Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận trách nhiệm về việc chặt hạ cây đa. Song điều đó cho chúng ta thấy dự án tu bổ di tích này đang thiếu sự giám sát.
Liên quan đến những phản ánh về cây đa nằm ngay trước nghi môn di tích quốc gia đặc biệt đình Chèm (phường Thụy Phương, quận Bắc Từ Liêm, Hà Nội) bị thẳng tay chặt hạ. Mới đây, cơ quan chức năng đã tiến hành kiểm tra và kết luận việc chặt cây đa của Ban Khánh tiết đình Chèm là không đúng quy định, chưa được sự đồng ý của các cơ quan có thẩm quyền. Ban Khánh tiết đình Chèm đã nhận khuyết điểm và xin rút kinh nghiệm.
Có thể thấy đây là hệ quả của việc lơ là giám sát của các đơn vị liên quan trong quá trình tu bổ đình Chèm. Nhưng đây chỉ là một trong nhiều vấn đề mà dư luận đang quan tâm với những gì đang diễn ra tại dự án tu bổ đình Chèm.
Theo tìm hiểu, Dự án tu sửa đình Chèm do BQL Dự án đầu tư xây dựng quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư, với các hạng mục: điều chỉnh cao độ phần sân đường, tôn tạo hoàn thiện hệ thống hạ tầng kỹ thuật: sân đường, bó vỉa, cấp điện, cấp thoát nước, tường rào; tu bổ chỉnh trang chống xuống cấp: nghi môn nội, đại đình, phương đình, nhà bia tả hữu, tả vu, hữu vu, cổng phụ; chống mối toàn bộ công trình; bổ sung hệ thống phòng cháy chữa cháy. Tổng kinh phí tu bổ khoảng 10 tỷ đồng do quận Bắc Từ Liêm làm chủ đầu tư kết hợp với nguồn xã hội hóa. Dự kiến, việc trùng tu sẽ hoàn tất vào tháng 4/2022.
Được biết Công ty cổ phần Xây dựng Bắc Hà - Thăng Long là đơn vị trực tiếp tham gia giám sát thi công. Đơn vị thi công là liên danh Công ty cổ phần Xây dựng và Bảo tồn công trình văn hóa và Công ty cổ phần Nhật Dương.
Đầy đủ là thế nhưng trong quá trình tu sửa các hạng mục không được đơn vị thi công quây bạt che chắn như quy định. Chỉ đến khi có sự kiểm tra của cơ quan chức năng sau khi báo chí phản ánh thì công tác che chắn, bảo vệ mới được thực hiện…
Nếu như có sự giám sát chặt chẽ của các đơn vị liên quan thì chắc chắn sẽ không xảy ra việc tự ý chặt hạ cây đa khiến dư luận bức xúc. Cùng với đó dư luận sẽ chẳng có lý do để đặt dấu hỏi về năng lực của các đơn vị tham gia thi công dự án.
Nguyên nhân dẫn đến tình trạng này phải chăng là do sự nhận thức, ý thức của đơn vị quản lý tu bổ, tôn tạo còn hạn chế; thiếu sự giám sát, hướng dẫn của chính quyền địa phương; lực lượng tham gia thi công thiếu kiến thức chuyên môn?
Từ vụ việc ở đình Chèm hay những vụ việc diễn ra trong quá khứ như việc tự ý tu bổ, cải tạo di tích (đình Lương Xá, huyện Ứng Hòa; chùa Lâm So, huyện Quốc Oai…); xin phép một đằng, làm một nẻo (chùa Đậu, huyện Thường Tín)… có thể thấy việc trùng tu di tích kiến trúc cổ còn khá lộn xộn, thiếu sự giám sát của các bên liên quan khiến cho giá trị gốc bị thay đổi.