Tăng cường kỹ năng nghe nói, thuyết trình

Thu Hương 10/03/2016 10:12

“Tất cả hệ thống giáo dục do Sở GD-ĐT Hà Nội đang quản lý một tháng chỉ thu vào 5 tỷ đồng học phí ở tất cả các cấp, các trường. Trong khi đó, các chương trình bổ trợ, tăng cường ngoại ngữ do các trung tâm triển khai lên đến vài chục tỷ. Điều đó chứng tỏ dân mình rất hiếu học, rất ham mê những chương trình thế này. Thế nhưng có xứng đáng?” - ông Lê Ngọc Quang - Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội đặt câu hỏi trong Hội thảo đào tạo bổ trợ ngoại ngữ cấp THCS được tổ chức ngày 9/3 tại Hà Nội. 

Ảnh minh họa.

Dạy 2 tuần chưa có giáo án?

Tại hội thảo, cô giáo Nguyễn Ngọc Lan, Tổ phó Tổ bộ môn Ngoại ngữ trường THCS Chu Văn An, Hà Nội thông tin năm học 2015-2016, nhà trường bắt đầu triển khai chương trình đào tạo bổ trợ ngoại ngữ với việc liên kết với Trung tâm ngoại ngữ của Công ty Giáo dục và Đào tạo quốc tế Đại Tây Dương (Atlantic). Cụ thể, mỗi tuần học sinh sẽ học thêm một tiết ngoại ngữ ngoài giờ học chính khoá với giáo viên của Trung tâm ngoại ngữ Atlantic. Hiện, đã có 2 lớp 6 của trường được dạy thí điểm và nhận được phản hồi tốt của học sinh về giáo trình, cách thức tổ chức bài bản, mức học phí phù hợp cho đối tượng đại trà, giáo viên dạy có trình độ, có phương pháp giảng dạy dễ nghe, dễ hiểu, học sinh được phát triển tốt về kỹ năng nghe nói, học sinh cảm thấy học thoải mái, không gò bó, thấy việc học này là có hiệu quả, bổ ích.

Trong khi đó, đại diện Trung tâm ngoại ngữ Atlantic chia sẻ rằng học sinh Việt Nam giỏi ngữ pháp, từ vựng tốt, nhưng có một chút e dè khi tiếp xúc với người nước ngoài. Vì vậy, việc thiết kế bài giảng của chương trình đang dựa trên ba bộ sách giáo khoa tiếng Anh của Việt Nam gồm bộ sách tiếng Anh cũ, sách nâng cao và sách tiếng Anh mới. Với mỗi một Unit, chương trình xây dựng thêm 3 bài học, tập trung vào kỹ năng nghe nói gồm một bài nói, một bài nghe và một bài học bằng tương tác hình ảnh để bổ trợ cho một Unit.

“Mỗi lớp 6 hiện nay có hơn 40 học sinh nhưng các con tuổi còn nhỏ nên có thể được. Nhưng ở các lớp cao hơn, khi trình độ đã được phân hoá thì việc học lớp tập trung đông thế này sẽ khó hiệu quả” – cô Lan băn khoăn.

Bên cạnh đó, thay mặt nhà trường, cô Lan cũng kiến nghị trung tâm cần gửi giáo án cho trường sớm để trao đổi ý kiến vì đến nay đã học 2 tuần rồi chưa nhận được giáo án.

Với kiến nghị này, bà Bùi Thị Minh Nga, Trưởng phòng Giáo dục có yếu tố nước ngoài – Sở GD&ĐT Hà Nội, yêu cầu phía Trung tâm ngoại ngữ Atlantic cần chuyển cho nhà trường giáo án giảng dạy trước 2 tuần.

Không ngại liên kết nhưng phải đúng

Việc triển khai những chương trình bổ trợ ngoại ngữ như cách Trường THCS Chu Văn An đang làm không phải là mới ở Hà Nội. Theo bà Bùi Thị Minh Nga, năm 2015 vừa qua Sở đã đưa 27 đề án, chương trình học bổ trợ ngoại ngữ vào 197 trường trên địa bàn toàn thành phố. Trong đó, về phía Sở có trách nhiệm định hướng, thẩm định xem chương trình có tốt hay không trước khi giới thiệu với các trường. Điều đó có nghĩa là, với các chương trình hỗ trợ đào tạo tiếng Anh được giới thiệu từ Sở thì các trường hoàn toàn yên tâm là chương trình đã được thẩm định. Các giáo viên được đưa xuống trường về kiến thức chuyên môn, bằng cấp và giấy phép lao động Sở đều quản lý. Vấn đề là thực hiện như thế nào?

“Nhà trường nên tập trung vào 2 kỹ năng nghe và nói, sau đó mới phát triển thêm các kỹ năng khác như thuyết trình… Tất nhiên, để làm được điều đó thì không thể gói gọn trong thời lượng 1 tiết/tuần/lớp, như vậy khá ít. Ngoài ra, với mức học phí dự kiến là 50.000 đồng/học sinh là khá nhiều khiến một số trường khó khăn trong việc bố trí” – bà Nga thông tin.

Một số kiến nghị khác như tăng cường kỹ năng nghe – nói, thuyết trình cho học sinh thông qua các tiết học bổ trợ, theo bà Nga điều này hoàn toàn có thể được, tuy nhiên cần căn cứ vào thời lượng dạy học thực tế chỉ có 45 phút nên không thể đòi hỏi giáo viên nhiều quá. Nếu cần trợ giảng, có thể lấy luôn giáo viên tiếng Anh của trường để nâng cao năng lực nói và nghe của chính các thầy cô giáo.

Phát biểu tại buổi hội thảo, ông Lê Ngọc Quang, Phó Giám đốc Sở GD&ĐT Hà Nội cho rằng hiện nay chương trình hỗ trợ, tăng cường tiếng Anh của học sinh Hà Nội đang rất rầm rộ. Các trường đừng ngần ngại liên kết với các công ty bên ngoài, miễn là biết chọn các cái đúng để làm. Để làm được điều đó, theo ông Quang, cần sự quản lý sát sao của các cấp.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường kỹ năng nghe nói, thuyết trình

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO