Tăng cường phòng chống dịch ra sao khi mùa đông xuân đến gần?

21/10/2022 15:49

Tình hình dịch bệnh ở Việt Nam hiện tại còn nhiều diễn biến phức tạp, cùng với dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, bệnh do virus Adeno gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam.

Theo số liệu thống kê mới nhất của Bộ Y tế, số mắc mới Covid-19 ngày 20/10 giảm gần 800 ca so với ngày trước đó, chỉ còn 541 ca. Sau vài ngày liên tiếp ghi nhận các ca tử vong tại một số địa phương, ngày 20/10 không ghi nhận trường hợp tử vong.

Ảnh minh hoạ: Quang Vinh.

Tính từ đầu dịch, đến nay Việt Nam đã ghi nhận 11.495.772 ca nhiễm, đứng thứ 13/230 quốc gia và vùng lãnh thổ, trong khi với tỷ lệ số ca nhiễm/1 triệu dân, Việt Nam đứng thứ 115/230 quốc gia và vùng lãnh thổ (bình quân cứ 1 triệu người có 115.713 ca nhiễm).

Trong khi đó, mùa đông đã cận kề, là thời điểm thích hợp để nhiều loại virus phát triển và tấn công con người. Cùng với dịch Covid-19, dịch sốt xuất huyết đang lưu hành, bệnh do virus Adeno gia tăng, xuất hiện ca bệnh cúm A(H5) và đặc biệt là dịch mới nổi như đậu mùa khỉ đã xâm nhập vào Việt Nam. Các bệnh này đều có biểu hiện ở đường hô hấp và rất dễ nhầm lẫn giữa các bệnh nếu không được chẩn đoán kịp thời.

Đáng nói, tỉ lệ tiêm vaccine mũi 3, mũi 4 và tiêm cho trẻ em tại một số địa phương còn thấp. Đến hết ngày 20/10, Việt Nam đã tiêm hơn 260,9 triệu liều vaccine Civid-19, tuy nhiên vẫn có nhiều địa phương đang tiêm chậm, thấp mũi 3 cho người trên 18 tuổi, mũi 3 cho trẻ từ 12- duới 18 tuổi, mũi 1 và 2 cho trẻ từ 5- dưới 12 tuổi. Theo đánh giá của nhiều địa phương, tình hình dịch bệnh vẫn có những diễn biến phức tạp. Do vậy, rất cần thiết phải đẩy mạnh các phương pháp phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân trước khi chúng có nguy cơ trở thành đại dịch.

Mới đây, trong hội nghị trực tuyến tăng cường phòng chống dịch và công tác tiêm chủng vaccine Covid-19 diễn ra ngày 20/10, Thứ trưởng Nguyễn Thị Liên Hương đã yêu cầu các địa phương tiếp tục quan tâm triển khai các biện pháp phòng chống dịch theo chỉ đạo của Chính phủ, Thủ tướng Chính phủ và theo hướng dẫn của Bộ Y tế, các bộ ngành liên quan.

Theo đó, Bộ Y tế yêu cầu thực hiện nghiêm, quyết liệt, đồng bộ các biện pháp phòng, chống dịch; đặc biệt tiếp tục đẩy nhanh tiêm vaccine phòng Covid-19, cập nhật đầy đủ kết quả tiêm lên hệ thống tiêm chủng và truyền thông nâng cao trách nhiệm, ý thức người dân, cộng đồng… nhất là khi mùa đông xuân đang đến gần có nguy cơ gia tăng các ca mắc và nhập viện.

Với bệnh đậu mùa khỉ, Thứ trưởng Bộ Y tế đề nghị các địa phương cần thực hiện nghiêm chỉ đạo phòng chống dịch bệnh này theo công điện của Thủ tướng Chính phủ và hướng dẫn của Bộ Y tế, tập trung giám sát, phát hiện sớm, cách ly và điều trị kịp thời. Các Viện trực thuộc Bộ Y tế cần tăng cường hướng dẫn, hỗ trợ chuyên môn cho tuyến dưới.

Đối với các dịch bệnh khác như sốt xuất huyết, bệnh do virus Adeno, các địa phương cần tiếp tục tăng cường phòng, chống; đẩy mạnh truyền thông phòng chống dịch, bệnh đến cộng đồng.

Để chủ động phòng tránh dịch bệnh mùa đông xuân, Cục Y tế dự phòng - Bộ Y tế đã khuyến cáo người dân cần quan tâm, chủ động thực hiện các biện pháp nâng cao sức khỏe, phòng chống dịch bệnh bằng một số biện pháp như sau:

  • Tiêm chủng đầy đủ các loại vaccine phòng bệnh theo đúng lịch, nhất là các đối tượng có sức đề kháng kém như trẻ em (đối với các bệnh có vắc xin phòng bệnh như: sởi, rubella, ho gà, não mô cầu, thủy đậu, cúm ...).
  • Giữ ấm cơ thể khi thời tiết chuyển lạnh; ủ ấm cho trẻ em khi đi xe máy, ra ngoài trời; khi làm việc ngoài trời, ra ngoài trời vào ban đêm, sáng sớm phải mặc đủ ấm, lưu ý giữ ấm bàn chân, bàn tay, ngực, cổ, đầu.
  • Tránh tiếp xúc với những người đang có dấu hiệu bị các bệnh truyền nhiễm đường hô hấp, nếu cần thiết phải tiếp xúc nên đeo khẩu trang.
  • Thực hiện ăn chín uống sôi, đảm bảo vệ sinh an toàn thực phẩm, duy trì chế độ dinh dưỡng hợp lý có đầy đủ chất dinh dưỡng để nâng cao sức đề kháng.
  • Đảm bảo vệ sinh cá nhân, thường xuyên rửa tay với xà phòng, vệ sinh mũi, họng hàng ngày bằng nước súc miệng và nước muối sinh lý. Thực hiện tốt vệ sinh môi trường, vệ sinh gia đình, sử dụng nhà tiêu hợp vệ sinh.

Khi có các triệu chứng mắc các bệnh truyền nhiễm cần thông báo ngay cơ sở y tế gần nhất để được tư vấn, khám và điều trị kịp thời.

(0) Bình luận
Nổi bật
    Tin mới nhất
    Tăng cường phòng chống dịch ra sao khi mùa đông xuân đến gần?

    POWERED BY ONECMS - A PRODUCT OF NEKO