Nằm ở phía Đông Bắc của Tổ quốc, được ví như một "Việt Nam thu nhỏ", Quảng Ninh có vị trí địa lý chiến lược đặc biệt quan trọng về kinh tế, chính trị, quốc phòng, an ninh và đối ngoại, là cửa ngõ hội nhập với thế giới của Vùng kinh tế trọng điểm Bắc bộ, là điểm nút trong khu vực hợp tác hai hành lang, một vành đai kinh tế Việt - Trung và kết nối với khu vực Asean.
Đoàn công tác tỉnh Quảng Ninh gặp gỡ, làm việc với Tổ chức Hỗ trợ doanh nghiệp vừa và nhỏ của Nhật Bản tại Kansai (SME Support Japan), TP Osaka, Nhật Bản. Ảnh: Nghiêm Thái Sơn (IPA Quảng Ninh).
Trong quá trình hội nhập, Quảng Ninh luôn bám sát chủ trương, đường lối đối ngoại của Đảng và Nhà nước. Từ thực tiễn đó đã mang lại cho tỉnh nhiều kết quả tích cực trên tất cả các lĩnh vực. Đặc biệt, thông qua hội nhập, niềm tin của doanh nghiệp, nhà đầu tư vào tỉnh được nâng lên rõ rệt, văn hóa - xã hội được quan tâm, đời sống nhân dân được cải thiện, quốc phòng an ninh được củng cố, chủ quyền biên giới trên đất liền và biển đảo được giữ vững. Thông qua đó, thiết thực góp phần đưa quan hệ của tỉnh với các đối tác đi vào chiều sâu, dần giúp Quảng Ninh khẳng định được vị thế của mình trong tiến trình hội nhập quốc tế.
Hiện tại tỉnh có cửa khẩu quốc tế Móng Cái, cửa khẩu quốc gia Hoành Mô - Động Trung đã được phê duyệt nâng cấp, nhiều điểm thông quan lối mở, đường mòn dọc biên giới được công nhận... đó là những điều kiện thuận lợi cho phát triển thương mại, dịch vụ, đầu tư và mở rộng quan hệ hợp tác phát triển trong bối cảnh hội nhập quốc tế sâu rộng và sự hình thành của cộng đồng kinh tế ASEAN... Quảng Ninh đã và đang đứng trước nhiều cơ hội và thách thức do vị trí chính trị đặc biệt và nền kinh tế mở có độ mở cao.
Sự phát triển của tỉnh Quảng Ninh ngoài việc gắn kết với các địa phương trong nước còn phải thực hiện liên kết vùng quốc tế mạnh mẽ, trực tiếp là Khu tự trị dân tộc Choang tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc) với sự gắn kết phát triển kinh tế biên mậu hợp lý với xây dựng các Khu thương mại tự do, Khu kinh tế cửa khẩu Móng Cái và Hoành Mô - Đồng Văn và hợp tác hai hành lang một vành đai Việt Nam - Trung Quốc để tận dụng những cơ hội phát triển của Trung Quốc một cách cao nhất, giảm thiểu những tiêu cực đối với nền kinh tế từ sự lớn mạnh của đối tác này cũng như từ hội nhập sâu rộng với khu vực và thế giới.
Kết quả cụ thể qua 3 năm trở lại đây cho thấy, Quảng Ninh có tốc độ tăng trưởng kinh tế trung bình đạt trên 10-11%/năm. Tỉnh cũng đã có chiến lược quan trọng trong đổi mới mô hình tăng trưởng, cơ cấu lại nền kinh tế và chuyển đổi phương thức phát triển từ “nâu” sang “xanh” đúng hướng, hiệu quả.
Về hợp tác đối ngoại thúc đẩy phát triển kinh tế, tỉnh đã ký kết 27 thỏa thuận hợp tác quốc tế với các địa phương các nước và vùng lãnh thổ. Các nội dung ký kết phù hợp với nhu cầu hợp tác của tỉnh trên các lĩnh vực kinh tế, chính trị, văn hóa và đạt hiệu quả cao về thu hút đầu tư, thương mại, du lịch, giao lưu hữu nghị. Hiện Quảng Ninh có 120 dự án đầu tư trực tiếp nước ngoài còn hiệu lực với vốn đăng ký đạt trên 6,23 tỷ USD. Hoạt động sản xuất kinh doanh của các dự án có vốn đầu tư trực tiếp nước ngoài được duy trì ổn định và phát triển, giúp Quảng Ninh tăng nguồn vốn đầu tư phát triển, tăng năng lực sản xuất, thúc đẩy nhanh quá trình đổi mới thiết bị, công nghệ.
Các hoạt động xuất nhập khẩu của tỉnh luôn tăng trưởng cao, thu hút khách du lịch phát triển qua từng năm. Riêng năm 2018, tỉnh đã tổ chức đón tiếp nhiều đoàn khách quốc tế đến thăm và làm việc. Qua đó đã giới thiệu, quảng bá, mở ra các cơ hội tiếp xúc với các địa phương, doanh nghiệp của nhiều quốc gia, góp phần thu hút đầu tư phát triển kinh tế của tỉnh. Trong đó, Quảng Ninh đã phối hợp với các địa phương biên giới phía Bắc Việt Nam (Lạng Sơn, Cao Bằng, Hà Giang) cùng Khu tự trị dân tộc Choang Quảng Tây (Trung Quốc) tổ chức thành công Chương trình Hội đàm đầu xuân 2018 và Hội nghị lần 9 Ủy ban Công tác liên hợp.
Các văn kiện quan trọng được ký kết trong khuôn khổ 2 chương trình trên đã định hướng toàn diện mối quan hệ hợp tác giữa 4 tỉnh biên giới phía Bắc Việt Nam nói chung, tỉnh Quảng Ninh nói riêng với tỉnh Quảng Tây (Trung Quốc). Từ đầu năm đến nay, Quảng Ninh cũng đã ký kết thiết lập quan hệ hợp tác với chính quyền tỉnh Irkutsk (Nga) và tỉnh Karlovy Vary (Séc). Việc ký kết hợp tác với 2 địa phương trên sẽ mở ra những cơ hội hợp tác mới không chỉ với nước Nga, Séc mà còn đối với nhiều quốc gia khác của châu Âu.
Tỉnh Quảng Ninh phối hợp với Bộ Ngoại giao tổ chức Hội nghị Thúc đẩy hội nhập quốc tế của tỉnh Quảng Ninh tháng 8/2018. (Ảnh: Hồng Nhung).
Trên đà những thành tựu tích cực của địa phương, bước vào giai đoạn mới với thời cơ thuận lợi mới song cũng không ít khó khăn, thách thức, để Quảng Ninh thực sự bứt phá, trở thành một cực tăng trưởng quan trọng, đầu tàu kinh tế miền Bắc một nơi cần đến và nơi đáng sống... thì chắc chắn Quảng Ninh cần đi đầu trong các địa phương trong việc tuyên truyền và nâng cao nhận thức nhận rõ tính hai mặt của hội nhập nói chung và hội nhập khu vực trong những khuôn khổ và định chế mới gồm cả cơ hội - thách thức đến với các ngành, các cấp, các tổ chức nhân dân và doanh nghiệp của tỉnh.
Bên cạnh đó, Quảng Ninh cũng cần chuẩn bị tâm thế, vị thế mới sẵn sàng đón nhận và chủ động có phương thức phòng ngừa hữu hiệu, tránh hoặc vượt qua những thách thức và rủi ro, khắc phục những yếu kém về nội lực và có sức đề kháng, ứng phó kịp thời với diễn biến khó lường của hội nhập khu vực tránh trượt mất cơ hội để tạo ra động lực phát triển trên chặng đường mới.
Thuận lợi và khó khăn đặt ra trên con đường hội nhập đòi hỏi tỉnh Quảng Ninh phải có sự nhận diện, định vị chính xác mình để có sự lựa chọn đúng đắn về đường lối, chính sách và đưa ra những giải pháp phù hợp và tranh thủ mọi cơ hội, đẩy lùi những nguy cơ thách thức từ toàn cầu hóa và hội nhập quốc tế tạo thế và lực mới cho sự phát triển của địa phương thời gian tới.