Thực hiện chỉ đạo của Công an TP Hà Nội trong công tác đảm bảo trật tự, an toàn giao thông (TTATGT), Phòng Cảnh sát giao thông đã triển khai kế hoạch tăng cường tuần tra kiểm soát xử lý các hành vi vi phạm nhằm phòng ngừa, ngăn chặn, xử lý nghiêm, từ gốc các hành vi vi phạm là nguyên nhân chính dẫn đến tai nạn giao thông.
Theo đó, từ ngày 15/3, lực lượng Cảnh sát giao thông, Công an TP Hà Nội đã tăng cường tuyên truyền, vận động nhà hàng, quán ăn, các tụ điểm vui chơi giải trí trên địa bàn thành phố ký cam kết không để khách hàng điều khiển phương tiện giao thông sau khi đã uống rượu bia. Doanh nghiệp, người điều khiển, chủ phương tiện kinh doanh vận tải hàng hóa, hành khách ký cam kết không bốc xếp, chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, chở quá vạch dấu mớn nước an toàn, tự ý cải tạo, hoán cải phương tiện và phải bảo đảm các nguyên tắc, điều kiện an toàn khi tham gia giao thông.
Lực lượng Cảnh sát giao thông đã tăng cường tuần tra, kiểm soát và xử lý vi phạm TTATGT trên cả 3 lĩnh vực, đường bộ, đường thủy và đường sắt. Tập trung tuần tra, kiểm soát trên các tuyến quốc lộ trọng điểm, tuyến cao tốc, vành đai, nội thị, đường tỉnh, đường huyện; các tuyến đường thủy trọng điểm về vận tải hàng hóa, các cảng, bến thủy nội địa hoạt động phức tạp về giao thông đường thủy; tuyến đường sắt, nhà ga trọng điểm; các đường ngang, điểm mở qua đường sắt...
Tập trung kiểm tra xử lý vào 5 nhóm hành vi vi phạm: Vi phạm nồng độ cồn, ma tuý; chở hàng quá tải trọng, quá khổ giới hạn, “cơi nới” thùng xe và chở quá vạch dầu mớn nước an toàn; điều khiển xe chạy không đúng tốc độ quy định; vi phạm quy định về tránh vượt, phần đường, làn đường và không chấp hành hiệu lệnh của đèn tín hiệu giao thông (vượt đèn đỏ); sử dụng các loại giấy tờ “giả” liên quan đến người điều khiển và phương tiện. Ngoài ra, Phòng Cảnh sát giao thông bố trí cán bộ trực 24/24h, 7 ngày/tuần để tiếp nhận, xử lý thông tin, hình ảnh phản ánh của người dân qua trang Zalo “Phòng Cảnh sát giao thông Hà Nội”.
Việc kiểm tra, xử lý vi phạm theo các chuyên đề này sẽ được thực hiện thường xuyên, liên tục, nghiêm minh, linh hoạt, hiệu quả với tinh thần tuyệt đối thượng tôn pháp luật, “không có vùng cấm, không có ngoại lệ” để răn đe, giáo dục, tạo chuyển biến tích cực về nhận thức, ý thức chấp hành các quy định pháp luật của người tham gia giao thông; đồng thời, phát hiện những tồn tại, bất cập để kiến nghị các biện pháp nhằm nâng cao hiệu lực, hiệu quả trong công tác quản lý nhà nước về lĩnh vực bảo đảm TTATGT.