Tăng cường năng lực nội sinh

Mai Loan 18/09/2023 07:05

Năm 2023 là năm giữa nhiệm kỳ, có ý nghĩa rất quan trọng trong việc thực hiện Kế hoạch phát triển kinh tế - xã hội 5 năm (2021-2025), đồng thời cũng là năm thứ hai thực hiện Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội 2022-2023.

Theo thông tin mới nhất từ cuộc họp Chính phủ thường kỳ tháng 8, CPI bình quân 8 tháng tăng 3,1% thấp hơn mục tiêu đề ra (khoảng 4,5%). Thu ngân sách nhà nước 8 tháng đạt trên 1,12 triệu tỷ đồng, bằng 69,4% dự toán trong điều kiện phải thực hiện giãn, hoãn, miễn giảm thuế, phí, lệ phí (tổng số tiền miễn, giảm, gia hạn khoảng 200.000 tỷ đồng; đến hết tháng 8 ước tính là 132.000 tỷ đồng)...

Nhưng, những tháng đầu năm 2023, kinh tế thế giới đối mặt với nhiều khó khăn và thách thức. Chúng ta đã đi qua 2/3 chặng đường của năm 2023 với tình hình quốc tế, khu vực tiếp tục diễn biến nhanh, phức tạp, khó lường; khó khăn, thách thức nhiều hơn thời cơ, thuận lợi. Trong nước, nền kinh tế chịu "tác động kép" từ các yếu tố bất lợi bên ngoài và các hạn chế nội tại kéo dài nhiều năm, bộc lộ rõ hơn trong khó khăn. Trong khi đó, nước ta là nước đang phát triển, nền kinh tế đang chuyển đổi, có độ mở cao, quy mô còn khiêm tốn, khả năng thích ứng, sức chống chịu còn hạn chế. Những tồn tại, hạn chế trên gây áp lực lớn trong điều hành kinh tế vĩ mô và khả năng hoàn thành mục tiêu tăng trưởng cả năm 2023 cũng như giai đoạn 2021 - 2025.

Trong bối cảnh ấy, việc tổ chức Diễn đàn Kinh tế - xã hội năm 2023 (ngày 19/9) là rất cần thiết nhằm đánh giá toàn diện tình hình thế giới và trong nước, đánh giá giữa nhiệm kỳ việc thực hiện Kế hoạch Phát triển kinh tế - xã hội và kế hoạch cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025, qua đó tìm kiếm các giải pháp, chính sách để tháo gỡ nút thắt, khơi thông nguồn lực, kiến tạo động lực, hỗ trợ nền kinh tế vượt qua khó khăn, phục hồi và thúc đẩy tăng trưởng. Diễn đàn cũng được đánh giá sẽ là nguồn thông tin hữu ích cung cấp thêm luận cứ khoa học, thực tiễn để Hội đồng Dân tộc, các Ủy ban của Quốc hội thẩm tra các nội dung thuộc chức năng; là nguồn thông tin đầu vào quan trọng để đại biểu Quốc hội xem xét, quyết định các vấn đề quan trọng của đất nước tại Kỳ họp thứ 6, Quốc hội khóa XV dự kiến diễn ra vào tháng 10 tới.

Chủ đề của Diễn đàn “Tăng cường năng lực nội sinh, kiến tạo động lực cho tăng trưởng và phát triển bền vững” và hai phiên thảo luận chuyên đề về “Tăng cường nội lực, khơi thông nguồn lực, hỗ trợ doanh nghiệp vượt khó” và “Nâng cao năng suất lao động, bảo đảm an sinh xã hội trong bối cảnh mới” được xem là sát và đúng với thực tế đang diễn ra ở Việt Nam. Trải qua hơn 2 năm Covid-19, nhiều nền kinh tế lớn cũng chao đảo trong lúc tìm cách thoát khỏi khó khăn; vậy nên, nếu chúng ta không tìm đường tự cứu mình thì cũng chẳng thể trông chờ vào sự ứng cứu từ bên ngoài.

Nhận thức rõ điều đó nên chúng ta đã đặt trọng tâm vào việc phát huy năng lực nội sinh của Việt Nam. “Thực tế các động lực tăng trưởng gồm cả truyền thống và động lực mới đã có, vấn đề là làm sao tìm kiếm năng lượng mới trong các động lực tăng trưởng hiện hành” - Chủ tịch Quốc hội Vương Đình Huệ nói điều này trong một cuộc họp tham vấn cách đây 2 tháng và ông đồng thời nhấn mạnh sự cần thiết tổ chức diễn đàn. Chủ tịch Quốc hội nêu rõ, đây là diễn đàn thường niên, lần này chúng ta cần lựa chọn đúng nội dung chủ đề, có cách thức tổ chức hiệu quả, tạo sức lan tỏa, tháo gỡ nút thắt, rào cản đối với sự phát triển kinh tế - xã hội,…

Diễn đàn năm nay, vì thế, chắc chắn sẽ là dịp để chúng ta đánh giá toàn diện, khách quan kết quả giữa việc thực hiện cơ cấu lại nền kinh tế giai đoạn 2021-2025. Rà soát, đánh giá việc thực hiện các Nghị quyết của Quốc hội, Ủy ban Thường vụ Quốc hội trong thời gian qua, đặc biệt là Nghị quyết số 43/2022/QH15 về chính sách tài khóa, chính sách tiền tệ hỗ trợ Chương trình phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội; đánh giá giữa kỳ kinh tế - xã hội, chính sách hỗ trợ doanh nghiệp trong bối cảnh áp dụng thuế tối thiểu toàn cầu; dự báo tăng trưởng kinh tế 2023, giai đoạn 2021-2025; xuất khẩu bền vững, chuyển đổi xanh, cấu trúc kinh tế; đặc biệt, đưa ra các đề xuất, kiến nghị và giải pháp phát triển kinh tế - xã hội và ứng phó với thách thức, vấn đề mới phát sinh; làm rõ các ưu tiên vào một số trọng tâm trong điều hành kinh tế vĩ mô cũng như trong phục hồi và phát triển kinh tế - xã hội của đất nước.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường năng lực nội sinh