Tại Đại hội Đại biểu toàn quốc lần thứ XII của Đảng, Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án Tòa án nhân dân tối cao đã có bài tham luận về “Tòa án nhân dân tiếp tục đẩy mạnh thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị về Chiến lược cải cách tư pháp, góp phần xây dựng Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân, vì dân”.
Đồng chí Trương Hòa Bình, Bí thư Trung ương Đảng, Chánh án TANDTC
trình bày tham luận tại Đại hội đại biểu lần thứ XII của Đảng.
Tham luận đã nêu rõ, cùng với những thành tựu của đất nước đã đạt được qua 30 năm đổi mới, trong những năm qua, kết quả việc triển khai thực hiện Chiến lược cải cách tư pháp theo tinh thần của Nghị quyết số 49-NQ/TW đã đạt được nhưng thành tựu to lớn; nhận thức của các cấp ủy Đảng và quần chúng nhân dân về ý nghĩa, vai trò của hoạt động tư pháp ngày càng được nâng lên, từ đó khẳng định vị thế của các cơ quan tư pháp trong bộ máy nhà nước.
Công tác điều tra, truy tố, xét xử ngày càng đảm bảo khách quan, công bằng, minh bạch. Cải cách hành chính tư pháp đã có nhiều đổi mới, tạo điều kiện thuận lợi hơn cho người dân trong việc tiếp cận công lý, từ đó củng cố niềm tin của nhân dân đối với các cơ quan tư pháp. Chất lượng đội ngũ cán bộ tư pháp được nâng cao; điều kiện cơ sở vật chất, phương tiện, điều kiện làm việc của các cơ quan tư pháp từng bước được tăng cường, giúp cho các cơ quan này hoàn thành tốt nhiệm vụ được giao. Hợp tác quốc tế trong lĩnh vực tư pháp cũng không ngừng được tăng cường và mở rộng, đáp ứng xu hướng hội nhập quốc tế ngày càng sâu rộng của Đất nước.
Các cơ quan tư pháp nói chung và các Tòa án nhân dân nói riêng, đã tích cực tham gia vào quá trình hoàn thiện thể chế, đặc biệt là quá trình sửa đổi, bổ sung Hiến pháp và xây dựng Pháp luật. Thực hiện Nghị quyết số 49-NQ/TW của Bộ Chính trị, trong những năm qua, Tòa án nhân dân tối cao đã triển khai xây dựng nhiều Đề án về cải cách tư pháp, làm cơ sở đề xuất hoàn thiện thể chế về tổ chức và hoạt động của Tòa án nhân dân.
Với tinh thần chủ động, tích cực và quyết tâm chính trị cao, đồng thời với việc xây dựng chu đáo có chất lượng các đề án nêu trên, nên nhiều chủ trương cải cách tư pháp mà Tòa án đề xuất đã được thể chế hóa trong Hiến pháp và các văn bản luật, nổi bật là: Hiến pháp năm 2013 đã quy định “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”; bổ sung nguyên tắc “tranh tụng trong xét xử được đảm bảo”, đồng thời, cụ thể hóa rõ hơn nguyên tắc “độc lập xét xử” và “suy đoán vô tội”.
Luật Tổ chức Tòa án nhân dân năm 2014 cũng đã thể chế hóa nhiều quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp, như: Hệ thống Tòa án nhân dân được tổ chức theo thẩm quyền xét xử, gồm 4 cấp; trong cơ cấu tổ chức của các Tòa án nhân dân có Tòa Gia đình và người chưa thành niên, có chức năng giải quyết các vụ việc về người chưa thành niên và hôn nhân gia đình, áp dụng các biện pháp thay thế đối với người chưa thành niên phạm tội; số lượng thành viên Hội đồng Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao từ 13-17 người, Thẩm phán Tòa án nhân dân tối cao phải được Quốc hội phê chuẩn trước khi trình Chú tịch nước bổ nhiệm; chức năng, nhiệm vụ của Tòa án, chế độ bổ nhiệm và thi tuyển Thẩm phán có nhiều đổi mới; quy định Tòa án nhân dân tối cao có thẩm quyền lựa chọn và phát triển án lệ và có chức năng đào tạo đối với cán bộ, công chức Tòa án... Hiến pháp cũng quy định nhiều nguyên tắc mới về tổ chức và hoạt động của Tòa án.
Ngoài ra, trong xây dựng dự thảo các Luật tố tụng tư pháp, Tòa án nhân dân tối cao đã đề xuất nhiều quy định nhằm cụ thể hóa tinh thần cải cách tư pháp và quy định của Hiến pháp năm 2013, như quy định việc chuyển hướng không xử lý hình sự đối với người chưa thành niên phạm tội (Bộ luật hình sự) hay là Tòa án không được từ chối giải quyết vụ việc dân sự khi chưa có quy định của pháp luật (Bộ luật tố tụng dân sự)...
Để tiếp tục cụ thể hóa quan điểm của Đảng về cải cách tư pháp và các quy định của Hiến pháp, nhằm xây dựng nền tư pháp trong sạch, vững mạnh, dân chủ, nghiêm minh, bảo vệ công lý, từng bước hiện đại, phục vụ nhân dân, phụng sự Tổ quốc trong Nhà nước pháp quyền Việt Nam xã hội chủ nghĩa của dân, do dân và vì dân, tham luận cũng đề nghị cần làm rõ thêm các nội hàm và cơ chế thực hiện các quy định của Hiến pháp về “quyền lực Nhà nước là thống nhất có sự phân công, phối hợp và kiểm soát giữa các cơ quan trong thực hiện các quyền lập pháp, hành pháp và tư pháp” và “Tòa án nhân dân là cơ quan xét xử của Nước Cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam, thực hiện quyền tư pháp”, cũng như quy định trong Kết luận số 92-KL/TW ngày 12/3/2014 của Bộ Chính trị về “xây dựng cơ chế kiểm soát chặt chẽ giữa các cơ quan trong việc thực hiện các hoạt động tư pháp”.
Đồng thời, trong bối cảnh Việt Nam đang hội nhập Quốc tế ngày càng sâu rộng trên các lĩnh vực, đã là thành viên của nhiều hiệp ước quốc tế song phương và đa phương, là thành viên của “Cộng đồng kinh tếASEAN” và sắp tới đây sẽ là thành viên chính thức của Hiệp định Thương mại Châu Á - Thái Bình Dương (TPP), thực tế đó đặt ra yêu cầu cần tiếp tục kiện toàn và nâng cao chất lượng hoạt động của các cơ quan tư pháp nói chung, các Tòa án nhân dân nói riêng.
Trong tham luận của Ban Cán sự Đảng TANDTC, đã nêu chủ trương, định hướng đối với các Tòa án trong thời gian tới, cần tiếp tục thực hiện tốt 05 giải pháp đột phá để hoàn thành tốt nhiệm vụ, cụ thểlà: (1) thực hiện tốt nguyên tắc tranh tụng trong xét xử; (2) đổi mới và nâng cao hiệu quả công tác đào tạo, bồi dưỡng chuyên môn nghiệp vụ cho cán bộ, công chức; (3) làm tốt công tác tổng kết thực tiễn xét xử, đảm bảo áp dụng thống nhất pháp luật và phát triển án lệ; (4) đẩy mạnh việc đổi mới thủ tục hành chính tư pháp trong hoạt động của Tòa án các cấp; (5) chú trọng nâng cao bản lĩnh chính trị, phẩm chất đạo đức, ý thức trách nhiệm và tăng cường kỷ cương, kỷ luật công vụ cho cán bộ, công chức; vinh danh và khen thưởng kịp thời các Thẩm phán, cán bộ có thành tích xuất sắc trong công tác.
Tuy nhiên, để giúp cho các Tòa án thực hiện có hiệu quả quyền tư pháp, nhằm bảo vệ công lý, quyền con người, quyền công dân, bảo vệ chế độ xã hội chủ nghĩa trong bối cảnh hội nhập Quốc tế nói trên…Tham luận cũng đề nghị Đảng và Nhà nước cần có các cơ chế để đảm bảo cho các Tòa án có đủ nguồn lực về con người và điều kiện cơ sở vật chất, để giải quyết tốt các tranh chấp có yếu tố nước ngoài; cũng như đảm bảo trình độ, năng lực để tham gia các định chế tư pháp quốc tế và tăng cường ứng dụng công nghệ cao vào công tác giải quyết các vụ việc thuộc thẩm quyền, tiến tới xây dựng Tòa án điện tử.