Ngày 14/9, Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã cho ý kiến về các báo cáo công tác của Chánh án Tòa án nhân dân tối cao, Viện trưởng Viện Kiểm sát nhân dân tối cao; các báo cáo của Chính phủ về công tác phòng, chống tội phạm và vi phạm pháp luật, công tác thi hành án và công tác phòng, chống tham nhũng năm 2018.
Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội Lê Thị Nga trình bày báo cáo tóm tắt các báo cáo thẩm tra.
Ngăn chặn “tham nhũng vặt” chưa hiệu quả
Bộ trưởng Bộ Công an Tô Lâm cho biết, trong năm qua lực lượng công an đã chỉ đạo các cơ quan chức năng triển khai nhiều kế hoạch, biện pháp nghiệp vụ tăng cường nắm tình hình, phát hiện, đấu tranh với tội phạm kinh tế, tội phạm về chức vụ trong các ngành, lĩnh vực kinh tế trọng điểm. Đã khởi tố 1.247 vụ, 1.818 bị can phạm các tội xâm phạm trật tự quản lý kinh tế (tăng 68,06% vụ và 42,03% bị can so với cùng kỳ năm 2017); 264 vụ, 530 bị can phạm tội tham nhũng và các vi phạm khác về chức vụ (tăng 27,54% vụ, 8,38% bị can).
Theo đánh giá của Tổng Thanh tra Chính phủ Lê Minh Khái, công tác phòng, chống tham nhũng (PCTN) năm 2018 đã có bước tiến mạnh, đạt được nhiều kết quả toàn diện, rõ rệt, để lại dấu ấn tốt, tạo hiệu ứng tích cực, lan tỏa mạnh mẽ trong toàn xã hội, được nhân dân đồng tình đánh giá cao, được các tổ chức quốc tế ghi nhận. Tuy nhiên, vẫn còn một số bộ, ngành, địa phương có tình trạng bổ nhiệm cán bộ lãnh đạo quản lý không đủ điều kiện, tiêu chuẩn, phẩm chất, năng lực; bố trí người thân vào vị trí việc làm hoặc để người thân kinh doanh trong phạm vi quản lý, vi phạm quy định pháp luật về PCTN.
“Chưa có quy định và thiếu kiên quyết điều chuyển, thay thế cán bộ khi có dư luận hoặc có biểu hiện tiêu cực, tham nhũng, uy tín thấp. Các biện pháp phòng ngừa tham nhũng chưa phát huy toàn diện. Việc xử lý trách nhiệm người đứng đầu khi để xảy ra tham nhũng, chuyển đổi vị trí công tác, kiểm soát tài sản, thu nhập, tặng quà, nhận quà còn nhiều hạn chế, vướng mắc. “Tham nhũng vặt” chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Số vụ việc, vụ án được phát hiện, xử lý chưa phản ánh đúng thực trạng tham nhũng, nhất là công tác phát hiện, xử lý ở địa phương”- ông Khái cho hay.
Bà Lê Thị Nga- Chủ nhiệm Ủy ban Tư pháp của Quốc hội cũng nhìn nhận, một số biện pháp phòng ngừa tham nhũng còn hình thức, hiệu quả thấp. Đơn cử như: Tình trạng nhũng nhiễu, đòi hối lộ trong quá trình giải quyết công việc đối với người dân, doanh nghiệp còn diễn ra nhưng việc xử lý trong một số trường hợp vi phạm chưa nghiêm, gây bức xúc trong dư luận. “Cải cách bộ máy hành chính, sắp xếp, tinh gọn tổ chức bộ máy, tinh giản biên chế còn chưa đáp ứng đầy đủ yêu cầu đề ra. Bộ máy nhà nước còn cồng kềnh, nhiều tầng nấc trung gian. Chưa có giải pháp để tháo gỡ, chấn chỉnh triệt để tình trạng dư thừa cấp phó, còn tình trạng bổ nhiệm nhiều cán bộ trước khi nghỉ hưu, bổ nhiệm cán bộ không đủ tiêu chuẩn theo quy định gây hoài nghi trong dư luận”- bà Nga chỉ rõ.
Đưa ra phân tích thêm, bà Nga cho hay: Năm 2018 số lượng bản kê khai là rất lớn nhưng chỉ xác minh đối với 44 người/1.136.902 người đã kê khai. Kết quả xác minh phát hiện 6 trường hợp vi phạm. Trong khi đó, theo phản ánh của báo chí, cử tri cho thấy còn có nhiều trường hợp kê khai không trung thực, không kê khai, nhất là không kê khai khi được bổ nhiệm chức danh lãnh đạo, quản lý theo quy định nhưng chưa bị xử lý hoặc xử lý không nghiêm đã cho thấy việc tổ chức thực hiện còn hình thức, nhiều hạn chế.
Loại bỏ cán bộ hư hỏng trong các cơ quan PCTN
Đó là giải pháp được ông Lê Minh Khái đưa ra để công tác PCTN năm 2019 đạt hiệu quả hơn. “Chính phủ sẽ tiếp tục xây dựng, hoàn thiện các dự án luật để phòng ngừa tham nhũng. Đẩy mạnh cải cách hành chính; tập trung xử lý, ngăn chặn có hiệu quả tình trạng nhũng nhiễu, gây phiền hà cho người dân và doanh nghiệp trong giải quyết công việc. Kiên quyết loại bỏ những cán bộ hư hỏng, tham nhũng ra khỏi bộ máy của Đảng và Nhà nước, trước hết là trong các cơ quan PCTN”- ông Lê Minh Khái nói và cho biết, Chính phủ sẽ kiểm tra công tác quy hoạch, luân chuyển, đề bạt, bổ nhiệm cán bộ trong phạm vi cả nước; kiên quyết hủy bỏ, thu hồi các quyết định không đúng về công tác cán bộ, xử lý nghiêm những tổ chức, cá nhân sai phạm.
Bày tỏ lo ngại về tình trạng “tham nhũng vặt”, nhất là tình trạng nhũng nhiễu chưa được ngăn chặn có hiệu quả. Việc kiểm tra tự phát hiện tham nhũng trong các cơ quan chưa tốt, Trưởng ban Dân nguyện Nguyễn Thanh Hải đặt vấn đề: Nhiều vụ tham nhũng lớn được đưa ra ánh sáng làm người dân tin tưởng. Tuy nhiên những cái hàng ngày khi người dân làm việc với cán bộ công chức thường xuyên gặp phải là tình trạng nhũng nhiều, gây phiền hà. “Tham nhũng vặt tinh vi nhưng tại sao người dân biết mà nội bộ các cơ quan không biết?”- bà Hải nêu vấn đề, từ đó đề nghị cần quan tâm đến ngăn chặn xử lý tham nhũng vặt, nếu không sẽ như “ổ mối ăn mòn con đê”. Nếu không quyết liệt xử lý sẽ làm ảnh hưởng đến đạo đức xã hội và con người.
Theo ông Võ Trọng Việt - Chủ nhiệm Ủy ban Quốc phòng an ninh của Quốc hội, cử tri và nhân dân vẫn còn phàn nàn về đạo đức của cán bộ chưa đáp ứng được yêu cầu và niềm tin của nhân dân. Vì vậy làm sao cho bộ máy tinh gọn hiệu quả, nhưng phải đáp ứng được nguyện vọng của nhân dân. “Tôi đã có lần đóng vai dân để làm sổ đỏ nhưng vất vả lắm các đồng chí ơi. Phải hiểu và đặt mình vào vị trí người dân”- ông Việt cho hay.
Ông Nguyễn Văn Giàu- Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại của Quốc hội cho rằng, đây là việc lan tỏa đến xã hội cực kỳ lớn. Từ đó ông Giàu đề nghị, cần chỉ rõ tham nhũng vặt xảy ra chủ yếu ở lĩnh vực nào? Ngành nào? Và xử lý cán bộ tham nhũng vặt như thế nào? Phải chỉ ra cho bằng được để có biện pháp phòng ngừa không để xảy ra tình trạng tham nhũng vặt.