Cần tiếp tục tăng cường kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và những vấn đề liên quan khác của địa phương.
Ngày 25/3, tại hội nghị toàn quốc tổng kết công tác Hội đồng nhân dân các tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương năm 2023 và triển khai kế hoạch công tác năm 2024, ông Nguyễn Văn Dũng, Trưởng ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ cho biết, có những hạn chế trong việc nghiên cứu, thu thập thông tin liên quan đến nội dung thẩm tra có lúc còn chưa đầy đủ. Việc tổ chức lấy ý kiến các chuyên gia, nhà khoa học về những nội dung thẩm tra còn chưa thường xuyên. Hoạt động giám sát đôi lúc còn chưa toàn diện.
Do đó trong thời gian tới, ông Dũng cho rằng, Ban Đô thị HĐND TP Cần Thơ sẽ kịp thời xây dựng kế hoạch thẩm tra, khảo sát để nắm rõ tình hình về những nội dung liên quan đến thẩm tra. Thường xuyên đôn đốc thực hiện các quyết nghị sau giám sát, đặc biệt là việc thực hiện quy hoạch TP Cần Thơ, việc thực hiện kiến trúc đô thị, việc giải phóng mặt bằng, bồi thường tái định cư.
Phó Trưởng Đoàn phụ trách Đoàn ĐBQH tỉnh Hòa Bình Đặng Bích Ngọc cũng đề xuất, cần phát huy tối đa sự quan tâm, tạo điều kiện của cấp ủy, chính quyền. Trước hết là Thường trực tỉnh ủy, chủ động, tích cực trong tham mưu cho Thường trực tỉnh ủy những vấn đề nóng được dư luận, cử tri, nhân dân quan tâm, phát huy cao tinh thần tích cực trao đổi thông tin giữa Đoàn ĐBQH, Thường trực HĐND, các ban của HĐND về các lĩnh vực công tác có liên quan. Bám sát quy định của pháp luật về chức năng, nhiệm vụ được giao, nội dung quy chế để xây dựng chương trình phối hợp cụ thể, tận dụng tối đa thế mạnh của mỗi cơ quan, đơn vị để xây dựng mối quan hệ phối hợp ngày càng gắn bó, chặt chẽ, nâng cao chất lượng hoạt động của các bên.
Phó Bí thư Tỉnh ủy, Chủ tịch UBND tỉnh Khánh Hòa Nguyễn Tấn Tuân cho biết, mối quan hệ công tác giữa UBND và HĐND cùng cấp, giữa UBND tỉnh và HĐND tỉnh, đã được quy định rõ trong Hiến pháp, Luật Tổ chức chính quyền địa phương. HĐND tỉnh với tư cách là cơ quan quyền lực Nhà nước ở địa phương, hoạt động theo kỳ họp, ra nghị quyết về các vấn đề xây dựng địa phương, giám sát việc thực hiện pháp luật tại địa phương.
Để tiếp tục phát huy những kết quả đạt được, ông Tuân cho rằng, UBND tỉnh, Thường trực HĐND tỉnh cần thường xuyên theo dõi, đánh giá việc phối hợp công tác giữa hai bên, đánh giá chính xác hiệu quả và những tồn tại, hạn chế trong quá trình thực hiện, kịp thời họp rút kinh nghiệm để có giải pháp hiệu quả.
“Đồng thời, HĐND tỉnh cần tiếp tục tăng cường Kỳ họp chuyên đề để giải quyết các vấn đề phát sinh trong quá trình chỉ đạo, điều hành thực hiện các nhiệm vụ phát triển kinh tế, văn hóa xã hội và những vấn đề liên quan khác của địa phương. Ngoài ra, Thường trực HĐND tỉnh cần tăng cường ứng dụng công nghệ thông tin trong việc gửi, nhận tài liệu kỳ họp HĐND tỉnh với tinh thần kỳ họp không giấy, giả bớt thời gian in ấn tài liệu, giấy tờ, tiết kiệm chi phí”, ông Tuân cho hay.
Trưởng ban Pháp chế, HĐND tỉnh Hà Tĩnh Nguyễn Thị Nhuần thì đề nghị, cần sớm có quy định hướng dẫn về việc xây dựng nghị quyết không chứa quy phạm để giải quyết một số tình huống cụ thể.
Bà Nhuần phân tích, theo quy định của Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, HĐND cấp huyện, cấp xã chỉ được ban hành nghị quyết để quy định những vấn đề được luật giao. Trong một số trường hợp nhất định, một số địa phương đơn vị cấp huyện và cấp xã sẽ ban hành nghị quyết hỗ trợ một số mô hình cụ thể lại liên quan đến bộ thủ tục hành chính, nhưng bộ thủ tục hành chính chỉ được quy định trong văn bản quy phạm pháp luật.