Thực hiện Nghị quyết Ðại hội lần thứ XIII của Ðảng, việc triển khai đồng bộ, sáng tạo, hiệu quả các hoạt động đối ngoại, bao gồm đối ngoại Ðảng, ngoại giao Nhà nước và đối ngoại nhân dân. Hoạt động đối ngoại của MTTQ Việt Nam đã góp phần đưa các mối quan hệ đối ngoại của Việt Nam đi vào chiều sâu, thực chất và hiệu quả hơn.
Nhiệm kỳ 2019 - 2024, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam đã tập trung tăng cường, củng cố mối quan hệ đoàn kết hữu nghị, hợp tác đi vào chiều sâu với các nước láng giềng và các đối tác truyền thống, trong đó có 3 tổ chức Mặt trận Việt Nam - Lào - Campuchia. Trong năm 2024, 3 tổ chức Mặt trận đã tổ chức thành công Hội nghị Chủ tịch Mặt trận 3 nước tại Cộng hòa Dân chủ Nhân dân Lào và thông qua Bản ghi nhớ hợp tác giai đoạn mới, góp phần tăng cường đoàn kết, hữu nghị cùng nhau hợp tác phát triển của Việt Nam - Lào - Campuchia nói chung.
Ngoài ra, UBTƯ MTTQ Việt Nam tiếp tục giữ mối quan hệ hợp tác truyền thống tốt đẹp với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc, tiếp tục thực hiện Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác (MOU) giữa 2 tổ chức được ký kết vào năm 2014 và nhất trí kéo dài thời gian về hiệu lực Bản Ghi nhớ Chương trình hợp tác đến khi có MOU mới thay thế. Tháng 11/2023, hai bên phối hợp tổ chức thành công Giao lưu hữu nghị giữa UBTƯ MTTQ Việt Nam với Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc và Ủy ban MTTQ Việt Nam 7 tỉnh của Việt Nam với Chính hiệp 2 tỉnh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây và tỉnh Vân Nam) của Trung Quốc có chung đường biên giới lần thứ hai tại tỉnh Quảng Ninh, Việt Nam. Đây là một hoạt động có ý nghĩa, qua đó làm sâu sắc thêm nhận thức chung quan trọng mà lãnh đạo cấp cao hai nước đã đạt được, phát triển quan hệ đối tác hợp tác chiến lược toàn diện Việt Nam - Trung Quốc theo phương châm “láng giềng hữu nghị, hợp tác toàn diện, ổn định lâu dài, hướng tới tương lai” và tinh thần “láng giềng tốt, bạn bè tốt, đồng chí tốt, đối tác tốt”, góp phần thúc đẩy quan hệ hai nước phát triển lành mạnh, ổn định lâu dài, phù hợp lợi ích căn bản của 2 Đảng, nhân dân 2 nước và phát triển khu vực. Giao lưu hữu nghị giữa MTTQ Việt Nam và Chính hiệp Toàn quốc Trung Quốc; Mặt trận của 7 tỉnh biên giới của Việt Nam và Chính hiệp 2 tỉnh (Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây, Vân Nam) của Trung Quốc lần thứ hai là dấu mốc quan trọng về giao lưu nhân dân và được 2 lãnh đạo cấp cao 2 nước Việt Nam - Trung Quốc đánh giá cao nhân chuyến thăm Việt Nam của Tổng Bí thư - Chủ tịch nước Cộng hòa Nhân dân Trung Hoa Tập Cận Bình.
UBTƯ MTTQ Việt Nam cũng luôn coi trọng mối quan hệ với Ủy ban Bảo vệ Cách mạng Cuba, Mặt trận Dân chủ Thống nhất Tổ quốc Triều Tiên; đồng thời chủ động mở rộng quan hệ với các đối tác mới tương đồng như: Hiệp hội Nhân dân Singapore; Phòng Xã hội Liên bang Nga; Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Môi trường Cộng hòa Pháp; Hội đồng Kinh tế, Xã hội và Lao động Hàn Quốc; tích cực tham gia Diễn đàn Nhân dân ASEAN…
Hiện nay, cộng đồng người Việt Nam ở nước ngoài (NVNONN) có khoảng 6 triệu người đang sinh sống, làm việc và học tập tại hơn 130 quốc gia và vùng lãnh thổ trên thế giới, trong đó 80% là ở các nước phát triển.
Trong nhiệm kỳ 2019 - 2024, việc tuyên truyền, vận động và tập hợp, đoàn kết NVNONN là một trong những nhiệm vụ quan trọng đặc biệt của MTTQ Việt Nam nhằm đoàn kết hàng triệu bà con kiều bào đang sống ở nước ngoài trong ngôi nhà chung Mặt trận.
Hàng năm, Ban Thường trực UBTƯ MTTQ Việt Nam phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN tổ chức chương trình “Xuân quê hương”, tổ chức đón các đoàn kiều bào tiêu biểu về thăm quê.
Bên cạnh đó, MTTQ cũng chủ động, tích cực tuyên truyền, vận đồng bà con kiều bào hướng về cội nguồn, tích cực tham gia các hoạt động xã hội, từ thiện nhân đạo. Trong những năm qua, số tiền kiều bào gửi về ủng hộ cho Quỹ phòng chống dịch Covid-19 và hỗ trợ đồng bào tại các vùng bị ảnh hưởng bởi thiên tai, bão lũ thông qua MTTQ Việt Nam là rất lớn, tạo sự gắn kết đồng bào ở trong và ngoài nước. Trong đó, hưởng ứng lời kêu gọi của Đoàn Chủ tịch UBTƯ MTTQ Việt Nam, các hội đoàn, tập thể, cá nhân NVNONN đã tích cực đóng góp, ủng hộ xây dựng Nhà Đại đoàn kết nhân kỷ niệm 70 năm chiến thắng Điện Biên Phủ; ủng hộ nguồn lực chia sẻ với đồng bào các tỉnh miền Bắc bị thiệt hại bởi bão lũ…
Để công tác đối ngoại nhân dân của MTTQ Việt Nam thực sự trở thành cánh tay nối dài của đối ngoại Đảng và ngoại giao Nhà nước, từ đó tạo nên sức mạnh tổng hợp của đối ngoại Việt Nam, trong thời gian tới cần phát huy vai trò nòng cốt của MTTQ Việt Nam và các đoàn thể nhân dân trong công tác đối ngoại nhân dân; phối hợp chặt chẽ giữa Mặt trận và các tổ chức thành viên trong hoạt động đối ngoại nhân dân để tạo sự liên kết, thống nhất, đồng bộ và hỗ trợ lẫn nhau trong triển khai các hoạt động đối ngoại nhân dân.
Đặc biệt, MTTQ Việt Nam cần tiếp tục tăng cường công tác phối hợp với Ủy ban Nhà nước về NVNONN, Hội Liên lạc với NVNONN, các cơ quan ngoại giao của Việt Nam phát huy vai trò của cộng đồng, các hội đoàn NVNONN và các Ủy viên UBTƯ MTTQ Việt Nam là NVNONN làm cầu nối, hỗ trợ công tác đối ngoại nhân dân của Mặt trận.
Cùng với đó, cần tiếp tục triển khai thực hiện tốt các biên bản ghi nhớ, thỏa thuận hợp tác của Mặt trận đã ký kết; tiếp tục nghiên cứu, tìm hiểu để mở rộng hợp tác với đối tác mới và nghiên cứu tham gia các cơ chế đa phương phù hợp trong khu vực và trên thế giới; tăng cường các hoạt động giao lưu, kết nghĩa giữa Mặt trận, các tổ chức thành viên ở cấp Trung ương và các địa phương với các tổ chức tương đồng trong khu vực và trên thế giới, nhất là với các nước láng giềng; tổng kết, nhân rộng các mô hình kết nghĩa, giao lưu hữu nghị và các mô hình đối ngoại hoạt động có hiệu quả; tăng cường vai trò của địa phương, cơ sở trong củng cố tình đoàn kết hữu nghị với nhân dân các nước láng giềng, xây dựng đường biên giới hòa bình, hữu nghị, hợp tác và phát triển.