kha cho rằng, văn xuôi của Lê Thiết Cương là "những giai điệu đẹp, mang chứa chất âm, gần với thơ. Giai điệu văn xuôi Lê Thiết Cương giàu âm hưởng cổ điển. Một giọng điệu văn hóa khác biệt”.
Tinh hoa Việt kỳ này xin giới thiệu 2 tản văn của họa sĩ Lê Thiết Cương.
Lý thuyết phong thủy để kiếm tìm hạnh phúc của cổ nhân có vẻ ngày càng không đúng. Tôi đã đi thăm nhiều gia đình, bếp rộng rãi, sáng sủa, sạch sẽ, thiết bị hiện đại nhưng vẫn thấy họ hình như không hạnh phúc.
Trong môn phong thủy, phần dương cơ, có mục chọn vị trí và hướng bếp. Cùng với hướng nhà, hướng bàn thờ thì hướng bếp có mối liên hệ với câu chuyện hạnh phúc của mỗi gia đình. Điều này vừa trừu tượng vừa cụ thể. Chuyện bếp núc, ăn uống gần với người phụ nữ. Bếp sạch sẽ sáng sủa dễ hình dung ra cơm dẻo canh ngọt, dễ hình dung ra một gia đình hạnh phúc. Vắng đàn ông quạnh nhà, vắng đàn bà quạnh bếp.
Những năm từ 1979 - 1992 nhà tôi ở trong một khu tập thể của Bộ Văn hóa. Khu này dành cho các hộ độc thân, chủ yếu là các nghệ sĩ, nhạc công dàn nhạc giao hưởng, diễn viên múa, họa sĩ của Bảo tàng Mỹ thuật v.v...
Tòa chung cư này 4 tầng, mỗi tầng 10 phòng, mỗi phòng 3 người ở, ba ông độc thân ở chung một phòng. Phía cuối hành lang là khu nhà tắm và nhà vệ sinh chung. Không có bếp. Những kỹ sư xây dựng nghĩ ra tòa nhà kiểu này có thể họ cho rằng nghệ sĩ thì nên sống độc thân mà độc thân thì không cần bếp hoặc đơn giản hơn, họ nghĩ có gia đình thì mới cần có bếp. Ấy thế nhưng ai mà chả phải ăn uống. Và cái hành lang dài buộc trở thành một cái bếp to, gồm 30 cái bếp nhỏ của 30 ông nghệ sĩ độc thân. Tôi mãi không quên được hình ảnh đó. Lạ nhưng buồn tủi quá.
Giờ thổi cơm, cái bếp to bỗng trở nên chật chội, đông mà vẫn hiu quạnh. 30 nỗi quạnh hiu trong một cái hành lang tối và chật. Ngày nào cũng như ngày nào, cứ độ 5, 6h chiều là 10 cánh cửa buồng từ từ mở ra, 30 người đàn ông, mỗi người bê ra hành lang một cái bếp dầu, 30 que diêm cùng đánh lên, 30 giá gạo cùng vo, 30 nồi cơm sôi, 30 bìa đậu rán, 30 đĩa rau luộc, 30 con dao, 30 quả ớt, 30 con tôm, 30 bát cơm, 30 đôi đũa… 30 cái quạt nan phe phẩy, 30 mùa thu, 30 cơn mưa, 30 cái giường, 30 giấc ngủ, 30 trằn trọc, 30 bình minh, 30 cái gương, 30 buổi chiều 30 Tết. Cái hành lang hẹp, dài hun hút, ủ ê trong ánh đèn vàng tù mù yếu ớt. 13 năm với mấy nghìn buổi chiều tôi nhìn cảnh những gia đình một người như vậy.
Trong bếp của nhà tôi hiện nay có một chi tiết décor mà mọi người hay thắc mắc nhưng tôi ngại giải thích. Đó là cái đèn ở bàn ăn có chao bằng sắt tráng men, lắp bóng 25W. Thỉnh thoảng tôi vẫn bật cái đèn tỏa ra thứ ánh sáng đom đóm đực đó vào bữa cơm chiều để nhớ về 13 năm đã xa ấy.
Những người trẻ bây giờ đi mua nhà, hoặc không kiêng khem gì hoặc nếu có thì cũng chỉ để ý tới hướng phát tài phát lộc chứ không ai chịu để ý tới hướng bếp, hướng hạnh phúc cả. Hay là tiền bạc sẽ tạo ra hạnh phúc nhỉ?
Hạnh phúc nghe chừng có vẻ ngày càng khó khăn. Lý thuyết phong thủy để kiếm tìm hạnh phúc của cổ nhân có vẻ ngày càng không đúng. Tôi đã đi thăm nhiều gia đình, bếp rộng rãi, sáng sủa, sạch sẽ, thiết bị hiện đại nhưng vẫn thấy họ hình như không hạnh phúc.
Vòng sống, vòng quan hệ của tôi có các hạng người, dân nghệ sĩ, trí thức, dân kinh doanh đủ cả. Thỉnh thoảng tôi muốn đến nhà bạn bè ăn bữa cơm, uống chén rượu buổi chiều, tào lao vài ba câu chuyện, miễn là gia đình đó phải tương đối lành lặn nhưng tìm mãi chả được. Sống khó quá, hạnh phúc bấp bênh và mong manh quá, nhất là hạnh phúc gia đình.
Tôi còn nhớ, cái buổi chiều mùa đông ấy, tôi vừa lúi húi cơm nước vừa trò chuyện với thầy Hưng. Ông ngồi ở cái phản kê sát cửa ra vào, nhấp từng ngụm nhỏ một. Chiều nào cũng vậy, thầy Hưng ra chợ, ngồi trong cái quán quen, gọi một chén, uống rất chậm, cỡ độ 1, 2 tiếng. “Anh lui vào một quán không nhìn thấy, mà từ quán nhìn thấy các dòng đi - xe - người - những cái rổ rá - mớ rau - như thể một phông động. Thú, cực thú! Có lúc mải ngắm và nếm (nếm là đích) anh quên khuấy một cái chén trên tay. Nếm cả một cái chợ không dễ…” (thơ Đặng Đình Hưng). Trên đường về ông hay rẽ vào nhà tôi. Bữa đó, thấy tôi cơm canh dưa chan chan, húp húp, ông bảo:
- Ngon quá. Cho bác một bát.
Tôi mới múc ra được 2 muôi vào cái cặp lồng nhôm, ông bảo:
- Thôi, được rồi.
Tôi thắc mắc:
- Ít quá bác ăn sao đủ.
Ông bảo:
- Không ăn, bác mang về, đặt lên bếp điện đun lại để được ngửi cái mùi gia đình.
Một câu thoại cách đây đã 20 năm nhưng chả dễ gì quên được. Có những điều chả bao giờ quên được, có những điều chả bao giờ là cũ, cho dù 200 năm nữa, thời nào cũng vậy, với ai cũng vậy.
Mới đây tôi lại được nghe, lần nữa câu chuyện về cái mùi gia đình của một người còn trẻ: “Tuần trước em đi làm về, đang dắt xe vào ngõ thì thấy thoảng qua mùi nấu nướng, mùi bếp núc, mùi cơm chiều từ nhà hàng xóm. Lúc đó, tự dưng em thấy thèm gia đình quá”.
Tôi chưa có trải nghiệm của người chiều nào cũng như chiều nào ngồi mấy tiếng ở chợ để “nếm” lại mùi gia đình, cũng như chưa có cảm giác gia đình qua mùi canh dưa. Tôi cũng không là cô bạn trẻ của tôi để hiểu được khát khao gia đình của cô ấy nhưng ít nhất thì tôi cũng chia sẻ được điều gì đó với họ và cho dù đã có hay chưa, đã được hay chưa thì tự dưng tôi cũng vẫn thấy thèm, thèm cái ấm cúng gia đình như thế.
Phải đi thật xa mới thấy mình, phải lùi xa mới hiểu rõ mình. Phải đi thật xa để trở về mình. Giá mà mỗi lần mắt mở đều là lần đầu tiên.
Một buổi tối tháng 10 năm 199… Tôi ngồi với Liên Trần trong quán ăn chay của cô ở quận 13 – Paris. Tên quán rất mộc mạc: Liên Khai - có nghĩa là hoa sen nở. Bức tường chính của quán trát thô kiểu tường trình nhà quê, phía dưới là một giá nến năm ngọn và bên trên ngang tầm mắt treo bức tranh cẩn ốc, nền gỗ trắc, tả cảnh đầm sen với câu đề từ: Liên khai hạ nhật trường – Hoa sen nở trong ngày hè dài. Hoa sen nở mùa hè thì đúng rồi nhưng sao lại ngày dài?
Cuối tháng 9 đầu tháng 10. Hạ đã qua lâu, thu cũng vừa hết, đông thì chưa tới. Tiết này thật đặc biệt, nó vấn vương của cả ba mùa. Thu đẹp nhưng ngắn, Sen tàn cúc lại nở hoa. Đẹp thì khó, thì ít, thì hiếm, thì ngắn. Gọi tên bốn mùa, mùa thu cũng qua mau. Tiết này với người Paris là se lạnh nhưng khách xa nhà đã là thừa lạnh. Tông màu chủ đạo của quán Liên Khai là trắng ngà bạch liên. Ngoài bức tranh Sen Hạ còn có một chi tiết décor nữa làm tôi chú ý. Đó là cái bàn trang treo trên tường bên phải cửa ra vào. Nó là một cái bàn trang rất phổ thông dựng đầy bờ hè, cuối hiên nhà ngang ở các vùng quê Bắc Bộ. Cái vốn bình thường, lại nhiều, nó hiển nhiên, tự nhiên tới mức không ai nhìn thấy. Cái không được để ý lại không những được để ý mà còn tôn trọng đến mức treo lên như thế này thì thật đặc biệt quá.
Tôi thèm con mắt của chủ quán. Tôi thèm kiểu tối giản mà chị tự design cho cái quán bé nhỏ của mình. Sử dụng thật ít nhưng lại nói được nhiều, giống như sức mạnh của tín hiệu, của gia vị. Chỉ là một đồ vật bình thường nhưng lại được dùng rất đắt. Chọn lọc những món đồ có ý nghĩa và đặt đúng chỗ trong nội thất để cái đẹp của bản thân nó không những được nhân thêm lên nhiều lần mà còn toả ra toàn bộ không gian xung quanh.
Vẽ, chụp, viết, trang trí làm sao để tạo ra được “thần thái” (yếu tố này quá trừu tượng) khó hơn hàng trăm lần cái cách làm chỉ để người ta xem được phần cụ thể, phần bề nổi. Cái diễn ra hàng ngày ngay trước mắt mình thì lại không thấy. Nhìn mà không thấy. Phải đợi đến khi nó đã qua đi thì mới thấy. Phải đi thật xa mới thấy mình, phải lùi xa mới hiểu rõ mình. Phải đi thật xa để trở về mình. Giá mà mỗi lần mắt mở đều là lần đầu tiên.
Bàn trang dùng để phơi thóc. Dàn ra, vun lại, hoặc để đảo thóc cho khô đều. Nhưng cái bàn trang ở quán Liên Khai không phải là bàn trang thóc mà là bàn trang sen.
Cái bàn trang này còn hơn là một kỷ vật. Nó đã thành của gia bảo. Nó là biểu tượng của một nghề, một làng nghề, biểu tượng của một dòng họ lớn. Làng Ninh Hiệp, một làng cổ ở ngoại thành Hà Nội, ra đời từ thời Lý. Làng có nghề truyền thống chế biến Đông, Nam dược. Ninh Hiệp là tên chữ, còn dân gian vẫn quen gọi là Kẻ Nành. Cứ vào cữ cuối hè đầu thu, ông ngoại của Liên Trần lại đi các vùng lân cận, gần thì ngay phủ Từ Sơn, xa hơn là bên Vân Hà, Phù Khê để thu mua hạt sen tươi. Cả một đời bà ngoại, cả một đời mẹ và suốt thời con gái của cô đã dùng cái bàn trang này. Một ngàn năm trôi đi kể từ ngày có làng, có nghề. Một ngàn mùa thu qua đi, những người đàn bà làng Nành lặng lẽ ngồi dưới hiên nhà, chặt sen để tách vỏ ra khỏi hạt, rồi cho vào nong mang phơi ngoài sân gạch. Một tấn hạt tươi sau khi chế biến, phơi khô chỉ còn già nửa. Sen là vị chủ trong các thang an thần. Chẳng cứ thời nào, bất luận bình hay loạn, chẳng cứ hạng người nào, tiểu nhân hay quân tử, vị thuốc hạt sen này bao giờ cũng cần, cũng mua may bán đắt.
Mắt mòn. Bát mòn. Chân mòn. Bia mòn. Gươm giáo, súng đạn cũng mòn. Nhưng cái bàn trang sen của Liên qua bao đời sử dụng có cảm giác nó không thể mòn hơn được nữa mà thậm chí còn dầy lên bởi lớp phấn sen mỗi mùa một bám thêm vào. Phải chăng đó cũng là đạo đức của tự nhiên? Có đi có lại mới toại lòng nhau. Chẳng biết có đẹp nào lại đẹp bằng vẻ đẹp của mòn sen? Chẳng có mất mát nào lại sang trọng như mất mát của bàn trang sen. Được mất, cho nhận, lở bồi, sinh tử, nhân quả vẫn là kiếp luân hồi nhỏ trong cái vòng luân hồi lớn mà thôi.
Đêm đã gần tàn, ấm trà sen đã cạn, chuyện trò đã nhạt, giận hờn đã lắng, buồn vui đã vãn, bếp kiềng đã nguội. Người bồi da đen già đeo tạp dề trắng lặng lẽ mang ra đặt giữa nhà một chậu than sưởi. Căn phòng dần ấm trở lại. Cái thời khắc yên tĩnh ngắn ngủi, hiếm hoi và quý giá của kinh thành Paris hoa lệ đang vội vã qua mau. Tiếng lách tách của than, tiếng thở dài của lửa. Chúng tôi ngồi không ai nói gì để ngầm chia sẻ với nhau vẻ đẹp tĩnh lặng thanh khiết đó. Không hiểu sao chính là lúc này và ở đây tôi lại nghĩ đến những điều giản dị, nghĩ đến những điều bình yên. Tôi lại thèm sự trong lành và ước muốn được buông xuôi, được thõng tay, được dừng lại đến thế.
Hễ muốn là khổ, nhiều đam mê, nhiều khát khao tham vọng thì nhiều khổ. Càng tài giỏi, càng đức độ, càng đẹp thì càng khổ. Chả thế mà Thánh nhân không khen ngợi hào lục bao giờ. Phúc đức nhất là được làm người bình thường.
Phật dạy: Bình thường tâm thị đạo, tâm bình thường chính là đạo rồi. Một đời sống giản dị cơm ăn áo mặc hàng ngày. Không phải ao ước điều gì, không băn khoăn nuối tiếc, không suy tư âu lo trăn trở. Nhẹ nhàng thanh thản, tự nhiên và yên tĩnh. Vẫn biết cái điều tưởng rằng nhỏ nhoi, tưởng rằng dễ dàng thực hiện đó lại quá lớn lao và quá khó khăn đến mức gần như không thể có.
Bỗng dưng tôi chợt cảm thấy có một điều gì đó đang bảng lảng, đang âm ỉ, đang thấp thoáng ẩn hiện trong căn phòng. Nó ngày càng trở nên rõ rệt hơn và tôi nhận ra đó là mùi của lửa, của khói, của hơi ấm toả ra từ chậu than sưởi, không phải than củi mà là than của vỏ sen. Nó không phải là mùi nữa, nó là không khí, một không khí tràn đầy thánh thiện nhưng vẫn dân dã, kín đáo, khiêm nhường và gần gũi. Nó giản dị vô cùng mà cũng sang trọng vô cùng.
Như cái bàn trang sen mà Liên luôn mang theo mình dù trôi dạt đi bất cứ đâu. Cuộc đời của cô cũng đầy ắp thăng trầm, dông gió, cho nhận, được mất như thế. Sau bao tan nát, bao đổi thay, bao lành vỡ, cô tạm neo lại nơi bến lạ này và mở quán cơm chay Liên Khai để vừa sống nốt, vừa được tu. Không nhập không xuất, tại gia mà cũng là tại chợ.
Mọi thứ cứ dần trở nên lung linh hơn, mộng mị hơn trong hương thơm và hơi ấm của lửa sen. Mọi thứ trở nên mờ ảo hơn, huyền ảo hơn trong làn khói sen mỏng tang. Tôi đã nhận ra một vẻ đẹp khác, một vẻ đẹp hoàn toàn thanh tịnh đang chiếm hữu toàn bộ căn phòng và hình như tôi đã nghe thấy cả những điều Liên Trần không nói.