Dịp Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh trung thu sẽ tăng. Để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng, Tổng cục QLTT vừa ban hành Công văn số 1823/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa trong dịp Tết Trung thu.
Liên tiếp phát hiện lượng lớn hoá nhập lậu
Ngày 31/8, đội QLTT số 5, Cục QLTT TP Hà Nội phối hợp với Công an quận Hai Bà Trưng kiểm tra điểm tập kết hàng hóa tại số 934 Bạch Đằng, quận Hai Bà Trưng đã phát hiện một lượng lớn bánh Trung thu nhập lậu.
Cụ thể, tại thời điểm kiểm tra lực lượng chức năng đã phát hiện 960 chiếc bánh Trung thu nhân trứng chảy (tên MX Lava Custard Mooncake) do nước ngoài sản xuất nghi nhập lậu. Chủ sở hữu hàng hóa được xác định là ông Hoàng Trung Hiếu, hộ khẩu thường trú tại thành phố Phúc Yên, tỉnh Vĩnh Phúc không xuất trình hóa đơn, chứng từ chứng minh tính hợp pháp của số bánh Trung thu này.
Theo ông Vũ Văn Huyện, Phó Đội trưởng Đội QLTT số 5, trị giá hàng hóa vi phạm là 19,2 triệu đồng. Hiện, lực lượng chức năng đã lập biên bản tạm giữ toàn bộ số hàng hóa nhập lậu nêu trên để xử lý vụ việc theo quy định.
Trước đó, Đội QLTT số 24 và Công an huyện Hoài Đức đã kiểm tra đột xuất đối với hộ kinh doanh chế biến nông sản Gia Hưng, địa chỉ tại 179 thôn Chùa Tổng, xã La Phù, huyện Hoài Đức cũng đã phát hiện 4.000 sản phẩm thực phẩm có dấu hiệu là hàng hóa nhập lậu, trong đó 1.960 chiếc bánh Trung thu do nước ngoài sản xuất. Xác định đây là hàng hóa có dấu hiệu nhập lậu, Đội Quản lý thị trường số 24 đã tạm giữ toàn bộ số hàng hóa trên để xác minh, làm rõ và xử lý theo quy định của pháp luật.
Theo Cục QLTT TP Hà Nội, đơn vị đã ban hành Kế hoạch kiểm tra, kiểm soát thị trường, xử lý vi phạm hành chính trong dịp Tết Trung thu trên địa bàn TP năm 2023. Theo đó, lực lượng Quản lý thị trường Hà Nội sẽ tăng cường kiểm tra, kiểm soát có trọng tâm, trọng điểm các mặt hàng bánh Trung thu, nguyên liệu để sản xuất bánh Trung thu, bao bì tiếp xúc trực tiếp với sản phẩm. Kịp thời phát hiện, ngăn chặn, chấn chỉnh, xử lý hoặc kiến nghị xử lý các hành vi vi phạm pháp luật theo quy định; từng bước đưa hoạt động sản xuất, kinh doanh, nhập khẩu, bảo quản, vận chuyển bánh Trung thu, văn hóa phẩm, đồ chơi trẻ em thực hiện theo đúng quy định của pháp luật.
Trong quá trình kiểm tra, kiểm soát kết hợp làm tốt công tác tuyên truyền, giáo dục các kiến thức, các quy định về ATTP, nâng cao nhận thức và ý thức bảo đảm ATTP của toàn cộng đồng. Kịp thời cập nhật và nắm chắc diễn biến thực tế, phát hiện kiểm tra và xử lý nghiêm minh, phản ánh chính xác và đề xuất trung thực có hiệu quả cho các ngành, các cấp về các vấn đề liên quan đến ATTP.
Tăng cường kiểm tra, kiểm soát thị trường trong dịp Tết Trung thu
Theo Tổng cục QLTT, dịp Tết Trung thu sắp tới, nhu cầu tiêu dùng các loại bánh, kẹo, đồ chơi trẻ em, đặc biệt là bánh Trung thu sẽ tăng. Để ngăn chặn việc sản xuất, kinh doanh hàng giả, hàng nhập lậu, không rõ nguồn gốc xuất xứ, không bảo đảm chất lượng, không bảo đảm an toàn thực phẩm, bảo vệ quyền lợi và sức khỏe người tiêu dùng.
Tổng cục QLTT đã ban hành Công văn số 1823/TCQLTT-CNV chỉ đạo Cục QLTT các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương tăng cường công tác kiểm tra, kiểm soát chất lượng, sản phẩm hàng hóa trong dịp Tết Trung thu.
Theo đó, về công tác kiểm tra, kiểm soát trong dịp Tết Trung thu, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tập trung kiểm tra các cơ sở sản xuất bánh Trung thu về nguyên liệu sản xuất bánh Trung thu; việc sử dụng phụ gia thực phẩm, chất hỗ trợ chế biến thực phẩm, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm trong sản xuất, chế biến, bảo quản thực phẩm. Trong dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra xác cơ sở kinh doanh, các đại lý, cửa hàng bán bánh Trung thu về nguồn gốc xuất xứ, chất lượng sản phẩm, điều kiện bảo đảm an toàn thực phẩm. Sau dịp Tết Trung thu, tập trung kiểm tra việc thu hồi và xử lý các sản phẩm hết hạn sử dụng, không đảm bảo chất lượng.
Đối với mặt hàng đồ chơi trẻ em, chủ trì, phối hợp với các lực lượng chức năng tăng cường kiểm tra đối với các tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh mặt hàng đồ chơi trẻ em, kiểm tra về nguồn gốc, xuất xứ, hóa đơn chứng từ, ghi nhãn hàng hóa, chứng nhận hợp quy và việc chấp hành các quy định của pháp luật trong sản xuất, kinh doanh. Chú trọng kiểm tra các mặt hàng đồ chơi thông minh, tích hợp nhiều chức năng, đồ chơi trẻ em độc hại, kích động bạo lực, đồ chơi có hình ảnh, hình vẽ, biểu tượng sai sự thật gây nhầm lẫn về chủ quyền quốc gia.
Tổng cục QLTT cũng yêu cầu, trong quá trình kiểm tra, Cục QLTT các tỉnh, thành phố cần kết hợp tuyên truyền trực tiếp đến các cơ sở sản xuất, kinh doanh các quy định của pháp luật về kinh doanh hàng hóa và bảo đảm an toàn thực phẩm. Đồng thời xử lý nghiêm các vi phạm và công bố công khai tên cơ sở, địa chỉ, loại sản phẩm vi phạm trên các phương tiện thông tin đại chúng theo quy định của pháp luật.
Thứ hai, về kiểm tra chất lượng, sản phẩm hàng hóa, Tổng cục QLTT yêu cầu Cục QLTT các tỉnh, thành phố tăng cường quản lý địa bàn, thu thập thông tin và tổ chức kiểm tra các tổ chức, cá nhân sản xuất kinh doanh trong việc chấp hành các quy định của pháp luật về quản lý chất lượng hàng hóa, công bố tiêu chuẩn chất lượng, công bố phù hợp quy chuẩn kỹ thuật quốc gia; về sử dụng dấu hợp chuẩn, hợp quy, mã số, mã vạch; sự phù hợp của hàng hóa đối với quy chuẩn kỹ thuật tiêu chuẩn công bố áp dụng; kiểm tra thực tế sự phù hợp của chất lượng hàng hóa với nội dung công bố trên nhãn hàng hóa. Tập trung kiểm tra các mặt hàng phân bón, xăng dầu, đồ điện gia dụng, hàng tiêu dùng, các mặt hàng thực phẩm.
Tổng cục QLTT cũng đề nghị Cục QLTT các tỉnh thành phố riển khai thực hiện và báo cáo kết quả kiểm tra, xử lý vi phạm trong dịp Tết Trung thu về Tổng cục QLTT trước ngày 16/10/2023.