Tăng cường ôn tập, chưa tăng tiết

Thu Hương 18/02/2017 08:00

Ngày 1/4 mới là thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký thi THPT quốc gia cùng với đăng ký xét tuyển sinh ĐH nhưng thời điểm này, nhiều trường đã thực hiện khảo sát về việc lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên hay khoa học xã hội  để thuận lợi trong việc chia lớp ôn tập. Theo đó, kết quả không thay đổi nhiều so với các năm trước khi số thí sinh chọn bài thi Khoa học tự nhiên luôn chiếm số lượng áp đảo…

Ảnh minh họa.

Với nội dung thi THPT quốc gia năm 2017 hoàn toàn nằm trong lớp 12, học sinh dễ dàng xác định được trọng tâm để ôn tập. Tuy nhiên, thời gian thi năm nay sẽ diễn ra sớm hơn mọi năm gần nửa tháng trong khi nhiều môn lần đầu tiên áp dụng hình thức thi trắc nghiệm khách quan thay vì tự luận đòi hỏi thí sinh ngoài việc ôn tập kiến thức cần rèn luyện các kỹ năng cần thiết để đạt kết quả tốt nhất.

Ôn thi theo bài thi tổ hợp

Ngày 1/4 mới là thời điểm thí sinh bắt đầu đăng ký thi THPT quốc gia cùng với đăng ký xét tuyển sinh ĐH nhưng thời điểm này, nhiều trường đã thực hiện khảo sát về việc lựa chọn bài thi tổ hợp khoa học tự nhiên (KHTN) hay khoa học xã hội (KHXH) để thuận lợi trong việc chia lớp ôn tập.

Theo đó, kết quả không thay đổi nhiều so với các năm trước khi số thí sinh chọn bài thi KHTN luôn chiếm số lượng áp đảo so với các thí sinh đăng ký thi bài thi KHXH.

Cụ thể, tại Trường THPT Yên Hòa (Hà Nội), có153/456 học sinh lớp 12 của trường đăng ký lựa chọn bài thi KHXH so với 303 học sinh lựa chọn bài thi KHTN.

Tương tự, tại Trường THPT Phan Huy Chú (Hà Nội), số học sinh đăng ký bài thi KHXH là 104, chưa bằng một nửa so với 277 em thi bài thi tổ hợp KHTN…

Thực tế này cũng đã được nhiều trường dự đoán trước căn cứ trên số liệu đăng ký dự thi những năm trước đó. Với việc khảo sát sớm về việc lựa chọn bài thi tổ hợp, các trường có kế hoạch sớm để chuẩn bị xếp lớp ôn tập ngay sau khi kết thúc chương trình học chính khóa.

Hiện lãnh đạo các trường cho biết thời điểm này hầu như vẫn tập trung học hết chương trình trong sách giáo khoa, song song với đó là các tiết ôn luyện theo từng chương, từng phần và theo bộ đề do giáo viên các tổ bộ môn biên soạn.

Ông Đặng Đình Đại- Hiệu trưởng Trường WellSpring, cho biết: Hiện nhà trường chưa điều chỉnh tăng tiết học cho các em. Khoảng đầu tháng 4, khi học xong toàn bộ chương trình nhà trường mới cho học sinh ôn luyện và thi thử theo nhu cầu, nguyện vọng của học sinh và gia đình. Việc khảo sát học sinh lựa chọn bài tổ hợp nào rất cần thiết để nhà trường phân công giáo viên soạn bài cũng như củng cố kiến thức, kỹ năng các em còn yếu.

Mặc dù Bộ GD-ĐT cho phép học sinh lựa chọn 2 tổ hợp bài thi để đăng ký dự thi nhằm tăng cơ hội xét tuyển vào ĐH là chủ trương đúng đắn. Nhưng khảo sát sơ bộ cho thấy rất ít học sinh có nguyện vọng thi cả hai bài thi tổ hợp. Bởi ngay từ đầu năm lớp 12, thậm chí ngay từ trước đó học sinh đã xác định được khối thi dự kiến để đăng ký vào nhóm ngành nào nên nếu thi cả hai bài thi tổ hợp, số lượng môn thi, kiến thức phải học sẽ tăng lên rất nhiều (từ 6 lên 9 môn) sẽ khó đạt kết quả tốt nhất.

Tập dượt với kỳ thi thử

Trước khi kỳ thi THPT quốc gia chính thức bắt đầu, nhiều trường lên kế hoạch tổ chức cho học sinh thi thử với các đề thi do giáo viên trong trường soạn thảo.

Thầy Trần Mạnh Tùng- Tổ trưởng bộ môn Toán, Trường THPT dân lập Lương Thế Vinh (Hà Nội) cho biết, về mặt kiến thức của chương trình Toán lớp 12 so với các năm trước không thay đổi. Nhưng với việc đổi mới hình thức thi từ tự luận sang khách quan, ngay khi có thông tin chính thức từ Bộ GD-ĐT nhà trường đã tiến hành họp bàn, lên kế hoạch về việc tổ chức dạy học môn này như thế nào để học sinh đạt kết quả tốt nhất.

Nhà trường chú trọng dạy kỹ tất cả các kiến thức mà sách giáo khoa đề cập đến như đúng hướng dẫn của Bộ GD-ĐT để học sinh nắm vững khái niệm cơ bản, kiến thức nền tảng để câu hỏi thay đổi theo hướng nào vẫn có thể làm được. Các giáo viên ngoài việc soạn thảo các bộ đề câu hỏi của từng phần kiến thức để học sinh tăng cường luyện tập với dạng bài trắc nghiệm còn tổ chức cho học sinh thi thử với thời gian, số câu hỏi y như đề thi minh họa để rèn tốc độ làm bài.

Mới đây, Sở GD&ĐT TPHCM cũng cho biết sẽ tổ chức thi thử kỳ thi THPT quốc gia cho các trường THPT trên địa bàn. Thời gian dự kiến vào giữa tháng 5, sau khi các trường THPT trên địa bàn hoàn tất kiểm tra học kỳ hai và kết thúc chương trình học. Mục đích là để cho các em học sinh làm quen trước khi kỳ thi thật diễn ra.

Nội dung kỳ thi thử chủ yếu trong chương trình lớp 12, đảm bảo lượng kiến thức phù hợp với các em học sinh. Các khâu tổ chức thi thử sẽ giống như kỳ thi thật của Bộ GD-ĐT để các em học sinh làm quen. Riêng đề thi sẽ lấy từ ngân hàng đề từ các trường, sau đó biên tập lại theo đúng cấu trúc đề thi minh họa Bộ GD-ĐT đã công bố.

Tuy nhiên, với đề kiểm tra học kỳ 2 khối 12, Sở GD-ĐT TP chỉ đạo các trường THPT trên địa bàn ra cho những môn trong danh sách thi THPT quốc gia theo phương pháp trắc nghiệm phải đảm bảo số câu trắc nghiệm chỉ chiếm 50 - 60%, có cả các câu tự luận để học sinh làm bài.

Ông Nguyễn Văn Hiếu- Phó Giám đốc Sở GD-ĐT TP.HCM cho rằng, kỳ thi thử không tạo áp lực cho học sinh. Đồng thời, yêu cầu các trường phải tổ chức dạy và học nghiêm túc cho học sinh đến ngày cuối cùng để bảo đảm kiến thức trước khi các em bước vào kỳ thi.

Tuy nhiên, các trường phải tổ chức ôn tập theo năng lực học sinh, không được gây căng thẳng quá sức. Đối với những trường THPT có đầu vào thấp và nhóm học yếu, ông Hiếu lưu ý các trường nên phối hợp với phụ huynh học sinh để có định hướng và kế hoạch tổ chức ôn tập phù hợp, bảo đảm học sinh tốt nghiệp được THPT.

Điều này cũng phù hợp với hướng dẫn ôn thi của Bộ GD-ĐT là cần phối hợp với học sinh và cha mẹ các em để sắp xếp thời gian ôn tập hợp lý, đảm bảo sức khỏe của học sinh, ôn tập có hiệu quả nhưng không gây quá tải. Trong đó, cần tăng cường thời gian dành cho học sinh tự học.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường ôn tập, chưa tăng tiết

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO